Theo phổ điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) được Bộ GD&ĐT công bố, số thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên là 980 (chưa tính điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng). Tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) có 699 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên.
Điểm chuẩn những ngành “nóng” được dự báo không thay đổi so với năm trước. Ảnh: Như Ý
ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay có thêm phương thức xét kết quả bài thi đánh giá tư duy chiếm tới 50 – 60% chỉ tiêu. Phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn khoảng 20 – 30%. Theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay tuy chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm nhưng số lượng điểm 10 của thí sinh cũng giảm nên điểm chuẩn những ngành "nóng" (công nghệ thông tin, tự động hóa) của trường được dự báo giữ ổn định như năm 2021.
Với ngành Y khoa, theo phân tích của PGS. TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội, điểm 10 môn Sinh học năm nay giảm tới trên 98%. Tuy nhiên, có 465 thí sinh đạt từ 27,5 điểm trở lên đối với tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh). Trong khi đó, chỉ tiêu ngành Y khoa của hai trường ĐH Y lớn nhất cả nước dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT khoảng 480 chỉ tiêu. Nếu tính điểm ưu tiên trung bình là 0,5 thì điểm thi phải đạt từ 28 điểm đối với tổ hợp B00 mới có hy vọng trúng tuyển vào ngành Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội. Điểm chuẩn ngành này năm 2021 của trường là 28,85. PGS Tùng cho rằng điểm chuẩn chính xác sẽ còn phụ thuộc nhiều vào quá trình thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng.
PGS Tùng lưu ý thí sinh khi đăng ký cần căn cứ vào phổ điểm thi, điểm trúng tuyển 2 năm liền kề của ngành đó và điểm thi của bản thân để lựa chọn. Thí sinh cũng cần xác định đâu là nguyện vọng yêu thích nhất để đặt lên đầu, trường hợp mong muốn theo học ngành Y khoa nhưng mức điểm chưa đảm bảo, thí sinh có thể tham khảo nhiều trường khác cùng đào tạo ngành này và có mức điểm thấp hơn. Về phân bổ chỉ tiêu, cơ sở tại Hà Nội có 400 chỉ tiêu cho ngành Y khoa, trong đó có 80 chỉ tiêu xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ, 320 chỉ tiêu dành cho tuyển thẳng và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tại phân hiệu Thanh Hóa có 90 chỉ tiêu tuyển thẳng và 20 chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Hiện trường đã công bố danh sách 123 thí sinh trúng tuyển thẳng, trong đó ngành Y khoa ở Hà Nội có 99 thí sinh, Y khoa phân hiệu Thanh Hóa có 14 thí sinh. Số chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ. PGS Tùng cho biết, lâu nay trường không xét theo điểm học bạ nhưng vẫn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này không có nhiều khác biệt so với các phương thức khác.
Một ngành học có điểm chuẩn hai năm liên tiếp là 30/30 đối với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) là ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng được dự báo điểm chuẩn năm nay khó giảm. Những năm trước, thí sinh trúng tuyển vào ngành này phần lớn đều được cộng 2,75 điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Theo phổ điểm được Bộ GD&ĐT công bố, tổng số thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên đối với tổ hợp C00 là 1.155. Trong khi đó, chỉ tiêu của phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của ngành học này là 24/50 với 5 tổ hợp xét tuyển A01, C00, D01, DD2 (Toán, Văn, tiếng Hàn), D78 (Văn, tiếng Anh, Khoa học xã hội).
Cần bình tĩnh đặt nguyện vọng
Hiện có hai xu hướng đặt nguyện vọng khá phổ biến trong tuyển sinh ĐH. Thứ nhất là nhóm thí sinh có xu hướng chọn trường yêu thích để học nên đặt nguyện vọng vào tất cả các ngành trong cùng một trường. Thứ hai là chọn theo ngành yêu thích, có nghĩa đặt nguyện vọng vào cùng một ngành ở nhiều trường. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng Ban quản lý Đào tạo, Học viện Tài chính, thí sinh điểm cao nên đặt ngành yêu thích ở chính trường yêu thích lên NV1. Trường hợp không đạt thì vẫn còn các nguyện vọng tiếp theo. Điểm thi chưa cao, thí sinh nên chọn trường có điểm dự kiến bằng hoặc thấp hơn điểm mình đã đạt được để làm điểm tựa an toàn.
“Thí sinh cần bình tĩnh xem xét tất cả các thông tin của các trường, các thông tin khác liên quan để có những điều chỉnh đúng đắn vì thời gian còn rất nhiều”, PGS Thạch khuyên.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, 17h ngày 20/8 là thời gian đóng cổng và chốt thông tin tuyển sinh. Từ ngày 1-15/9 sẽ là giai đoạn xử lý lọc ảo nhằm xác định nguyện vọng cao nhất mỗi thí sinh có thể trúng tuyển. Ngày 17/9, các cơ sở đào tạo công bố thí sinh trúng tuyển đợt 1 và thí sinh được phép xác nhận nhập học trực tuyến. |
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)