Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Đốt” thời gian bằng internet

Tạp Chí Giáo Dục

Việc dành quá nhiều thời gian vào các trang mạng xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến học hành, công việc

Nếu biết cách chọn lựa thông tin cũng như sử dụng thời gian phù hợp vào các trang mạng xã hội thì độc giả sẽ thu thập được nhiều thông tin bổ ích. Ngược lại sẽ mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến học tập, công việc, thậm chí là sức khỏe…
Rảnh lúc nào…  xem lúc đó
Chúng tôi đã làm một cuộc thăm dò các bạn trẻ tại nhiều trường học, công ty về thói quen vào các trang mạng xã hội, đặc biệt là những kênh giải trí về điện ảnh, thời trang… và cả trang Facebook thì hầu hết đều trả lời có. Thậm chí phần đông ý kiến cho rằng, thời buổi này không biết đến nó xem như lạc hậu, tự kỷ.
Là một tín đồ của các ca sĩ trẻ trong và ngoài nước, hàng ngày không lên mạng ít nhất 2 lần, mỗi lần hơn 1 giờ, Tr.D (học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) cảm thấy bứt rứt, khó chịu. D. thường vào ngoisao.net, kenh14.vn, Zing news, 24h.com.vn… để cập nhật thông tin về cuộc sống, sự nghiệp, hình ảnh ca sĩ diễn viên từ trong đến ngoài nước. Hết mục sao, cô bé tiếp tục lướt sang thời trang, cuộc sống… một cách say mê, thỉnh thoảng không quên “like” nếu thích hoặc ghi lời bình luận dưới bài viết.
D. chia sẻ: “Em rất yêu thích các ca sĩ tuổi teen. Những bài hát của họ phù hợp với lứa tuổi, tâm trạng chúng em; đặc biệt mỗi lần xuất hiện, hình ảnh họ lộng lẫy, xinh đẹp. Cập nhật để biết họ đang làm gì, phát hành album mới ra sao và xem sự bình luận của các fan…”. Vậy là với chiếc điện thoại kết nối 3G trong tay, cô bé tranh thủ giờ ra chơi, buổi trưa, buổi tối để vào xem. Chúng tôi thử đặt câu hỏi về nhạc sĩ, ca sĩ nhạc đồng quê Taylor Swift (Mỹ), D. tỏ ra rành mạch về sự nghiệp, tác phẩm âm nhạc, cho đến cuộc sống tình cảm riêng tư… của ca sĩ này. Thậm chí D. còn đem ra so sánh tài năng, sắc đẹp của ca sĩ này với những nhân vật khác như ca sĩ, diễn viên trẻ Selena Gomez, Vanessa Hudgens…
Trong khi đó, T.N (học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM) ngoài thú vui nghiền ngẫm các trang giải trí, em còn là tín đồ của Facebook từ năm lớp 5. Ở đó N. thích thú xem ảnh của bản thân và bạn bè, đặc biệt thích “like”, bình luận dưới những tấm ảnh mới đăng tải, những câu “status” mới viết trên tường mỗi ngày mà không biết chán. Em cho biết: “Facebook như sợi dây kết nối thông tin giữa em và các bạn. Em có thể nói chuyện, xem hình ảnh, biết các bạn hôm nay đang làm gì, ra sao, tâm trạng như thế nào… Điều này đồng nghĩa với việc đây cũng là nơi để em giãi bày tâm sự vui buồn. Nhiều khi đang học bài, nhớ đến Facebook em cố gắng tranh thủ vào 20-30 phút, hay trước lúc đi ngủ em cũng tranh thủ vào. Thú thật khi đã vào rồi thì mọi người khó mà dứt ra”. Và không riêng N., nhiều bạn của em cũng có thói quen này. N. cười nói: “Thời nay ai mà không tham gia vào các trang mạng xem như lạc hậu, tự kỷ”.
Có thể nói, thói quen vào mạng chỉ để xem hình ảnh ca sĩ, diễn viên, vào Facebook để nói chuyện, xem ảnh, bình luận của các bạn trẻ ngày càng nhiều về số lượng cũng như thời gian. Phương tiện truy cập thì ngày càng đa dạng, nào máy tính, iPad, điện thoại di động kết nối 3G… Thu Hà (nhân viên một công ty xuất nhập khẩu) cho biết: “Internet kết nối sẵn, cứ lúc nào rảnh là mình tranh thủ vào mạng xem tin tức. Những tin kinh tế – xã hội chỉ xem lướt qua, còn chủ yếu là các mục thời trang, điện ảnh, mỹ phẩm…”. Theo Thu Hà, những kênh thông tin này có nội dung đa dạng, hình ảnh sinh động, đẹp mắt thu hút người xem. Lắm bạn ghiền đến độ vừa làm vừa đọc thông tin. 
Lợi thì có lợi, song…
Có thể nói, các trang mạng xã hội mang lại lợi ích không ít, cung cấp những thông tin thời sự về kinh tế, đời sống xã hội… Ngoài ra, các trang mạng cũng là nơi điều hòa đời sống tinh thần của con người trong xã hội hiện đại như xả stress, chia sẻ vui buồn, kết nối tinh thần. Tuy nhiên, việc sử dụng thời gian quá nhiều, không đúng mục đích sẽ có hại cho bản thân.
X.Tr (học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1) cho biết: “Dành thời gian lên mạng vừa phải, đúng mục đích thì có thể giải trí sau những lúc căng thẳng hoặc tìm kiếm nhiều thông tin bổ ích cho học tập. Ngược lại sẽ mất nhiều thời gian, làm sao nhãng việc học, thậm chí tốn nhiều tiền cho phí đăng ký”.
Cô Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, cho biết: “Việc dành quá nhiều thời gian vào các trang mạng, đặc biệt là Facebook sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống học tập, công việc của người đó. Có bạn sinh viên đã tự thú vào trang mạng xã hội không dưới 8 giờ/ngày. Kết quả này ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, mất tập trung vì thường nghĩ nhiều đến nó. Nhiều lúc chẳng thiết học, hay đang học cũng tranh thủ lướt web, vào Facebook. Ngược lại một số nhân viên văn phòng, thói quen này sẽ làm mất thời gian, kéo theo đó công việc không đạt hiệu quả cao. Chưa kể, nhiều bạn cập nhật thông tin, tham gia diễn đàn đôi khi dùng những lời lẽ khiếm nhã để bình luận, chê bai làm ảnh hưởng đến người khác. Thậm chí nhiều em bày tỏ quá nhiều tâm trạng, thông tin cá nhân thì chính bản thân lại là nạn nhân bị người khác ném đá, chê bai…”.
Cô Phạm Thị Thúy chia sẻ thêm, các bạn trẻ chỉ nên cập nhật tin tức, hình ảnh không quá 15 phút/lần, trừ khi bạn vào mạng xã hội làm việc. Xét về mặt thu thập thông tin, các bạn cần lưu ý: Để tránh bị hiểu sai thực tế, nhất là với những trạng thái, lời bình luận trên mạng của người khác, khi đọc thì nên cân nhắc sự đúng sai và yếu tố chủ quan của người viết và người bình. Nếu tham gia bình luận cần giữ thái độ khách quan, ứng xử có văn hóa; tránh lên mạng nói xấu ai đó, hoặc dùng lời lẽ không khiếm nhã để không ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Có bạn sinh viên đã tự thú vào trang mạng xã hội không dưới 8 giờ/ngày. Kết quả này ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, mất tập trung vì thường nghĩ nhiều đến nó”, cô Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, cho biết.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)