Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dự báo bệnh trẻ em tháng 9 năm 2009

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về diễn biến và cách phòng ngừa các bệnh cần lưu ý ở trẻ em trong tháng 9 năm 2009, chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1:
Xin bác sĩ cho biết phụ huynh cần lưu ý những bệnh gì trong tháng 9 ?
Mọi người đều phải hết sức cảnh giác với bệnh cúm A/H1N1. Ngoài ra, ở thời điểm hiện nay, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý đến hai bệnh nhiễm trùng quan trọng ở trẻ em là tay chân miệng và sốt xuất huyết vì số trường hợp mắc bệnh vẫn còn ở mức cao.
Nhóm bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và các bệnh liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần được quan tâm nhiều hơn trong mùa tựu trường.
Xin bác sĩ hướng dẫn cách đề phòng các bệnh trên cho các cháu?
Để phòng ngừa bệnh cúm A/H1N1, mọi người phải có ý thức phòng bệnh cho cá nhân và cho cộng đồng bằng các biện pháp sau đây:
1. Dùng khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắc hơi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác. Nếu không có khăn giấy có thể ho hoặc hắc hơi vào tay áo ở vùng khuỷu;
2. Tăng cường rửa tay bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch rửa tay nhanh;
3. Không dùng chung khăn với người khác;
4. Nên mang khẩu trang y tế hoặc đứng cách xa trên 1 mét đối với những người đã được xác định là đang mắc bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm A/H1N1;
5. Để nhà cửa, phòng học thông thoáng bằng cách mở rộng cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế dùng máy lạnh nếu được;
6. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
Đối với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để đưa các cháu đến bệnh viện kịp thời. Một cháu bị bệnh tay chân miệng cần đưa đến bệnh viện ngay khi thấy có một trong những dấu hiệu sau: giật mình, hốt hoảng, quấy khóc, ói nhiều, sốt cao, run hoặc yếu tay chân. Chăm sóc các cháu bị bệnh sốt xuất huyết phụ huynh cần cho ăn uống bình thường, uống nhiều nước và phải theo dõi sát nếu thấy cháu có một trong những biểu hiện sau đây thì đưa đến bệnh viện ngày: Lừ đừ, đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, chảy máu mũi, chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen.
Để ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa, phụ huynh chỉ nên cho các cháu ăn những thức ăn đã được nấu chín, uống nước đun sôi đề nguội và hạn chế cho trẻ ăn, uống tại các hàng quán không đảm bảo vệ sinh.
Xin cám ơn bác sĩ!
Phân tích tình hình bệnh tật trẻ em tháng 8 năm 2009 cho thấy:
1. Số lượt khám tăng 10% so với tháng 7;
2. Các bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy cấp tăng từ 10-40% so với tháng trước;
3. Hai bệnh nhiễm trùng quan trọng là sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn còn ở mức cao
Thanh Nhàn
Theo BV Nhi đồng 1

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)