Sự kiện giáo dụcTin tức

Dù áp lực nhưng giáo viên vẫn bám trụ với nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-11, Viện Phát triển chính sách đã thông tin về đề án “Nghiên cứu đời sống của giáo viên khu vực Nam bộ: Thực nghiệm tại tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận, Hậu Giang”.

Quang cảnh thông tin về đề án

Đề án phỏng vấn gần 13 nghìn nhà quản lý giáo dục, giáo viên về các nội dung liên quan thu nhập, đời sống, áp lực, động lực theo nghề… Thời điểm nghiên cứu là thời điểm chính sách tiền lương mới đã có hiệu lực.

Nhiều áp lực

Kết quả phỏng vấn cho thấy kể từ khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (áp dụng từ ngày 1-7-2024, thu nhập của giáo viên được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình giáo viên đối với nhóm không có làm thêm các nghề phụ.

Đối với nhóm giáo viên có làm thêm nghề phụ, chỉ đáp ứng khoảng 62,55%. Riêng giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đánh giá thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình.

Đánh giá mức độ áp lực tài chính (thu nhập từ nghề giáo không trang trải đủ cuộc sống) của giáo viên có mức điểm bình quân khá cao 3,61/5 (5 là rất áp lực). Trong đó, 44% giáo viên cho biết họ đang chịu áp lực đến rất áp lực; chỉ có 19% giáo viên cho rằng họ đang thoải mái và rất thoải mái, không bị áp lực tài chính.

Ngoài áp lực về tài chính, giáo viên còn gặp áp lực bởi các hoạt động chuyên môn. Hiện nay giáo viên đang bị áp lực lớn nhất từ phụ huynh học sinh. Có đến 70,21% giáo viên cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh học sinh. Đồng thời 40,63% giáo viên cho biết họ từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh.

25,4% giáo viên được khảo sát cho biết đã dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường. Việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào các môn học như toán, văn, Anh văn, lý, hóa. Thời gian dạy thêm của giáo viên cũng tăng dần theo các cấp học.

Các loại hình dạy thêm của giáo viên cũng rất đa dạng, từ dạy thêm tại trường, tại nhà, trung tâm, online và trên các kho dữ liệu học tập mở. Việc dạy thêm tại trường chủ yếu là các hoạt động dạy phụ đạo, tăng tiết, ôn thi tốt nghiệp với sự thống nhất tổ chức của nhà trường và phụ huynh học sinh. Dạy thêm tại trung tâm thường là nhóm giáo viên phụ trách môn ngoại ngữ. Mặc dù việc dạy thêm tại nhà vẫn đang bị cấm nhưng các giáo viên vẫn tham gia dạy bằng hình thức trực tiếp hoặc online. Kết quả khảo sát cho thấy 63,57% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm online, để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình.

… nhưng vẫn bám trụ với nghề

Dù thu nhập vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống cũng như gặp nhiều áp lực trong công việc nhưng có tới 94,23% giáo viên cho biết họ tiếp tục theo đuổi nghề vì lòng yêu nghề, yêu trò. Gần 50% giáo viên cho rằng họ gắn bó với nghề vì mức thu nhập hợp lý và vì các chính sách đãi ngộ tốt. Có thể thấy yêu nghề, yêu trò, xem nghề giáo là nghề cao quý chính là lý do quan trọng nhất để giáo viên gắn với nghề chứ không phải thu nhập hay các chính sách đãi ngộ.

Theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình – Viện Phát triển chính sách, Dự thảo Luật Nhà giáo đã xác định “lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” nhưng nhiều thầy cô cũng lo ngại sẽ chậm triển khai chủ trương đó trên thực tế do thiếu nguồn lực.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đặt việc tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của giáo viên lên hàng đầu và tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong bối cảnh mới. Bởi bối cảnh hiện nay, khi mà quyền của học sinh và phụ huynh được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo bị hạ thấp, nhất là quyền được bảo vệ nhân phẩm. Và thay vì nghiêm cấm dạy thêm, chúng ta cần xây dựng cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế minh bạch, công khai trong việc dạy thêm để lãnh đạo nhà trường, phụ huynh học sinh và cộng đồng cùng tham giám sát. Đồng thời, Nhà nước cần xem xét ban hành chính sách về ưu đãi về tài chính, cũng như xây dựng Quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho giáo viên trẻ, giáo viên các môn đặc biệt, giáo viên tài năng, giáo viên vùng đặc biệt.

Hồ Trinh

Bình luận (0)