Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dự án Luật Dược (sửa đổi): Bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của bệnh nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024), dự kiến Quốc hội (QH) sẽ xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Tại kỳ họp thứ 7 (bế mạc ngày 29-6), các đại biểu (ĐB) QH đã thảo luận nhiều về dự thảo này…


Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc

Thuốc bảo hiểm y tế cần được bổ sung mỗi năm

ĐB Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội – nêu rõ, danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) được ban hành bằng các thông tư nhưng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành. Như vậy, từ 3 đến 4 năm Bộ Y tế mới ban hành một thông tư quy định danh mục thuốc mới; tại mỗi thông tư, số thuốc được bổ sung cũng rất ít. Trong khi đó, khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều, liên tục xuất hiện phác đồ điều trị mới làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính… Sự chậm trễ trong việc bổ sung thuốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh. 

“Do đó, cần có thêm nội dung quy định danh mục thuốc là trách nhiệm của Bộ Y tế. Danh mục này phải được bổ sung hàng năm. Thêm vào đó, Bộ Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỷ lệ chi trả hàng năm, qua đó bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài”, ĐB Trí đề nghị.

Cũng bày tỏ quan tâm đến danh mục thuốc được BHYT chi trả, ĐB Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội – cho biết, hiện nay danh mục này đang được quy định tại Thông tư 20 năm 2022 của Bộ Y tế. Thông tư này chỉ bổ sung thêm 7 hoạt chất so với quy định tại Thông tư 30 năm 2018, nhưng những hoạt chất này chỉ được Quỹ BHYT thanh toán trong điều trị Covid-19, trong khi các hoạt chất đó có thể được chỉ định điều trị nhiều trường hợp thiết yếu khác.

“Trong bối cảnh ngành công nghiệp dược đang có những tiến bộ về khoa học, có nhiều thuốc thế hệ mới hay một số dạng bào chế đặc biệt làm tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh; việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc được BHYT chi trả sẽ ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận các phương thức điều trị mới tiên tiến trên thế giới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người đang trông chờ vào BHYT để được khám bệnh, chữa bệnh. Tôi đề nghị luật hóa nội dung này”, ĐB Hà nhấn mạnh.

Theo đó, ĐB Hà cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo luật quy định về việc ban hành danh mục thuốc được BHYT chi trả. Nội dung quy định mới bao gồm các nguyên tắc, điều kiện đưa thuốc vào danh mục; quy trình, thủ tục rà soát, bổ sung thuốc vào danh mục được BHYT chi trả. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần quan tâm việc cập nhật danh mục. Việc này phải được thực hiện hàng năm và giao Bộ Y tế quy định chi tiết.

“Mở rộng cửa” với thuốc hiếm, thuốc mới

Về vấn đề thuốc hiếm, ĐB Nguyễn Tri Thức – Đoàn ĐBQH TP.HCM – thống nhất thành lập Trung tâm dự trữ thuốc hiếm quốc gia. Tuy nhiên, theo Thông tư số 26 năm 2019 của Bộ Y tế, có 214 danh mục thuốc điều trị bệnh hiếm gặp và 219 danh mục thuốc không có sẵn. Do đó, chỉ nên thành lập Trung tâm dự trữ thuốc hiếm điều trị bệnh cấp cứu, chứ không phải thuốc hiếm điều trị các bệnh mãn tính và bệnh hiếm gặp để tránh lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Luật Dược đã có những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đời sống về việc sửa đổi luật này, đặc biệt sau dịch Covid-19. Các ý kiến của ĐBQH đều nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Luật Dược để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo nguồn cung thuốc, phục vụ tốt nhất cho đời sống người dân.

Với ý kiến của các ĐB, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu để phối hợp cùng cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo luật này trong thời gian tới để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH, báo cáo QH trong kỳ họp tới.

Liên quan đến Điều 54 khoản 5 điểm b cho phép đăng ký lưu hành các thuốc nhập khẩu và nguyên liệu thuốc nhập khẩu, ĐB Thức đề nghị lưu ý thêm đối với những thuốc mà các thị trường lớn trên thế giới đã lưu hành, đã đưa vào bảng hướng dẫn điều trị áp dụng trên tất cả các nước như EU, Mỹ, Nhật Bản… thì không nhất thiết phải đăng ký lưu hành ở Việt Nam mà có thể cho lưu hành luôn để đảm bảo thời gian cho bệnh nhân kịp thời sử dụng các thuốc quý, hiếm và thuốc đặc trị tốt, kịp thời với sự phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới. Vì thực tế hiện nay đã có nhiều thuốc ung thư, tim mạch lưu hành và điều trị hiệu quả trên thế giới và vẫn phải đăng ký lưu hành ở Việt Nam, mất nhiều thời gian sau đó mới được công nhận ở Việt Nam.

Về Điều 56 khoản 1 điểm b quy định việc đăng ký lại giấy phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, ĐB Thức đề nghị quy định theo hướng những thuốc đã đăng ký lưu hành thì khi đến thời điểm đăng ký lưu hành lại, không phải nghiễm nhiên được đăng ký lưu hành lại. Khi lưu hành lại thì phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo thông tư của thời điểm lưu hành lại.

Quản chặt việc bán thuốc online

Bày tỏ quan tâm đến quy định về áp dụng thương mại điện tử, bán thuốc online; ĐB Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP.HCM – cho rằng, chúng ta quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà giờ lại tính tới bán thuốc online thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý.

“Ở trên không gian mạng, theo tôi thấy, các nội dung của dự thảo luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi. Vì vậy tôi đề nghị, tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn, trật tự hơn. Hiện nay chưa phải là giai đoạn chín muồi bởi công tác chuẩn bị chưa đầy đủ”, ĐB Lan nói.

Theo ĐB Nguyễn Hoàng Uyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Do đó cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn.

Kim Anh

Bình luận (0)