Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dự báo 2012: Lãi suất giảm, tỉ giá còn phức tạp

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện chưa có con số về tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế năm 2011, tuy nhiên theo đại diện của NH Hàng Hải tại buổi dự báo kinh tế năm 2012 do ACCA tổ chức cuối tuần trước đã ước tính tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ khoảng 12%. 

Đại diện này cho rằng, sự suy giảm kinh tế trong năm qua đã khiến khả năng hấp thụ vốn cũng suy giảm theo. Thêm nữa, với việc tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, đại diện này lo ngại tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn trong năm 2012.
Ảnh: Kỳ Anh.
Dự báo lãi suất cho vay năm 2012 từ 15-17%
Không nhất trí với giả định trên của đại diện NH Hàng Hải, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, không phải nền kinh tế VN không thể hấp thụ nổi vốn và tín dụng. “Theo những thông tin mà tôi có được thì người nông dân rất cần vốn và không tiếp cận được  vốn vì lãi suất quá cao. Kể cả các DNNVV, họ cũng có nhu cầu vốn nhưng lãi suất vượt quá khả năng tạo ra lợi nhuận để trả nợ. Còn nói nền kinh tế không hấp thụ nổi vốn khi tín dụng ở mức thấp thì đó không phải lỗi tại DN mà là lỗi tại lãi suất quá cao. Bởi vì khả năng hấp thụ vốn ở mức lãi suất cao như vậy là điều không tưởng” TS Lê Đăng Doanh nói.
Dự báo tình hình lãi suất năm 2012, ông Phạm Hồng Hải – GĐ bộ phận kinh doanh vốn và thị trường tiền tệ HSBC VN cho rằng sẽ tùy theo tình hình kinh tế của VN nhưng chắc chắn lãi suất sẽ giảm. Mức giảm nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào sức khỏe của cả nền kinh tế. Ông Hải cũng đưa ra kịch bản với tình huống là trong thời gian tới có nhiều DN không thể tiếp tục chịu đựng được mà phá sản thì khả năng lãi suất giảm nhanh hơn. “Nhưng hiện nay mức lãi suất mà NHNN đang nhắm tới thì lãi suất cho vay năm 2012 sẽ ở mức 15-17%/năm. Còn nếu giảm quá nhanh thì sẽ dẫn tới tình trạng là chưa chữa xong bệnh mà đã ra gió thì khả năng sẽ ốm nặng hơn và khó chữa hơn nhiều. Bởi nếu bây giờ chúng ta giảm lãi suất quá nhanh, sẽ có hiện tượng các DN có khả năng vay vốn tốt mà lại làm ăn không hiệu quả thì họ sẽ quay lại vay vốn ào ào đầu tư theo kiểu dàn trải để kiếm lợi nhuận. Và như vậy kịch bản 2008 và 2010 sẽ quay lại” – ông Phạm Hồng Hải khẳng định.
Khó xảy ra cơn sốc tỉ giá
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2011 NHNN đã dùng rất nhiều biện pháp để giữ ổn định tỉ giá, nhưng rồi vẫn có những cơn sốc mà DN cho rằng rủi ro chính sách là một trong những rủi ro lớn nhất tác động tới sản xuất của họ. Trong năm 2012, xu hướng tỉ giá sẽ như thế nào là điều rất nhiều DN quan tâm khi xây dựng các chính sách và chiến lược kinh doanh trong năm nay.
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, việc dự đoán tỉ giá ở VN khó hơn ở các nước khác vì phụ thuộc rất lớn vào chính sách. Ông Hải cho rằng, ở các nước khác, chỉ cần nhìn vào mô hình kinh tế vĩ mô là có thể dự đoán được xu hướng lãi suất và tỉ giá. Nhưng ở VN, chỉ một cá nhân cũng có thể thay đổi rất lớn diễn biến của tỉ giá và lãi suất. Tuy nhiên, đại diện HSBC cho rằng, tỉ giá 2012 sẽ ổn định hơn nhiều so với 2011 vì nhân tố thống đốc mới và cách điều hành bám chặt thị trường. “Mọi người đã thấy diễn biến tỉ giá trong hai tháng 11 và 12 tương đối ổn định thay vì sốt nóng và bùng phát như các năm trước. Thực tế là tháng 10 đã có sự bùng phát của tỉ giá, nhưng đã được kiềm rất nhanh. NHNN giờ theo rất sát thị trường và có biện pháp can thiệp ngay, bằng nhiều cách như hành chính hoặc tăng cung ra thị trường” – ông Hải nói. Đại diện của HSBC cũng cho rằng, sẽ không có hiện tượng điều chỉnh qua đêm quá lớn như các năm trước đây (ví dụ tháng 2.2011 mức điều chỉnh tỉ giá tới hơn 9% trong vòng một ngày).
“Trong năm 2012 tôi cho rằng mức điều chỉnh tỉ giá có thể từ 3-4%, nhưng sẽ không có cú sốc như vậy nữa mà khả năng sẽ chậm và đều hơn”, điều này theo ông Hải sẽ các giúp DN thuận lợi trong dự báo tỉ giá và điều chỉnh sản xuất kinh doanh.
Bổ sung vào dự báo lãi suất, tỉ giá năm 2012, TS Lê Đăng Doanh lưu ý, VND đã mất giá tại thị trường nội địa trong năm 2011 gần 19% nhưng mất giá so với USD khoảng gần 12%. “Điều này có nghĩa là so với USD, tỉ giá thực của VND đang được đánh giá cao chứ không phải thấp; nên với viễn cảnh còn có biến động thì tôi tin lạm phát của VN có thể giảm và lãi suất cũng có thể giảm nhưng còn tỉ giá còn khả năng còn biến động nhiều mặc dù các nỗ lực rất đáng hoan nghênh của thống đốc mới” – TS Doanh nói.
Ông Phạm Hồng Hải: Nên giữ VND
Xét về biến động thì VND có thể mất giá 3-4% nhưng nếu nhìn trong quá khứ lãi suất tiền đồng trong tương quan so sánh với lãi suất USD thì bao giờ cũng cao hơn mức phá giá thực tế của tỉ giá. Cũng không nên quên mình là nước XHCN nên không có chuyện phá giá tới 40-50% như đồng bath Thái Lan. Bên cạnh đó, cũng xin lưu ý, nếu chúng ta cứ mua đi bán lại quá nhiều thì chi phí phải trả cho việc thực hiện giao dịch cũng lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận. Quan điểm của tôi là giữ VND. Vì mức lãi suất hiện nay cũng rất hấp dẫn đối với người dân.
Lưu Thuỷ
Theo Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)