Thời tiết ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung bắt đầu chuyển lạnh. Theo đó, để giữ ấm vào buổi tối, nhiều gia đình có điều kiện ở thành thị đã sử dụng máy điều hòa, máy sưởi. Tuy nhiên ở vùng nông thôn, nhiều gia đình vẫn còn thói quen đốt than trong phòng ngủ để sưởi ấm. Đây là một hành vi rất nguy hiểm đã được các chuyên gia cảnh báo và trên thực tế năm nào cũng có vài vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra…
Một trường hợp bị ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm trong phòng ngủ được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Mới chớm lạnh đã gặp nạn vì đốt than
Đó là vụ việc xảy ra ngày 4-12 tại thôn Phù Ích, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh khiến 3 người trong một gia đình phải nhập viện.
Theo đó, vào sáng sớm cùng ngày, trong lúc qua nhà con trai (là anh Ng.X.Th.) để thăm cháu, mẹ của anh Th. gọi cho chị Ng.Th.Th.T. (vợ anh Th.) nhưng không thấy trả lời nên gọi điện cho con trai về kiểm tra. Anh Th. về nhà và cùng hàng xóm phá cửa để vào thì phát hiện vợ cùng mẹ vợ là bà H.Th.H. (SN 1964) và đứa con nhỏ mới 12 ngày tuổi nằm bất tỉnh trên giường, bên cạnh có 1 nồi than đang ấm. Căn phòng chỉ rộng chừng 10m2 và đóng kín cửa.
Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Ích Hậu và nhân viên y tế đã đến hiện trường, sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân và nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để cấp cứu.
Một năm trước, cũng tại Hà Tĩnh đã xảy ra vụ tai nạn tương tự. Theo đó, ngày 22-12-2022, tại thôn Bình Vinh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, 3 người trong một gia đình phải nhập viện cấp cứu do đốt than sưởi ấm trong phòng kín. 3 nạn nhân gồm: anh N.Đ.P. (34 tuổi), chị N.T.B. (34 tuổi) và cháu N.Đ.T. (23 ngày tuổi). Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, các bác sĩ ghi nhận 3 bệnh nhân mệt, khó thở, có biểu hiện ngộ độc khí CO. Cả 3 bệnh nhân đều phải thở máy.
Không may mắn như các nạn nhân nói trên, vợ chồng ông H.V.Q. (SN 1967) và bà L.T.N. (SN 1971) tại thôn Hữu Khánh, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã phải bỏ mạng do đốt than sưởi ấm trong nhà để ngủ. Cụ thể, khoảng 6 giờ 30 phút ngày 1-1-2023, người thân đến nhà ông Q. Tuy nhiên, gọi mãi không thấy ai ra mở cửa. Biết có chuyện chẳng lành, người dân xung quanh tìm cách mở cửa vào trong thì phát hiện ông Q. và bà N. đã tử vong trên giường trong phòng ngủ, bên cạnh giường có một chậu than củi đã tàn.
Ngay sau đó, chính quyền và công an đã tới hiện trường, xác minh làm rõ. Bước đầu, cơ quan công an nhận định nguyên nhân vợ chồng ông T. tử vong là do đốt than sưởi ấm gây ngạt khí.
Cũng tại tỉnh Thanh Hóa, đầu năm 2022, chỉ riêng huyện Quảng Xương đã xảy ra 2 vụ ngộ độc khí CO do đốt than trong phòng kín để ngủ, hậu quả làm 4 người chết, 2 người nhập viện cấp cứu.
Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, năm nào cũng vậy, khi thời tiết bước vào đợt rét đậm, Trung tâm Chống độc của bệnh viện lại tiếp nhận không ít bệnh nhân bị ngộ độc khí CO. Do là bệnh viện tuyến cuối nên hầu hết các bệnh nhân khi được chuyển đến đây đều là bệnh nhân nguy kịch – hôn mê sâu, phải thở máy, tổn thương thần kinh… |
Ngày 3-12-2020, tại thôn 3, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng xảy ra vụ ngạt khí than khiến 4 mẹ con thương vong. 4 nạn nhân gồm chị Tr.Th.Th.L. (SN 1989) cùng các con D.T.H.T. (9 tuổi), D.Đ.H. (4 tuổi) và D.Đ.H. (1 tháng tuổi). Trong đó, 2 cháu T. và H. (4 tuổi) đã chết, chị L. và cháu H. (1 tháng tuổi) trong tình trạng hôn mê sâu nên đã được người dân đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Ở phòng ngủ của 4 mẹ con chị L., người dân phát hiện có mấy chậu than đốt dùng để sư?i ?m, ??t d??i gi??ng ng?.
ởi ấm, đặt dưới giường ngủ.
“Nói không” với đốt than trong phòng kín
Có thể thấy rất nhiều người đã phải mất mạng hoặc để lại di chứng suốt đời chỉ vì đốt than sưởi ấm khi ngủ.
Theo đó, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt củi, đốt than để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas. Bởi khi đốt, ôxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng. Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu ôxy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”.
Cũng theo BS Nguyên, bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất ôxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Điều nguy hiểm ở chỗ bệnh nhân không kịp nhận ra được những bất thường, họ lịm, ngất đi nhanh chóng mà không thể thoát ra ngoài dù với người bình thường chỉ là một cái với tay mở toang cửa. Rất nhiều trường hợp tử vong tại chỗ hoặc đến bệnh viện đã tử vong.
Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
“Chúng ta chỉ dùng bếp than, bếp củi để sưởi ấm trong điều kiện ngoài trời hoặc phòng thoáng khí, có mở cửa hoặc ô thoáng để thông khí. Tuyệt đối không sưởi ấm bằng bếp than trong phòng kín”, BS Nguyên nhấn mạnh.
BS Nguyên khuyên, khi phát hiện người bị ngạt khí CO cần nhanh chóng mở tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc. Đồng thời, nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim. Thời gian tách khỏi khí CO càng sớm, người bệnh càng có cơ hội sống, hồi phục. Còn hôn mê quá lâu do khí CO, não thiếu ôxy sẽ để lại những di chứng lâu dài về thần kinh.
Ngọc Hà
Bình luận (0)