Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dự án đường Vành đai 3: Lên kế hoạch tổng thể với các nội dung chi tiết

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Phan Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chia sẻ điều này khi nói đến Dự án đường Vành đai 3 vừa được Quốc hội thông qua.


Ông Phan Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM

Công chức, cán bộ tham gia dự án đều thể hiện sự quyết tâm cao

Ông Phan Công Bằng cho biết, Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua mang đến niềm vui rất lớn. Đây là dự án TP.HCM đã ấp ủ nhiều năm. TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mong chờ dự án từng ngày, từng giờ.

“Khi dự án này hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác, không chỉ TP.HCM mà các tỉnh khác cũng được hưởng lợi lớn. Các phương tiện giao thông đi từ miền Tây lên miền Đông sẽ không qua điểm đô thị TP.HCM, từ đó làm giảm phương tiện giao thông, giảm kẹt xe, tăng cường tuyến tốc độ, giảm chi phí logistics rất lớn”, ông Phan Công Bằng nói.

Theo lộ trình, dự án bắt đầu thực hiện từ năm nay, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Để đạt mục tiêu này ông Phan Công Bằng cho biết TP và các địa phương họp rất nhiều lần để lên kế hoạch chi tiết cho công việc từng ngày; cũng như lên kế hoạch tổng thể với các nội dung chi tiết.

Đối với TP.HCM, đây là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay. Từng công chức, cán bộ tham gia làm dự án đều thể hiện sự quyết tâm cao. Công việc tới đây của ngành giao thông gấp đôi đo đó ngành cũng từng bước đề xuất thêm lực lượng tăng cường để công việc thực hiện tốt hơn.


Dự án đường Vành đai 3 được xem là động lực phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (ảnh: Internet)

Về vấn đề này, ông Trần Du Lịch – thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cũng cho biết, hiện nay, sự chuẩn bị của chính quyền địa phương rất tích cực. Trong đó, khâu quyết định là công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng từ đó tổ chức thi công theo cơ chế đặc thù để làm sao hoàn thành sớm nhất. “Cho tới thời điểm này, tiến triển đường Vành đai 3 rất khả quan và chúng ta kỳ vọng sớm khởi công thành công dự án”, ông Trần Du Lịch nói.

Theo ông Trần Du Lịch, vấn đề rất khó đối với TP.HCM hiện nay là tạo mặt bằng trong điều kiện giá đất cao và TP cũng khó khăn về nguồn vốn do việc triển khai rất nhiều dự án liên quan đến hạ tầng.

Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch cho rằng HĐND TP.HCM cũng đã ký ưu tiên bố trí nguồn vốn cho giai đoạn đầu tiên quan trọng đó là giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, có thể Chính phủ tạo ra cơ chế hoặc Chính phủ phát hành trái phiếu để địa phương vay lại; hoặc tạo cơ chế thuận lợi nhất để các địa phương phát hành trái phiếu theo Luật Ngân sách để triển khai dự án thì phương án nào cũng có thể thực thi nếu như TP.HCM đặt quyết tâm cao.

TP.HCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện

Trước đó, sáng 16-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 3.

Nghị quyết được thông qua nêu rõ mục tiêu: Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng. Qua đó phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư; tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quy mô đầu tư khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 75.378 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 70,24 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52 ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82 ha, đất dân cư khoảng 64,1 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2 ha và đất khác khoảng 147,2 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn đã đầu tư.

Nghị quyết giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Ngày 15-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã ký văn bản khẩn, chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc rà soát điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với dự án tuyến đường Vành đai 3.


Đường Vành đai 3 đưa vào khai thác sẽ giảm phương tiện giao thông đi qua đô thị TP.HCM giúp giảm kẹt xe, giảm chi phí logistics

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trong 5 ngày làm việc cung cấp thông tin, dữ liệu ranh giới dự án mới nhất để UBND TP.Thủ Đức và các huyện thực hiện rà soát, tiến hành điều chỉnh quy hoạch theo quy định.

Sau khi dự án đường Vành đai 3 được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư thì cung cấp thông tin chính thức cho các địa phương để cập nhật vào các đồ án quy hoạch liên quan.

Giao UBND TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh trong 10 ngày làm việc thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể của công tác tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch. Các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục, hồ sơ cụ thể để tiến hành điều chỉnh theo quy định.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn, giao UBND các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn theo quy định…

Đường Vành đai 3 có điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Đường Vành đai 3 được đầu tư thành đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)