Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đốt tiền cho sự đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Chú Tư đang “mơ màng” đợi khách tới

Một vài năm trở lại đây, không ít “đại gia” tại TP.HCM sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để tậu về những “sản phẩm công nghệ cao” đắt tiền. Tất nhiên đó là những thứ hàng “độc” để họ “thỏa mãn” thú đam mê của mình.
Sau một thời gian ngắn, các “sản phẩm” này trở nên lạc hậu, vậy là họ bán tống, bán tháo hay “trưng” trên nóc tủ, ngoài trời không thương tiếc và nói đó là vật kỷ niệm, dù trước đó nó có giá trị bằng cả trăm con trâu, con bò.
Bỏ hàng trăm triệu cho một thú vui
Ng.H, một đại gia sống ở quận Bình Thạnh, TP.HCM có một thú chơi rất “nghệ sĩ”. Theo lý giải của H.: “Sau những buổi làm việc căng thẳng, để “giải tỏa” đầu óc tôi có một thú vui là chụp ảnh cho bạn bè, người thân. Bên cạnh đó, tôi cũng gia nhập Hội những người yêu nghệ thuật, đi từ Nam ra Bắc để “sáng tác” ảnh”. Đồ nghề của H. khiến không ít dân cầm máy kiếm sống phải “thèm khát”: Canon 1D Mark III (2 máy), 5 D Mark II, đèn 430EX II, 580EX II, ống 35L, 50L, 135L, 100Macro, 17-14L, 24-70L, 24-105L, 70-200L F2.8 IS cùng các phụ kiện linh tinh khác trị giá hơn 21.000 USD. H. chụp tất tần tật từ sân bóng đá, từ đường phố đến các quán cà phê có nội thất sang trọng… Những ngày đầu cầm máy, làm mẫu cho H. sáng tác là các cô người mẫu. Khi đã lên tay, anh quay sang chụp ảnh cưới, thời trang… cho bạn bè và người quen. Chạm tay vào chiếc máy bán chuyên, lần đầu lóng ngóng, lấy nét sai lung tung nên H. thấy tự ái, anh nhịn các khoản chi tiêu khác để sắm một chiếc máy ảnh thật chuyên nghiệp. Khi có máy mới, H. lại phát hiện, một ống kính thường đi kèm máy không đủ “pro”, phải sắm cho được ống kính tele, ống kính góc rộng, rồi đèn, rồi chân máy…
Với Q.M, trợ lý tổng giám đốc một công ty xây dựng “cỡ bự”, đồ chơi của anh chỉ giản dị là Canon 40D và ống kính 17-50 còi còi của Tamron. Chơi ảnh từ khi còn là sinh viên, thể loại mà M. yêu thích là ảnh đời sống và chân dung. M nhận định: “Về trào lưu chụp ảnh hiện nay, mình nghĩ phần đông người Việt chơi máy chứ không chơi ảnh. Khi kinh tế khá lên, máy móc càng rẻ thì nhà nhà mua máy rồi rủ nhau đi chụp các cô xinh tươi, xét cho cùng đây là một thú vui cũng tao nhã và sành điệu”.
Phân tích ở một góc độ khác, M. nói: “Người chơi máy ảnh trẻ nhìn chung không để ý tới yếu tố nghệ thuật của nhiếp ảnh mà hầu hết quan tâm tới khẩu độ, tiêu cự và vô số thông tin kỹ thuật khác. Họ thuộc làu làu tính năng các dòng máy nhưng không thuộc các quy tắc bố cục, không biết quan sát ánh sáng, không sáng tạo”.
Và cập bến… “chợ trời”
Anh N.H.Ng, chuyên gia cung cấp những hàng “độc” cho các đại gia bật mí: “Mấy “vị” đó chẳng qua chỉ là “trọc phú” nhất thời thôi. “Khách” quen của công ty tôi đảm bảo 100% đều là đại gia “chính cống”, họ thừa tiền và rất cần những thứ “không đụng hàng”. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả mấy ngàn USD để mua về sử dụng, vài ba tháng sau sẵn sàng bán rẻ (30-40% giá mua), cho hoặc vứt vô góc tủ là chuyện thường”. Sau khi đã trở thành “bạn”, Ng. tâm sự: “Công ty tôi “thượng vàng, hạ cám có đủ”, tôi nhìn là biết các ông không có tiền mua rồi! Theo tôi, muốn chơi “đồ” còn khoảng 50%, các ông ra Nguyễn Kiệm, Trần Quang Khải hoặc đường Hùng Vương cũng có, nhưng nhớ khi mua thì phải trả giá, còn đồ nào các ông không “tin tưởng” thì gọi cho tôi”. Chia tay Ng, chúng tôi chạy xe đến ngã tư Lê Hồng Phong và Hùng Vương. Ở đây, những “sạp” bán đồ di động hai bên vỉa hè với đủ các loại từ máy điện thoại di động đến đồng hồ xịn (theo lời giới thiệu của người bán). La cà vào một số “sạp” xem, hỏi giá “vô tư” nhưng khi từ chối khéo không mua, đáp trả lại chúng tôi là ánh mắt “soi mói” của mấy “anh” đầu trọc. Chúng tôi chạy xe về đường Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận, ghé vào một “sạp” bán điện thoại. Với cái nhìn còn ngái ngủ, chú Tư (người bán hàng bên cạnh gọi) hỏi giật: “Mua gì?”. Hoảng hồn, chúng tôi “nhỏ nhẹ”: “Bọn cháu xem điện thoại di động”. Như gặp được khách xộp, chú Tư tươi tỉnh: “Ừ mấy đứa xem đi, ở đây chú chỉ trưng mấy cái rẻ tiền thôi, muốn mua máy xịn hơn chú gọi sắp nhỏ mang ra”. Sau khi xem qua một số máy, chúng tôi hỏi giá rồi giả vờ nói là không mang đủ tiền, chú Tư chẳng những không giận mà còn cho chúng tôi số điện thoại kèm theo lời dặn: “Hôm nào mấy đứa cần mua gì cứ ra đây. Từ điện thoại đến máy tính xách tay hay iPhone 3G và 4G chú có cả, mà đều là hàng thật đấy nhé. Hàng này chủ yếu do mấy “cậu ấm, cô chiêu” tuồn ra, không còn “sành điệu” là chúng nó bán rẻ hoặc cầm, mấy người như chú mua sỉ nên đảm bảo bán rẻ và hợp túi tiền của sinh viên bọn cháu”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Cái thú “khoe mẽ” gần như đã ăn sâu vào tâm trí những người làm ra tiền dễ “như trở bàn tay”. Họ sẵn sàng mua cho mình, gia đình và quý tử các mặt hàng dù giá có đắt đến bao nhiêu. Nhưng, đằng sau sự “hào nhoáng” đó là sự phí phạm mà chỉ có người ngoài cuộc mới thấy tiếc cho “thú vui” của họ…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)