Chưa bao giờ người Anh cảm thấy lạc quan về sức mạnh của hàng tiền vệ như lúc này, thế nhưng sự đa dạng tuyến giữa vô hình chung đặt Capello vào 1 bài toán hóc búa.
> Một lần nữa, Gerrard và Lampard
Đã từ rất lâu bóng đá Anh không còn sản sinh ra những tiền đạo thực sự có duyên với mành lưới đối phương nữa. Họ có thể là những tiền đạo giỏi trong màu áo CLB, nhưng khi khoác lên mình màu áo ĐTQG, bản năng sát thủ của họ lại mất đi 1 cách khó hiểu. Wayne Rooney chính là ví dụ điển hình nhất.
Cũng chính vì vậy đã từ rất lâu nay, các HLV tiếp quản chiếc ghế ở Tam Sư thường chú trọng nâng cấp hàng tiền vệ hơn là thay đổi diện mạo hàng công. Tuy nhiên phải mãi đến bây giờ, khi Don Fabio nắm quyền, người Anh mới cảm thấy hàng tiền vệ của họ thực sự trở thành 1 vũ khí lợi hại.
Không khó để nhận ra, các nhân tố quan trọng ở xương sống ĐT Anh đều đang có phong độ tốt. Tuy nhiên song hành với niềm hân hoan này là 1 bài toán hóc búa mà Capello cần giải để bảo đảm tính bền vững cho Tam Sư.
Lampard – Gerrard: Lối thoát?
Về mặt lý thuyết, sự kết hợp giữa 2 nhân tố quan trọng ở 2 CLB lớn lẽ ra phải mang lại 1 hiệu quả kinh điển, tuy nhiên thực tế lại chứng minh, với Lampard và Gerrard, hàng tiền vệ ĐT Anh chưa bao giờ thi đấu thực sự có hồn.
Đây không phải là lần đầu tiên báo chí đưa bài toán Gerrard – Lampard lên bàn mổ. Trên thực tế, suốt từ thời Sven Goran Erikkson đến hôm nay, vẫn chưa có HLV nào thành công trong công cuộc tìm tiếng nói chung cho 2 tiền vệ này. Phải chăng vấn đề không nằm ở HLV, mà chính là ở bản thân Gerrard và Lampard?
Capello có lý khi đưa ra quyết định này. Kazakhstan là đối thủ quá thích hợp để ĐT Anh có những thử nghiệm chiến lược, và nếu những thử nghiệm đó thất bại, họ vẫn thừa những con người có thể sửa chữa sai lầm.
Bay trên đôi cánh nào?
Coi như cặp Gerrard và Lampard đã chắc 1 suất trong đội hình ra quân của ĐT Anh, tuy nhiên vẫn còn vô số vấn đề mà Capello cần giải quyết.
Tiền vệ cánh? Liệu Don Fabio sẽ chọn ai? Theo Walcott, Wright-Phillips, Barry hay David Beckham? Trải qua trận thắng tưng bừng trước Croatia vừa qua, có thể dễ dàng nhận ra, ĐT Anh sẽ mạnh hơn rất nhiều khi không phụ thuộc vào những quả tạt bóng của Beckham. Tuy nhiên khi Becks không góp mặt, 2 tiền vệ biên của ĐT Anh phải là mẫu cầu thủ có kỹ thuật, nhanh nhẹn và thông minh.
Những yếu tố này Theo Walcott và Wright-Phillips đều có. Hẳn ai cũng biết, sau khi về với Man City, phong độ của Wright-Phillips đã được cải thiện rất nhiều. Ở tiền vệ nhỏ con này lại xuất hiện những pha đi bóng có tốc độ rất cao, tinh ranh và đặc biệt là vô cùng hiệu quả. Xét về mặt này, Wright-Phillips vượt trội so với Walcott.
Trong trận đấu với Croatia, sở dĩ Walcott có 1 màn trình diễn bùng nổ như vậy 1 phần là do Croatia vẫn còn khá mù mờ về anh, nhưng chắc chắn sau cú hat-trick thần kỳ ấy, cái tên Walcott sẽ luôn được chăm sóc đặc biệt kỹ càng. Nhưng Wright-Phillips thì khác, ngoài nhanh nhẹn, khéo léo, tiền vệ của Man City có thừa độ quái cần thiết để khiến đối phương phải đau đầu đoán xem anh sẽ làm gì tiếp theo.
Barry cũng không phải là 1 lựa chọn tồi. Tuy vị trí của anh là tiền vệ trung tâm, nhưng trong trường hợp ĐT Anh không “xính” những quả lật cánh thì việc sử dụng những tiền vệ có lối chơi bó vào trong như Barry đôi khi sẽ mang lại những hiệu quả bất ngờ.
Giờ đây, khi Rooney đã bắt đầu quen với vai trò của 1 trung phong cắm, thì cũng là lúc hàng tiền vệ ĐT Anh phải hoạt động năng nổ hơn gấp bội để cung cấp bóng 1 cách đều đặn cho anh.
Giữa 1 rừng cầu thủ đều đang có phong độ tốt, liệu Capello sẽ chọn ai? Câu hỏi này e rằng chỉ mình ông biết, chỉ chắc chắn 1 điều, để đi 1 chặng đường trường, Capello cần những con bài chiến thuật, vị thuyền trưởng túc trí đa mưu này sẽ không tung hết bài vở của mình ngay trong loạt trận vòng bảng, và đặc biệt là trước những đối thủ mà ĐT Anh chỉ cần 50% “thành công lực” để đối phó.
Việt Anh (theo bongdaso)
Bình luận (0)