Giờ ăn trưa của các bé tại một trường mầm non ở TP.HCM
|
Ngày 27-1, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non”. Theo đó, đại diện ngành giáo dục 32 tỉnh thành đã trình bày nhiều khó khăn gặp phải khi thực hiện dự án…
Nhiều khó khăn tồn đọng
Theo báo cáo của dự án, trong 8 tiêu chí đề ra để các địa phương thực hiện, đa số các địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ ở tiêu chí thứ 5 và tiêu chí thứ 8. Các địa phương gặp lúng túng khi thực hiện, kết quả vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu giải ngân. Tính đến hết năm 2014, ở tiêu chí 5 về yêu cầu tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn chất lượng cấp độ 1 mới trở lên chỉ đạt 7,1% so với yêu cầu phải đạt được là 40% vào cuối 2016. Ở tiêu chí 8, tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non được tập huấn 10 mô đun ưu tiên chỉ đạt 50,7% so với yêu cầu 90%. Theo đó, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến kết quả thấp được cho là hoạt động đánh giá ngoài tương đối phức tạp về thủ tục, hồ sơ.
Đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, bộ chuẩn quy định phức tạp, chỉ riêng tiêu chí đầu tiên của tiêu chuẩn 1 đã khiến các trường không thực hiện đánh giá ngoài được. Ngoài ra, văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ GD-ĐT ban hành chậm. Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, điều kiện kiểm định và thủ tục hồ sơ rất phức tạp. “Chúng tôi chỉ có 7 cán bộ thực hiện kiểm định. Với số lượng này, ngày nào chúng tôi cũng đi, 1 trường đi 3 ngày nhưng vẫn không thể kiểm định hết 210 trường/năm”, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội dẫn chứng khó khăn.
So với thủ tục, hồ sơ thì cơ chế giải ngân mới và phân cấp quản lý ngân sách cũng là bất cập cho các địa phương. Tại các địa phương chưa có sự phối hợp trong lập dự toán ngân sách hàng năm. Đại diện Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho hay: “Năm 2014, mức thu của chúng tôi chỉ đạt 82% so với kế hoạch của TW. Với mức thu không đủ chi chúng tôi không thể đạt được mục tiêu”. Quảng Ninh là địa phương cũng gặp lúng túng về cơ chế thu chi khiến địa phương này không ứng trước được tiền cho tập huấn. Đại diện sở này thắc mắc: “Ngân sách đã giải ngân ở TW nhưng chúng tôi không biết là tiền đã chuyển về địa phương chưa”.
Theo báo cáo cụ thể của dự án, đề cập đến kết quả ở tiêu chí 5, thì có đến 9 tỉnh đến cuối 2014 chưa thực hiện đánh giá ngoài được trường nào, 23 tỉnh dưới 3%, 5 thành phố lớn đạt trung bình 3,8%, có nơi đạt 0% như Đà Nẵng. Ở tiêu chí 8, có một số tỉnh chưa triển khai tập huấn tập trung khiến kết quả chỉ đạt 0% như Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Ngoài những khó khăn trên, nhiều tỉnh thành chia sẻ việc đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn cấp độ 1 cho trường mầm non không đạt yêu cầu, trong khi số trường mầm non tăng lên nhiều mỗi năm. Chưa có chính sách khuyến khích các trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu…
Bổ sung thông tư hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn
Ông Nguyễn Đại Dương, Trưởng phòng Kiểm định chất lượng giáo dục mầm non – Cục Khảo thí Kiểm định chất lượng nhấn mạnh: Các địa phương chưa hiểu kỹ thông tư về kiểm định chất lượng giáo dục. Thông tư đưa ra các tiêu chí bắt buộc, nhưng các địa phương phải hiểu dựa trên các tiêu chí để thực hiện. Mục tiêu đạt được các tiêu chí là tối thiểu chứ không bắt buộc các địa phương phạt đạt cao hơn tiêu chí. Riêng về chính sách khuyến khích giáo dục, mặc dù chưa có nhưng đây là hoạt động bắt buộc, không có chính sách thì các địa phương vẫn phải thực hiện. Hay một số địa phương nói, chỉ tiêu đưa ra quá cao. Thực tế chỉ tiêu đưa ra từ 2011 đến 2015 là cả một giai đoạn. Tuy nhiên có những địa phương như Thanh Hóa, không bắt tay thực hiện dự án, đợi các địa phương thực hiện trước, sau đó mới bắt tay vào làm, thế nên số lượng công việc phải làm lúc này dồn dập là điều tất nhiên.
“Các địa phương cần chú trọng làm tốt công tác truyền thông, đọc kỹ hướng dẫn thực hiện để tháo gỡ khó khăn. Một số địa phương thiếu đội ngũ đánh giá, chúng tôi cảm nhận được vấn đề này, tuy nhiên các địa phương cũng nên linh động, mở rộng đội ngũ, không nên nghĩ đến việc chỉ dùng cán bộ sở để kiểm định mà có thể sử dụng cán bộ mầm non ở khoa mầm non tại các trường ĐH sư phạm đi kiểm định”, ông Đại Dương cho biết.
Riêng liên quan đến vấn đề tài chính, phó giám đốc dự án giải thích, khi triển khai thực hiện dự án, sự phối hợp giữa phòng tài chính và phòng mầm non tại các sở chưa tốt chính vì thế một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí. Chúng tôi khẳng định tiền ngân sách TW đưa về địa phương nhiều hơn số tiền Ngân hàng Thế giới cho vay.
Để khắc phục những khó khăn trên cũng như thực hiện mục tiêu dự án được tốt hơn, bà Lý Thị Hằng, Giám đốc dự án đã nhấn mạnh hoạt động trọng tâm năm 2015 là tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về dự án. Bổ sung thông tư hướng dẫn ngân sách thực hiện của Bộ Tài chính, tăng cường các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để tháo gỡ khó khăn tại chỗ cho một số tỉnh thành phố.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Nhằm hỗ trợ phổ cập giáo dục mầm non và phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, tháng 5-2013, dự án được ký kết giữa Chính phủ và Ngân hàng Thế giới. Dự án có tổng vốn là 100 triệu USD giải ngân vào các hoạt động. Theo đó nhiệm vụ thực hiện của các địa phương sẽ thông qua 8 tiêu chí: Thực hiện nhập học 2 buổi/ngày cho trẻ 3-5 tuổi và trẻ 5 tuổi; tăng % tỷ lệ trẻ 5 tuổi học bán trú; hoàn thành quy định hướng dẫn tự đánh giá ngoài; đạt mục tiêu 90% trường hoàn thành tự đánh giá; tập huấn tự đánh giá và đánh giá ngoài chất lượng; thực hiện bồi dưỡng chuyên môn cán bộ quản lý và giáo viên; tập huấn cho 2.000 giáo viên cốt cán để thực hiện bồi dưỡng các mô đun và tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn chuyên môn theo 10 mô đun ưu tiên.
|
Bình luận (0)