Tỉnh uỷ Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học đánh giá tác động tiêu cực của dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A đến kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới trên địa bàn tỉnh (rừng Nam Cát Tiên) và vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
Loài vượn đen má vàng sẽ bị đe doạ nghiêm trọng nếu xây thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. Ảnh do TS Vũ Ngọc Long cung cấp
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong quá trình xem xét, khảo sát, nghiên cứu, thẩm định cho đến khi dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thuỷ điện sông Đồng Nai, tỉnh hoàn toàn không được lấy ý kiến đánh giá các ảnh hưởng, tác động trong việc xây dựng dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A; dự án không có hồ sơ cụ thể về thông số kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường cũng như các ảnh hưởng tác động đến tỉnh Đồng Nai.
Ngày 6.10, trả lời phỏng vấn phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Thành Trí, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định: “Đồng Nai xác định chủ trương là bảo vệ rừng. Chúng tôi đã kiến nghị các đơn vị liên quan về tác động của thuỷ điện trên sông Đồng Nai và đề nghị dừng lại hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. Đồng Nai là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai dự án này vì chúng tôi ở cuối nguồn trong khi những người muốn làm thuỷ điện, ủng hộ thuỷ điện lại không hỏi chúng tôi một câu nào. Chủ đầu tư cũng không có một văn bản nghiên cứu khoa học nào về những tác động từ thuỷ điện đối với hạ nguồn để gửi cho tỉnh nghiên cứu, xem xét mức độ ảnh hưởng”.
Theo ông Trí, thuỷ điện đầu nguồn đã khiến nước của hồ Trị An những năm qua xuống thấp kỷ lục, việc chống mặn xâm nhập nguồn nước sông Đồng Nai khó khăn hơn, chất lượng nước mặt và nước ngầm đi xuống… Nay làm thêm thuỷ điện thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…
Cùng ngày, ông Lê Viết Hưng, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai, xác nhận sở này đang gấp rút tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về tác hại của hai thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A đối với địa phương mình.
Trước đó, được sự uỷ quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, tại hội thảo do hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (Vacne)tổ chức vừa qua, sở Công thương, trong tham luận của mình đã cho rằng: dù dự án không nằm trên địa phận quản lý của tỉnh, nhưng do tỉnh nằm phía hạ lưu thuỷ điện này nên sẽ chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp và gián tiếp. Theo đại diện sở, qua rà soát, nghiên cứu và đánh giá các ảnh hưởng, tác động, nếu xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, khu vực huyện Tân Phú và Định Quán trước hồ thuỷ điện Trị An (khu vực này có lòng sông hẹp, nhiều ghềnh thác) sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân cũng như một số công trình công cộng dọc hai bên bờ sông sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A điều tiết lũ.
Ngoài ra, nếu thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng thì sẽ làm hạn chế dòng chảy theo chu kỳ hàng năm, nhất là vào các thời điểm mùa khô và thời điểm điều tiết lũ. Điều này sẽ gây tác động cộng hưởng (do các hồ thuỷ điện đều thực hiện tích nước và điều tiết nước theo cùng một thời điểm), ảnh hưởng đến hoạt động điều tiết nước của hồ thuỷ điện Trị An. Vào mùa khô, các vùng dọc sông Đồng Nai cần nước sẽ không có, trong khi vào mùa lũ cần tiêu thoát nước thì hồ thuỷ điện lại xả nước. Theo sở Công thương, thực tế trong những năm qua, nhất là vào mùa khô năm 2010 và 2011, hồ thuỷ điện Trị An đã không thể tích đủ nước để phục vụ cho công tác phát điện, cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều tỉnh vùng hạ lưu sông Đồng Nai và thực hiện việc đẩy mặn phía hạ lưu.
Theo điều 7 luật Đa dạng sinh học, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất vườn quốc gia từ 50ha trở lên thì phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Quốc Ấn – Lê Quỳnh
Theo Lao Động
Bình luận (0)