Năm 2008, sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép xây dựng khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp với diện tích trên đất 240 ha ở ven phá Tam Giang, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Công ty CP Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam (Vinconstec; trụ sở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã nhanh chóng khởi công xây dựng dự án.
Nợ nần, con cái bỏ học…
Hàng loạt hạng mục công trình như căn hộ cao cấp nằm sát bên Quốc lộ 49B, đoạn qua thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, được triển khai. Nhiều người dân từ thợ hồ, chủ xây dựng, doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng ở địa phương được Vinconstec ký hợp đồng để phục vụ thi công công trình. Người dân nghèo ở quanh dự án tưởng chừng sẽ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định vì chủ đầu tư được biết tới là một doanh nghiệp có tiếng, dự án lớn với trên 600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bộ sườn khu căn hộ cao cấp ở thôn Hòa Duân, dự án bất ngờ ngưng trệ, chủ đầu tư tháo chạy, kéo theo hàng chục người dân bị nợ tiền công, tiền vật liệu xây dựng trong nhiều năm.
Ông Trần Văn Duế (ngụ thôn Hòa Duân) cho biết khi dự án bắt đầu triển khai, năm 2011, ông đã đại diện một đội tàu của người dân địa phương ký hợp đồng với chi nhánh Vinconstec tại Thừa Thiên – Huế do ông Vũ Vạn Năng làm đại diện để cung ứng cát, sạn san lấp mặt bằng khu căn hộ cao cấp.
Để bảo đảm hợp đồng, ông Duế vay mượn hàng chục triệu đồng mua một con tàu và thuê thêm 4 chủ tàu hút cát khác cùng làm. Hợp đồng đầu tiên có giá trị 18 triệu đồng và hàng loạt hợp đồng khác giữa ông Duế với Vinconstec đều được thanh toán sòng phẳng. Thế nhưng, đến hợp đồng cuối cùng từ tháng 1 đến tháng 4-2012 với giá trị trên 51 triệu đồng thì đến nay, ông Duế vẫn bị Vinconstec nợ gần 40 triệu đồng. “Sau 2 lần cho tôi tạm ứng trên 11 triệu đồng thì khoản tiền còn lại họ chẳng trả. Tại dự án thì chẳng có người của chủ đầu tư, tôi gọi điện ra trụ sở nhưng không ai nghe máy” – ông Duế bức xúc.
Suốt gần 3 năm qua, kể từ khi đại diện Vinconstec tại Huế “lặn” biệt tăm, ngày nào ông Duế cũng bị những người làm với mình đến đòi nợ công. Sau khi bán chiếc tàu hút cát, vay mượn ngân hàng trả cho người làm công, gia đình ông Duế rơi vào cảnh khốn cùng. “Vợ chồng tôi phải che tạm quán ở cạnh dự án để bán hàng giải khát kiếm tiền nuôi con và trả nợ ngân hàng” – ông Duế nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vinconstec đang nợ ít nhất 20 người từng có hợp đồng làm việc ở dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng này với số tiền hàng trăm triệu đồng suốt 3 năm qua. Trong đó, bà Hồ Thị Thu Thủy (ngụ xã Phú Thuận) bị nợ 46 triệu đồng tiền mua vật liệu xây dựng; ông Trần Thanh Việt (ngụ xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) bị nợ trên 150 triệu đồng tiền chở cát, đá; ông Đào Trọng Cường (ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) bị nợ 48 triệu đồng tiền thuê đóng cốp pha đổ bê tông…
Trong những chủ nợ của Vinconstec, anh Nguyễn Văn Giàng (chủ xây dựng ở thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận) là người rơi vào tình cảnh khó khăn nhất. Năm 2012, anh được đại diện chủ đầu tư thuê xây dựng một số công trình phụ như làm kè đường, đúc bê tông. Để kịp tiến độ, anh Giàng thuê thêm 7-8 thợ đến làm mỗi ngày tại công trình này. Khi dự án dừng thi công, chủ đầu tư tháo chạy khiến anh lâm cảnh nợ nần.
“Đến nay, Vinconstec nợ tôi 48 triệu đồng tiền công. Người làm công cho tôi suốt ngày đến nhà đòi tiền nên gia đình phải cầm cố giấy tờ nhà vay tiền trả cho họ. Gia đình tôi rơi vào cảnh nợ nần, con cái phải bỏ học…” – anh Giàng kể.
Sẽ can thiệp khi tái đầu tư
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết khi dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp của Vinconstec ngưng hoạt động, chủ đầu tư không chỉ nợ tiền nhân công, vật liệu xây dựng của hàng chục người dân trên địa bàn mà còn làm cho cuộc sống của 64 hộ dân ở thôn Hòa Duân, nằm trong diện giải tỏa, gặp khó khăn do chưa có quỹ đất tái định cư. “Người dân nên phản ánh với chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan để khi làm việc với đại diện chủ đầu tư thì có cơ sở xử lý vụ việc” – ông Tùy nói.
Theo ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế, sau một thời gian dài ngưng thi công, chủ đầu tư đang xúc tiến các thủ tục để triển khai trở lại dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu Vinconstec báo cáo lại tiến độ và các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, ông Định cho biết vừa có một số vướng mắc nên UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giao Sở Xây dựng và UBND huyện Phú Vang yêu cầu Vinconstec có cam kết bảo đảm tiến độ dự án, nếu không sẽ thu hồi.
Xin điều chỉnh dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan, UBND huyện Phú Vang để xin ý kiến đối với một số đề xuất điều chỉnh dự án mà Vinconstec đưa ra. Theo đó, Vinconstec đề xuất được thay đổi, bố trí khu tái định cư tại chỗ với diện tích trên 0,6 ha cho các hộ dân bị ảnh hưởng di dời nằm ở ven biển. Đây vốn là phần đất bố trí xây dựng khách sạn 5 sao trong dự án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt quy hoạch chi tiết. Ngoài ra, Vinconstec còn xin giảm quy mô đầu tư từ 66 ha xuống còn hơn 30 ha. |
Bình luận (0)