Trong khi các dự án chống ngập đang được triển khai môt cách hết sức chậm chạp, thì tình trạng ngập lụt tại TP.HCM ngày càng thêm trầm trọng. Những điểm ngập cũ chưa giải quyết được thì những điểm ngập mới đã phát sinh ngày càng nhiều. Hàng loạt hội thảo, hội nghị của các ban ngành sở tại, của các chuyên gia về lĩnh vực chống ngập úng được tổ chức, nhưng đến nay nỗi khổ sống chung với ngập người dân TP vẫn phải hứng chịu. Nguyên nhân vì sao?
Ngập vì sông rạch bị “bức tử”
Mưa xuống là ngập, đây là đặc điểm của hầu hết các điểm ngập nặng hiện nay tại TP.HCM theo khảo sát của chúng tôi vì phần lớn dòng chảy khơi thông, cùng sông rạch đã bị xóa sổ. Những khu vực như Hàng Xanh, đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), các khu vực như vòng xoay Cây Gõ, Hàng Bàng (Q.6), Phạm Thế Hiển, Chánh Hưng (Q.8) Nhiêu Lộc Thị Nghè, các tuyến đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm, Chợ Lớn (Q.5), Thanh Đa và các tuyến đường cắt ngang cầu Bông, cầu Sơn là điển hình. Theo khảo sát của Trung tâm Phòng chống ngập TP.HCM toàn thành phố hiện có hơn 100 điểm ngập nặng trong đó khu vực nội thành chiếm khoảng 80% các điểm ngập, cũng theo khảo sát thực tế của các quận 6, 8 và Bình Thạnh thì hiện nay dọc theo kênh Tân Hóa – Lò Gốm có trên 1.130 căn nhà lấn chiếm kênh rạch, ở khu vực tuyến rạch cầu Sơn, cầu Bông tồn tại khoảng 2.300 căn nhà lấn chiếm kênh rạch trái phép. Ở phía Đông thành phố, tuyến rạch cầu Sơn – cầu Bông cũng tồn tại khoảng 2.300 căn nhà lấn chiếm kênh rạch trái phép, rạch Ụ Cây và bờ Đông rạch Xóm Củi có khoảng 1.512 căn nhà cần phải di dời. Những khu nhà “ổ chuột” trên mọc lên san sát nhau cặp sát mé sông, dưới lòng kênh, rác thải bị người dân vô tư xả xuống sông, đóng thành từng lớp bít kín các cống thoát nước chính. Hệ thống thoát nước bị bít kín bởi rác thải, thậm chí nhiều nơi không có hệ thống thoát nước. Một nguyên nhân khác khiến TP ngày càng ngập hơn là do hệ thống ống cống thoát nước của TP đã quá xuống cấp. Song song đó, khi phát triển những khu đô thị mới hàng loạt ao hồ, kênh rạch bị san lấp để xây dựng nhà ở đã làm giảm tối đa diện tích điều hòa và khả năng thoát nước tự nhiên của khu vực dẫn đến ngập nặng.
Thạc sĩ Hồ Long Phi, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Phó ban Điều phối Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM đưa ra giải pháp: Muốn chống ngập cho TP theo biện pháp căn cơ, lâu dài TP cần phải thực hiện đồng bộ, xây dựng các dự án chống ngập trên thế ba chân kiềng gồm: mảng triều, nước mưa và sinh thái. Tức là chúng ta phải cố gắng kiểm soát triều, nâng cao khả năng thoát nước mưa và đưa vào các quy tắc sinh thái như: xây dựng hồ điều tiết, tăng khả năng và diện tích thấm, giảm hiện tượng chảy tràn, chặn các điểm ngập mới phát sinh bằng các thể chế cụ thể tại các khu đô thị mới. |
Công tác chống ngập hiện nay ra sao?
Các dự án lớn còn phải chờ vài năm nữa mới có thể sử dụng như: Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ với tổng diện tích lưu vực là 3.300ha. Dự án cải thiện môi trường TP.HCM – Tiểu dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng. Dự án nâng cấp đô thị TP.HCM (lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm) với diện tích lưu vực là 1.480ha. Hiện dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 298 triệu USD. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Và dự án được giao cho Sở Tài nguyên Môi trường làm chủ đầu tư nhưng do thực hiện chậm trễ nên ADB đã khóa sổ vay. TP còn đang triển khai một loạt dự án chống ngập khác, mới nhất là tiểu dự án chống ngập cho khu vực bến xe Chợ Lớn và vòng xoay Cây Gõ với mức đầu tư khoảng chục tỷ đồng, nhưng cũng phải đến tháng 5-2009 mới đưa vào sử dụng được. Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm Chống ngập cho biết: Kế hoạch triển khai phòng chống ngập nước của TP và trung tâm trong thời gian tới sẽ tập trung vào hai “điểm nóng” là vòng xoay Cây Gõ (Q.6) và các tuyến đường như Minh Phụng, Nguyễn Văn Luông thuộc kênh Lò Gốm và kênh Tàu Hũ. Còn theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt mà chúng tôi có được hiện toàn TP chỉ có 127 công trình chống ngập và bão lụt vành đai sông được thực hiện với tổng kinh phí là 169,861 tỷ đồng (giảm 29 hạng mục, giảm 56,537 tỷ đồng). Nguyên nhân của sự chậm trễ và giảm so với năm ngoái là do các quận huyện có sự trùng lắp khá nhiều về các hạng mục công trình cần thi công nên đã phải hủy bỏ.
Nguyễn Anh
Bình luận (0)