Chở hàng cồng kềnh, xử dụng biển số giả, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, lưu thông sai làn đường, xe không có biển kiểm soát, không gương chiếu hậu… là những hành vi vi phạm giao thông rành rành. Tuy nhiên, khi bị lực lượng chức năng xử lý, người vi phạm đã phản ứng bằng cách tự đốt xe của mình. Theo quy định cùa pháp luật, đây là hành vi chống người thi hành công vụ và có thể bị chế tài xử phạt, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lê Văn Quang đã có hành vi đốt xe và chống đối CSGT sau khi vi phạm (ảnh cắt từ clip) |
Đốt xe vì… quá bực
Vụ đốt xe xảy ra trong thời gian gần đây nhất là trường hợp của Lê Văn Quang, 30 tuổi, ngụ tại Mê Linh, Hà Nội. Vào khoảng 17 giờ ngày 2-8-2017, Quang điều khiển xe máy chở hàng cồng kềnh, khi lưu thông đến ngã tư Giải Phóng – Trường Chinh thì bị Đội CSGT số 4 yêu cầu dừng xe kiểm tra. Vì người vi phạm không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe, xe sử dụng biển số giả nên lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ phương tiện. Khoảng 30 phút sau, khi CSGT chuẩn bị vận chuyển phương tiện vi phạm về bãi thì Quang bất ngờ châm lửa đốt xe và có hành vi chống đối lực lượng chức năng. Do đó đối tượng đã bị CSGT khống chế và đưa về trụ sở của công an phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lực lượng chức năng phường cho biết, chiếc xe Quang đốt là xe Wave màu đỏ, BKS: 34L8 – 9162. Tuy nhiên, đây lại là biển số của xe Wave màu trắng. Tại trụ sở, Quang khai do quá bực tức vì chiếc xe này đã vi phạm giao thông nhiều lần và số tiền phải nộp phạt nhiều hơn giá trị hiện tại của xe nên đã châm lửa đốt. Được biết, chiếc xe này cũng đã vi phạm giao thông vào ngày 3-7 và bị Công an phường Tứ Liên, quận Tây Hồ phát hiện, xử lý, tạm giữ giấy tờ.
Khoảng 3 tháng trước khi xảy ra vụ đốt xe của Quang, tại Bắc Giang cũng xảy ra vụ việc tương tự vào chiều ngày 30-4. Người vi phạm là Mạc Văn Tiến, 20 tuổi, trú tại thôn Thượng, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Vụ việc xảy ra khi Tiến điều khiển xe Dream lưu thông trên đường Lý Thái Tổ (phường Trần Phú, TP. Bắc Giang), do không đội mũ bảo hiểm, xe không có biển kiểm soát và không có gương chiếu hậu nên đã bị CSGT cho dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, Tiến không chấp hành mà có ý định bỏ chạy nên đã bị CSGT giữ lại. Khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ, giấy phép lái xe, nam thanh niên này không thực hiện mà còn chửi bới bằng lời tục tĩu. Đến khi CSGT lập biên bản xử lý thì đối tượng lại giở giọng năn nỉ xin bỏ qua lỗi vi phạm. Do “xin tha” không được nên Tiến bất ngờ tháo vòi xăng gắn vào bộ chế hòa khí của xe rồi dùng bật lửa đốt. Ngay lập tức, chiếc xe Dream biến thành ngọn đuốc cháy ngùn ngụt giữa đường.
Trước một số ý kiến cho rằng, hành vi đốt xe máy có thể là do phản ứng của người vi phạm vì bức xúc với người thi hành công vụ, Thượng tá Hùng cho rằng “người đốt xe máy” đang là người vi phạm giao thông, nên không thể đổ lỗi do bức xúc với người thi hành công vụ. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp người thi hành công vụ có thái độ không đúng mực, thì người vi phạm có thể phản ánh với cơ quan chủ quản của CSGT. Nếu có căn cứ, người thi thành công vụ làm sai sẽ có mức xử lý nghiêm khắc. |
Tương tự như ở Bắc Giang và Hà Nội, tại tỉnh Hà Nam cũng đã xảy ra vụ đốt xe sau khi vi phạm. Vụ việc xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 27-11-2016, khi lưu thông bằng xe Attila trên quốc lộ 1 hướng Hà Nam đi Hà Nội (Thành phố Phủ Lý), Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1983, ngụ tại xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) bị CSGT đề nghị dừng xe vì đi sai làn đường. Khi CSGT lập biên bản và yêu cầu người vi phạm ký tên, Hiệp chẳng những không chấp hành mà còn có thái độ bất hợp tác, chửi bới và ném chìa khóa vào mặt CSGT, sau đó dắt xe máy ra xa một đoạn và châm lửa đốt.
Người vi phạm giao thông đốt xe máy sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp (Công an Hà Nội), việc đốt phương tiện là hành vi chống người thi hành công vụ. Trong trường hợp này, người vi phạm giao thông đã không chấp hành, cản trở người thi hành công vụ bằng việc hủy hoại tài sản (xe máy). Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 257, Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt tối đa là 3 năm tù.
Thượng tá Hùng lưu ý, “đốt xe” không chỉ là thái độ chống người thi hành công vụ, mà còn là hành vi gây rối trật tự công cộng. Bởi vì việc đốt xe ở nơi công cộng gây mất an toàn trong giao thông, có thể gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người tham gia giao thông. Đặc biệt, đây còn là hành vi gây hiếu kỳ, cản trở giao thông, ách tắc giao thông. Theo quy định của pháp luật, nếu gây ách tắc dưới 2 giờ là nghiêm trọng, trên 2 giờ là tình tiết tăng nặng. Trong trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng đã gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự, mức hình phạt có thể đến 2 năm tù giam. Nếu có dấu hiệu hành hung người bảo vệ trật tự hoặc gây cản trở giao thông nghiêm trọng thì bị xử phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Vũ Phương
Bình luận (0)