Ngày 12-9, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo” khu vực phía Nam.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.
Chương trình gồm 10 dự án thành phần, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao nhiệm vụ chủ trì Dự án 8. Dự án được triển khai tại 51 tỉnh trên cả nước nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm lo phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn.
“Được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong khuôn khổ Dự án 8. Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức khảo sát đầu vào để tham mưu xây dựng nội dung dự án, tham gia tổ chức khảo sát, đánh giá giữa kỳ, phát triển tài liệu và triển khai nhiều khóa tập huấn cho cán bộ hội, cán bộ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, ThS. Hương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một quyết sách quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dự án 8 là nỗ lực không ngừng vì bình đẳng giới và chăm lo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau ba năm, dự án đã triển khai đến 40 tỉnh, thành và tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng. Dự án đã tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.
Dụ án còn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số và nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.
Tính đến 6 tháng đầu năm 2024, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dự án đã “củng cố, thành lập mới địa chỉ tin cậy cộng đồng”, “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”… góp phần cải thiện rõ rệt về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành liên quan và người dân tại các địa bàn dự án.
Còn hơn 1 năm nữa là kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và Dự án 8 nói riêng. Tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp khắc phục và thúc đẩy trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội cấp thiết tuy đã được xác định song vẫn còn tồn tại, có những vấn đề mặc dù đã được quan tâm giải quyết song chưa thuyên giảm, có tác động không tốt tới đời sống của phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đó là vấn đề việc làm, sinh kế và định hướng việc làm, nghề nghiệp cho phụ nữ và trẻ em gái; vấn đề tiếp cận công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, làm mẹ an toàn và tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng; Các vấn đề xã hội như kết hôn xuyên biên giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh đẻ tại nhà không an toàn, sinh nhiều con, bạo lực gia đình.
TS.Dương Hoàng Lộc (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo – đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho rằng, muốn xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em cần lưu tâm đến đặc trưng của từng tộc người vì tộc người đa dạng. Đồng thời, chúng ta phải nâng cao vai trò của người phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình, qua đó nâng cao đời sống gia đình của họ.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã trình bày tham luận đồng thời chia sẻ, góp ý các nội dung, giải pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Những ý kiến này được tổng hợp làm cơ sở đề xuất lên Ban điều hành Dự án 8 để có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.
Hồ Trinh
Bình luận (0)