Hội nhậpThế giới 24h

Dự báo giá dầu năm 2023

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc chiến ở Ukraina giữa Nga và Ukraina đã làm cho giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trở thành đối tượng chính của một cuộc thí nghiệm chính sách xưa nay chưa từng thấy trên thế giới đối với nó.
Giá dầu thế giới được dự báo tăng trong năm 2023.
Thí nghiệm này đã được nhóm G7 và EU nhất trí tiến hành nhằm trừng phạt Nga vì đã gây ra cuộc chiến ở Ukraina và để buộc Nga phải nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến này. EU cùng G7 và Australia bắt đầu thực hiện thí nghiệm ấy từ ngày 5.12 vừa qua.
Thí nghiệm chính sách này của EU, G7 và Australia là áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga, cụ thể mức giá trần này hiện là 60 USD/thùng (159 lít), thấp hơn khoảng 10% so với giá dầu trên thị trường. EU, G7 và Australia sẽ điều chỉnh mức giá trần này nếu giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng thêm. Cùng với quyết sách này của EU và G7, EU còn ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga được vận chuyển bằng đường biển, cũng từ ngày 5.12 vừa qua, và dự định sẽ cấm vận Nga xuất khẩu những sản phẩm dầu mỏ khác từ ngày 5.2.2023. EU cũng đang có ý định áp giá trần đối với xuất khẩu khí đốt của Nga trong thời gian tới. 
Theo những dự báo chung, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 rất thấp, chỉ đạt 2,3%. Như thế có nghĩa là nhu cầu tiêu dùng dầu mỏ phục vụ cho tăng trưởng kinh tế sẽ giảm so với năm 2022. Dù vậy, giá dầu mỏ vẫn sẽ tăng bởi cung ứng giảm. 
Biện pháp áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga động chạm tới khoảng 3 triệu thùng dầu trong khối lượng xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày của Nga. Nga chưa thể nhanh chóng tìm và có được ngay khách hàng thay thế EU, G7 và Australia trong chuyện xuất khẩu dầu mỏ. Nga đã tuyên bố sẽ không cung ứng dầu mỏ cho tất cả các đối tác tham gia thực hiện biện pháp chính sách này của EU và G7. 
Nhóm OPEC+ bao gồm 23 nước xuất khẩu dầu mỏ – 13 nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 10 nước khác, trong đó có Nga – đã tuyên bố chưa thay đổi quyết định giảm mức độ khối lượng xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày đã được thông qua và áp dụng từ tháng 11 vừa qua cho tới cuối năm 2023. 
Mỹ tham gia thí nghiệm chính sách này, nhưng trên thực tế không có khả năng tăng khai thác dầu mỏ hàng ngày để bù lấp phần thiếu hụt cho EU do ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga, hay cho việc Nga giảm mức độ xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày. 
Từ giác độ cung ứng mà nói thì cán cân cung cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới sẽ biến động cơ bản và giá dầu sẽ tăng chứ không giảm, do cung ứng giảm còn nhiều hơn nhu cầu giảm.
Giá dầu mỏ năm 2023 sẽ tăng và ổn định tương đối ở mức độ cao hơn chứ không thấp hơn mức giá trần 60 USD/thùng mà EU, G7 và Australia hiện áp đặt cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga còn bởi hai lý do khác nữa. Thứ nhất là Mỹ sẽ phải mua dầu với khối lượng lớn để dự trữ chiến lược sau khi đã nhiều lần mở kho dầu dự trữ chiến lược để giảm sức ép từ gia tăng giá năng lượng và lạm phát ở nước Mỹ. 
Lý do thứ hai còn quan trọng hơn thế là các khách hàng dầu mỏ truyền thống của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập không những chỉ tiếp tục mà còn tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Nga với chiết khấu thuận lợi của Nga. Điều này giúp Nga có thể chơi được dài lâu cuộc chơi dầu mỏ và năng lượng với EU và G7.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)