Chỉ tiêu xuất khẩu năm 2009 đã điều chỉnh từ 13% xuống 3% nhưng vẫn khó đạt – Ảnh: Việt Tuấn. |
TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng công tác dự báo kinh tế hiện nay “dự” thế nào cũng đúng và chỉ “dự” được tình hình… thế giới chứ tình hình trong nước thì chỉ theo cách “mình phục mình quá!”.
Dự báo, một trong những khâu được coi là mang tính sống còn cho sự phát triển kinh tế đã và đang luôn trong tình trạng khá chênh vênh.
Phân trần về sự chênh vênh trong dự báo của Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng dự báo hiện nay luôn chỉ ở mức 50/50 vì tình hình kinh tế thế giới rất bất định. Như tại cuộc họp của G20, các quốc gia đều cam kết không bảo hộ mậu dịch nhưng sau đó 17/20 nước có cam kết đều thực hiện bảo hộ mậu dịch.
Trong khi đó, kết quả dự báo của chúng ta chủ yếu là dựa vào các nước, các tổ chức quốc tế, các cá nhân khoa học quốc tế. Số liệu của Việt Nam và các nhà dự báo của Việt Nam cũng hạn chế bởi những hệ thống số liệu, chính sách và cả năng lực nên dự báo không thể không… sai!
Nở rộ thông tin dự báo
Lên tiếng từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận xét: “Hiện tại, các quan điểm đánh giá về các mặt của nền kinh tế còn rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau và còn rất nhiều điểm chưa thống nhất… Điều hết sức lưu ý là chúng ta hầu như chưa thật chú tâm hoặc chưa tính hết các kịch bản triển vọng của tình hình, kể cả tình huống xấu nhất”.
Là một trong những đơn vị hay đưa ra dự báo kinh tế nhất, lãnh đạo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Lê Đình Ân cũng thừa nhận rằng công tác dự báo về các mặt kinh tế, xã hội và cả dự báo của các ngành đặc thù cho kết quả không tốt, thậm chí là dự báo sai, dẫn đến những ảnh hưởng đối với nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.
Cũng theo TS. Ân thì nguyên nhân của tình trạng dự báo không đúng, trước hết là do nở rộ thông tin dự báo nên mới “nhiễu”. Công tác dự báo chủ yếu là do các cơ quan thuộc Chính phủ, các bộ, các ngành thực hiện. Ngoài ra cũng có các viện độc lập làm dự báo, thậm chí cả những cá nhân cũng đưa ra các dự báo. Cùng đó, kết quả cuối cùng của các dự báo thì không có ai phải chịu trách nhiệm vì đã là dự báo thì có đúng có sai, sao quy được trách nhiệm!
Một trong những bài học đắt giá nhất về dự báo mà Việt Nam phải trải qua là tình hình lạm phát phi mã của năm 2008. Vào đầu năm 2008, các cơ quan chức năng dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2008 sẽ tăng trưởng khoảng 9,1%; lạm phát 8%. Nhưng thực tế, tăng trưởng chỉ đạt trên 6% và lạm phát thực tế đã là 24%, gấp ba lần dự báo.
Rút kinh nghiệm về bài học này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó cũng đã chỉ rõ, phải quan tâm, tổ chức tốt công tác dự báo và phân tích kinh tế. Công tác này chưa thật sự được coi trọng đúng tầm dù có nhiều cơ quan dự báo và phân tích kinh tế.
Câu chuyện năm 2008 chưa kịp cũ thì năm nay có vẻ như lại tái diễn. Chẳng hạn như về tình hình xuất khẩu, các cơ quan liên quan đã căn cứ trên dự báo của ngành mình để đề xuất chỉ tiêu xuất khẩu năm nay phải tăng 13%, nhưng sau đó có “tỉnh” ra và đề nghị điều chỉnh xuống chỉ còn 3%. Nhưng, khi xem xét thực tế thực hiện trong 8 tháng đầu năm thì xuất khẩu có vẻ khó mà thoát khỏi ngưỡng… “âm”.
Không để thị trường tiếp tục bị “méo”
Đã đến lúc công tác dự báo và cảnh báo kinh tế – xã hội phải là một công cụ không thể thiếu được trong điều hành nền kinh tế, nhất là kinh tế vĩ mô, nhưng theo ông Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì công tác dự báo kinh tế của Việt Nam chưa được chú ý đầu tư cả về con người, vật chất nên kết quả dự báo không chuẩn. Chất lượng dự báo về kinh tế của Việt Nam còn rất thấp. Mỗi dự báo so với sự vận động thực tiễn còn khác nhau xa. Việc đưa ra các thông tin dự báo nở rộ sẽ tạo ra các dư luận gây ảnh hưởng, làm “méo” thị trường, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành chung.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu á ADB Ayumi Konishi cũng cho rằng: “Việt Nam cần có cơ chế thu thập và phân tích thông tin kịp thời. Nhiều nhà hoạch định chính sách đã thất bại trong việc dự báo vì Việt Nam không có hệ thống hoàn thiện để nắm bắt tình hình kinh tế”.
Trong thời gian qua, công tác dự báo kinh tế – xã hội đã được Chính phủ, cũng như nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm và tổ chức thực hiện, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc thành lập Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia, trực thuộc Bộ từ cuối năm 2004. TS. Lê Đình Ân bộc bạch: “Trong điều kiện chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, khi các yếu tố gây tác động đối với nền kinh tế thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ, thì những yếu kém trong lĩnh vực dự báo càng bộc lộ đậm nét và bị “khoét sâu”.
TS. Ân cũng cho rằng trở ngại lớn nhất của công tác dự báo, cảnh báo kinh tế hiện nay là Việt Nam chưa có một hệ thống thông tin kinh tế hoàn chỉnh. Bên cạnh đó nguồn thông tin, tư liệu của nước ngoài cũng rất thiếu, rời rạc và không hệ thống. Việc xử lý số liệu còn chưa thống nhất, mỗi nơi theo một kiểu, rất khó làm chất liệu cho công tác dự báo, cảnh báo. Rõ ràng, điểm tựa nào thực sự an toàn cho dự báo kinh tế vẫn đang là một câu hỏi quá khó.
Bình luận (0)