Sự kiện giáo dụcTin tức

Dự án metro số 1 sẽ đưa vào khai thác năm 2024

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 11-7, kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bước vào ngày làm việc thứ hai, với phiên chất các sở ngành, địa phương trong đó có Sở Giao thông Vận tải TP.


Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP trả lời chất vấn các đại biểu

Tại phiên chất vấn, một số đại biểu đã chất vấn lãnh đạo ngành giao thông vận tải TP về việc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sau khi hoàn thành sẽ được đưa vận hành theo hình thức nào? Việc thu phí và nguồn thu sẽ được sử dụng ra sao?

Trả lời chất vấn, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP, cho biết metro số 1 là công trình trọng điểm quốc gia. Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP đã báo cáo cam kết đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ trong năm nay như Chính phủ đề ra, và bắt đầu xây dựng kế hoạch đưa vào khai thác trong năm 2024. Đến thời điểm này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP đã công bố mẫu thẻ IC thông minh sử dụng để đi tuyến metro số 1. Việc ứng dụng thẻ thông minh sẽ giúp việc vận hành tuyến metro thuận tiện nhất.

Ông Trần Quang Lâm cho biết thêm, rút kinh nghiệm tại hầm Thủ Thiêm, khi đưa tuyến metro số 1 vào vận hành, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ phương án, các kịch bản để đảm bảo khai thác hiệu quả, an toàn thông tin, phòng cháy chữa cháy.

Ngoài tuyến metro số 1, tại phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm còn hỏi về tiến độ xây dựng cầu Cần Giờ. Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết hỏi Sở Giao thông Vận tải TP có kế hoạch phát triển giao thông công cộng như thế nào để giảm ùn tắc.

Trả lời, ông Trần Quang Lâm cho biết, huyện Cần Giờ có thuận lợi để phát triển giao thông xanh, TP du lịch. Nhưng để phát triển được thì hạ tầng phải đi trước. Lãnh đạo TP cũng đã nhìn nhận là phải ưu tiên xây dựng cầu Cần Giờ. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn cơ bản hoàn thành việc lập báo cáo tiền khả thi với dự án và đang cùng với huyện Cần Giờ rà soát chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến có quy mô đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, phấn đấu trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023, khởi công xây dựng vào ngày 30-4-2025. Song song với việc nghiên cứu thực hiện dự án cầu Cần Giờ, TP cũng sẽ nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nghiên cứu hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của huyện Cần Giờ.


Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết chất vấn ngành giao thông vận tải TP

Đối với kế hoạch phát triển giao thông công cộng,  ông Trần Quang Lâm nhìn nhận công tác này còn chậm. Theo ông, thời gian tới, TP sẽ đẩy nhanh phát triển giao thông công cộng. TP có kế hoạch phát triển giao thông công cộng kết hợp kiểm soát yêu cầu sử dụng giao thông cá nhân. Trong đó, có 27 nhóm giải pháp trực tiếp, gián tiếp giải quyết giao thông cá nhân.

Riêng việc phát triển các tuyến xe buýt mới, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, ngành giao thông vận tải đang tổ chức đánh giá để tái cấu trúc lại mạng lưới xe buýt, hướng đến phát triển phương tiện sạch. TP cũng nghiên cứu các phương án đảm bảo việc lưu thông xe buýt an toàn, giảm ùn tắc giao thông, vé xe buýt điện tử,…

Cũng theo ông Trần Quang Lâm, với TP quy mô hơn 10 triệu dân, không có tuyến metro với sức chứa lớn thì giao thông rất khó khăn. Thời gian tới TP ưu tiên phát triển metro, đồng thời sẽ xin Trung ương cơ chế riêng về metro gắn với phát hành trái phiếu trong và ngoài nước.

N.Trinh

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)