10-15% số bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi dưới 40; 90% bệnh nhân đột quỵ không kiểm soát tốt được các yếu tố nguy cơ; chỉ có 12% bệnh nhân đột quỵ đến BV trong “cửa sổ 3 giờ vàng”… là những con số được các chuyên gia y tế đưa ra trong tọa đàm “Đột quỵ, người trẻ xin đừng chủ quan” do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tổ chức mới đây.
Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày để phòng chống đột quỵ. Ảnh: I.T
Đột quỵ ngày càng trẻ hóa
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM – cho biết, theo số liệu thống kê từ năm 2017-2020 tại các trung tâm đột quỵ lớn ở Việt Nam thì độ tuổi trung bình thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ là 60 tuổi. Tuy nhiên, tuổi đột quỵ đang ngày thấp hơn so với độ tuổi trung bình thống kê. Hiện nay đột quỵ ở người trẻ tầm 40 tuổi trở xuống ước tính khoảng 10-15%. Con số này thực sự là cảnh báo cho cả xã hội.
Gánh nặng của đột quỵ không phải là tử vong, bởi có những hệ lụy còn nặng nề hơn đó là sự tàn phế. Nếu sự tàn phế đó xảy ra trên bệnh nhân trẻ tuổi thì gánh nặng không chỉ đối với người bệnh mà còn cho gia đình, cho xã hội sẽ lớn hơn rất nhiều so với trường hợp đột quỵ trên bệnh nhân lớn tuổi. Theo thống kê, cứ 100 bệnh nhân đột quỵ có tới 70 bệnh nhân không thể quay lại các công việc trước đây từng làm.
Vì sao đột quỵ ngày càng trẻ hóa, theo BS Thắng, tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở người trẻ chủ yếu đến từ lối sống. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở phương Tây tỷ lệ đột quỵ đang ngày càng giảm đi (40% mỗi năm), còn với những nước kinh tế eo hẹp hơn như khu vực Đông Nam Á thì tỷ lệ đột quỵ mới mắc lại cao hơn đáng kể theo từng năm.
“Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, khi nền kinh tế thay đổi sẽ nảy sinh sự thay đổi về lối sống, đặc biệt là những đối tượng trẻ: hút thuốc lá nhiều hơn, sử dụng bia rượu nhiều hơn, sử dụng chất gây nghiện nhiều hơn, cuộc sống bận rộn hơn, công việc nhiều hơn, quá tải nhiều hơn, stress nhiều hơn… Điều này đã làm thay đổi về mặt dịch tễ, lứa tuổi gây ra đột quỵ. Ngoài ra, thức quá khuya cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ”, BS Thắng nói.
ThS.BS Đặng Duy Gia – Khoa Thông tim can thiệp, Viện Tim TP.HCM – cũng cho biết, người tăng huyết áp có nguy cơ đột quỵ nhiều hơn so với người thường. Người bị tăng huyết áp, tỷ lệ đột quỵ tăng gấp 3 lần so với người không bị tăng huyết áp. Tình hình tăng huyết áp ở giới trẻ hiện nay tăng hơn so với trước nhiều. Cách đây khoảng 20 năm hiếm khi gặp bệnh nhân trẻ bị tăng huyết áp hoặc biến chứng của nhồi máu cơ tim bị đột quỵ. Khoảng 4 năm trở lại đây, mỗi năm Viện Tim TP tiếp nhận không dưới 10 bệnh nhân dưới 30 tuổi bị nhồi máu cơ tim. Lý do trẻ hóa tăng huyết áp cũng đến từ lối sống – stress, căng thẳng, áp lực công việc nhiều, ít vận động, ngồi máy tính nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều muối, không tập thể dục, căng thẳng kéo dài…
Tập thể dục và đi ngủ sớm
Đây là cách tốt nhất và ít tốn kém nhất để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ…
Theo BS Gia, những người trên 18 tuổi nên bắt đầu theo dõi huyết áp; người trên 50 tuổi, mỗi năm đo huyết áp một lần. Khi đã có tăng huyết áp, cần hạn chế các yếu tố nguy cơ như căng thẳng, chế độ ăn nên ít muối, ăn nhiều rau quả tươi, hạn chế ăn thịt đỏ, ăn nhiều hạt; tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút/ ngày, mỗi tuần ít nhất 5 ngày; không thức quá khuya.
Khẳng định đột quỵ hầu hết đều có nguyên nhân, rất ít trường hợp đột quỵ không nguyên nhân, BS Thắng nhấn mạnh, cách hữu hiệu nhất phòng ngừa đột quỵ là kiểm soát các nguyên nhân một cách chặt chẽ và lâu dài. Có tới 90% bệnh nhân đột quỵ không kiểm soát yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, nguyên nhân đột quỵ nhiều nhất ở người trẻ đó là hút thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá 70% ở các bệnh nhân đột quỵ.
Đặc biệt, trong phòng ngừa và điều trị đột quỵ, song song với kiểm soát các yếu tố nguy cơ, duy trì lối sống lành mạnh, BS Thắng khẳng định, thực phẩm chức năng hoàn toàn không có tác dụng để chữa trị bệnh lý. Không một nghiên cứu, một chứng cứ nào chỉ ra rằng thực phẩm chức năng giúp phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, việc quảng bá khiến người dân lầm tưởng thực phẩm chức năng chữa trị đột quỵ. Thay vì tin vào BS, vào chuyên gia thì vì những quảng cáo mà người dân lại tin vào một nhân vật nào đó nhiều hơn là những người được đào tạo về y tế. Điều này rất nguy hiểm. Thực phẩm chức năng là vấn nạn hiện nay. Rất nhiều bệnh nhân đột quỵ bỏ thuốc tây để uống thực phẩm chức năng…
Khi gặp bệnh nhân bị đột quỵ, BS Thắng chỉ rõ, cách tốt nhất là không làm bất cứ điều gì mà ngay lập tức gọi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến BV càng sớm càng tốt để không vượt qua 3 giờ vàng. Nhiều người tự xử lý bệnh nhân đột quỵ bằng các thông tin lưu truyền như dùng kim châm ngón tay, để bệnh nhân nằm im… Tất cả những cách này đều gây nguy hiểm cho bệnh nhân, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Thống kê tại BV 115, chỉ có 12% bệnh nhân đột quỵ đến BV trong cửa sổ 3 giờ vàng. Điều này có nghĩa là chỉ 12% người bệnh đột quỵ được điều trị kịp thời, còn lại 88% bệnh nhân nằm ngoài cửa sổ giờ vàng là không chữa được.
Đỗ Lan
Bình luận (0)