Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dự án kịch tương tác Đừng đợi đến ngày mai: Đưa người có HIV lên sân khấu

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tháng 3 đầu tháng 4-2011, dự án "Ðừng đợi đến ngày mai" tiếp tục biểu diễn tại các trường đại học trên địa bàn miền Trung. Sau thành công của Steoro man, đây là dự án kịch tương tác thứ hai của Ðoàn kịch 3 (Nhà hát Tuổi Trẻ) với sự tham gia của cả người có HIV.

Diễn viên Trần Hoàng (phải) vai người cha trong vở Con muốn đến trường – Ảnh: H.Điệp

Ðạo diễn Bùi Như Lai – người thực hiện chương trình – chia sẻ về thành công của vở diễn tại các trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM trong thời gian qua.

* Ðưa người có HIV lên sân khấu diễn chung cùng các diễn viên trong đoàn, anh thấy hiệu quả sự thể nghiệm này thế nào?

– Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi có tìm hiểu về cuộc sống cũng như điều kiện sinh hoạt của những người có HIV thông qua mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng. Lúc đầu họ là những khán giả ngồi xem chúng tôi diễn, đến khi giao lưu thì họ giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi hóc búa của các sinh viên. Sau đó, một thành viên trong mạng lưới đã tham gia biểu diễn cùng chúng tôi. Có nhiều câu chuyện cảm động sau những buổi diễn.

Hồi cuối năm 2010, trong buổi biểu diễn tại một trường đại học ở TP.HCM, có bạn sinh viên lên nắm tay diễn viên đặc biệt của chúng tôi và nói lời xin lỗi bởi đã hiểu không đúng về người có HIV. Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để những người trẻ không còn kỳ thị những bệnh nhân HIV nữa.

Đạo diễn Bùi Như Lai – Ảnh: H.Điệp

* Tại sao các anh lại hướng đến lớp khán giả là thanh niên mà không phải các đối tượng khác?

– Trước nhất, bởi họ là những người trưởng thành, những người có tư duy mở và dễ tiếp nhận mọi thông tin của cuộc sống. Tuy nhiên, chính họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu chẳng may bị nhiễm căn bệnh này. Thế nhưng, phần lớn sinh viên vẫn chưa hiểu thật sự đúng về HIV trong khi trong cộng đồng có rất nhiều người vô tình bị mắc bệnh.

Dự án kịch tương tác của Ðoàn kịch 3 Nhà hát Tuổi Trẻ nhận được sự hỗ trợ từ PETA (Tổ chức Nhà hát giáo dục Philippines) và PEPFAR (Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Hoa Kỳ). Sau khi lưu diễn phục vụ miễn phí sinh viên các trường đại học tại Hà Nội và TP.HCM (cuối năm 2010), từ 28-3 đến 8-4 chương trình tiếp tục biểu diễn phục vụ sinh viên, thanh niên tại Kon Tum, Nghệ An và Thanh Hóa.

Nhiệm vụ của chúng tôi là thông qua một vở kịch ngắn, chứng minh cho các bạn trẻ thấy HIV không khủng khiếp như nhiều người nghĩ. Thế giới coi đó là một căn bệnh truyền nhiễm và chúng ta có thể phòng được, thậm chí người có HIV hoàn toàn có thể sinh con khỏe mạnh.

Ngoài những câu chuyện được đề cập trên sàn diễn, các tình nguyện viên còn có những câu chuyện thực tế để kể. Ví như một thành viên của mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng là người không có HIV nhưng chị vẫn lấy chồng có HIV rồi sinh con và đến nay cậu con trai đã 13 tuổi rất khỏe mạnh. Chị ấy là người sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để có được hạnh phúc bằng sự hiểu biết của bản thân chứ không phải là những câu chuyện suông.

* Và các câu chuyện mà đoàn kịch mang đến cho sinh viên…?

– Là câu chuyện một ông hiệu trưởng nhận một cô bé có HIV vào trường và nhận sự phản đối kịch liệt của các phụ huynh; là một người phụ nữ đau khổ vì bị người yêu ruồng bỏ khi anh ta phát hiện mình có HIV, bao nhiêu năm xa nhau, đến khi người phụ nữ biết được lý do anh ấy ra đi chị đã than: Giá như chúng ta hiểu biết hơn… Câu nói cuối cùng của nhân vật trong tiểu phẩm ngắn ấy cũng là suy nghĩ của rất nhiều người khi xảy ra một việc đáng tiếc.

* Anh đã tiếp cận với HIV như thế nào?

– Trước, cũng giống nhiều người, tôi nghĩ HIV thật kinh khủng. Nhưng rồi tôi có một người bạn bị nhiễm bệnh, tôi đã đi tìm hiểu về căn bệnh thế kỷ này. Sau khi đầu quân vào đoàn kịch 3 và làm những dự án cộng đồng, tôi tiếp cận nhiều hơn với những người có HIV. Thông qua hình thức kịch, tôi đề cập khá nhiều thực trạng xã hội: đồng tính, ma túy, mại dâm… và bây giờ là HIV.

* Sau các trường đại học, các anh còn hướng đến đối tượng khán giả nào khác nữa?

– Cuối năm 2011 chúng tôi sẽ đến các khu công nghiệp và chế xuất để biểu diễn, ở đó có một lực lượng đông đảo công nhân đều đang ở tuổi trưởng thành nhưng lại ít có điều kiện tiếp cận các thông tin xã hội và giải trí.

HOÀNG ĐIỆP thực hiện (Theo TTO)

Diễn viên Trần Hoàng (sinh năm 1975, tham gia vai người có HIV trong vở kịch Con muốn đến trường):

Tôi nắm giữ hạnh phúc của mình

Trước khi tham gia dự án của Nhà hát Tuổi Trẻ tôi từng tham gia diễn kịch trong những chương trình tuyên truyền về cách phòng chống và không kỳ thị với người có HIV. Khi đạo diễn Như Lai mời tham gia vở kịch, tôi nhiệt tình đồng ý để hiệu quả chương trình tốt hơn và cũng chứng minh cho khán giả thấy tôi đang sống và nắm giữ được hạnh phúc của mình. Cũng may là giới trẻ ngày nay rất hiểu biết về căn bệnh này và rất thông cảm chứ không như những năm trước. Thay vì kỳ thị một người có HIV thì họ đã muốn giúp đỡ người đó học tập và có cuộc sống tốt hơn. Hiệu quả của chương trình chính là ở đó.

H.ÐIỆP ghi

Bình luận (0)