Giáo viên đánh giá đề 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2025 bám sát với đề minh họa Sở GD-ĐT đã công bố, phù hợp với yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Dự báo tỷ lệ điểm trên trung bình sẽ cao, phổ điểm từng môn tăng.

Môn ngữ văn: Phổ điểm tập trung từ 6,75 đến 7,5.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi – giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự báo điểm thi môn ngữ văn năm nay sẽ tập trung trong khoảng 6.75 – 7.5. Như mọi năm, điểm trên 8 sẽ khó thể chiếm tỉ lệ cao và điểm trên 9 sẽ khá hiếm.
Giảng viên này phân tích: đề thi ngữ văn mang tính phân hóa tốt, góp phần củng cố mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho người học của giáo dục hiện nay nói chung và môn ngữ văn nói riêng khi hướng về một chủ đề giàu ý nghĩa, mang tính giáo dục sâu sắc.
Chủ đề của đề thi khơi gợi nhiều nhận thức giá trị cho học sinh, giúp các em biết yêu thương gắn bó hơn cùng gia đình, biết phát hiện và phân biệt rõ chân giá trị trong cuộc sống. Hơn thế, qua bài viết nghị luận xã hội, học sinh còn được định hướng đến với những việc làm cụ thể, thiết thực, đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi. Hướng trọng tâm đến những vấn đề gần gũi nhưng vẫn có biên độ sáng tạo không quá giới hạn để khuyến khích các em thể hiện quan điểm, cảm nhận riêng của bản thân đối với vấn đề, lại thực sự có được sự chia sẻ với học sinh, do vậy, phải dành thêm nhiều sự trân trọng cho người ra đề.
Về mặt cấu trúc đề thi đã theo trục chủ đề được TP.HCM giữ ổn định tương tự các năm trước, thống nhất với định hướng ra đề mà Sở GD-ĐT TP đã công bố từ tháng 10-2024. Hình thức các câu hỏi/câu lệnh có nhiều tương đồng với đề thi minh họa, tránh gây những bất ngờ hay tạo thêm áp lực cho học sinh
Lời đề tựa của đề thi, thông điệp gợi ra từ ngữ liệu Đọc hiểu trong phần I, nội dung ngữ liệu Đọc hiểu trong phần II, cách dẫn dắt để đưa ra yêu cầu nghị luận thực sự là những gợi ý xác đáng, giúp học sinh có thể liên kết thông tin, từ đó triển khai bài viết NLXH dễ dàng hơn.

Môn toán: Điểm trên trung bình sẽ nhiều, phổ điểm dao động từ 5,5-7,5
Thầy Phạm Lê Trí Minh – giáo viên toán, Trường THCS Vân Đồn, quận 4 đánh giá, đề thi quen thuộc, bám sát theo cấu trúc đề minh họa mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố từ đầu năm học, phù hợp với định hướng đánh giá năng lực học sinh theo mục tiêu Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, đề vẫn có tính phân loại rất tốt theo yêu cầu của một kỳ thi tuyển sinh.
Cụ thể, các bài từ câu 1 đến câu 4 khá quen thuộc với học sinh. Bài 5 có thể nhiều học sinh sẽ mắc sai lầm ở phần làm tròn và đổi đơn vị. Riêng bài 6 là một dạng câu hỏi mới, lạ, đòi hỏi học sinh phải có tư duy giải quyết vấn đề, kiến thức nền tốt và kĩ năng biến đổi đại số khá tốt để giải quyết. Với câu 7a và 7b có độ khó hợp lí, câu 7c là câu chọn học sinh giỏi, các bạn cần có tư duy nhạy bén và kĩ năng tốt mới có thể giải quyết được.
“Với mức độ đề thi năm nay, đa phần học sinh sẽ dễ dàng lấy được điểm 5, tỷ lệ điểm trên trung bình năm nay sẽ cao hơn năm trước. Phổ điểm sẽ tập trung từ 5,5-6,5 điểm” – thầy Minh nhận định.
Thầy Đặng Hữu Trí – Tổ trưởng Tổ toán, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 đánh giá, đề thi toán tuyển sinh 10 của TP.HCM năm nay đảm bảo đúng tinh thần Chương trình GDPT 2018, cấu trúc gần giống với đề minh họa mà Sở GD-ĐT TP đã công bố trước đó.
Câu 1, 2 dạng toán cơ bản và quen thuộc với học sinh nếu ôn tập kỹ và tính toán cẩn thận các em sẽ lấy trọn điểm phần này; câu 3 liên quan đến xác suất thống kê – mạch kiến thức mới được đưa vào đề thi năm nay nhưng cũng là câu ở mức độ thông hiểu, học sinh dễ dàng sẽ giải quyết được; câu 4 học sinh sẽ giải quyết ổn vì đã được ôn tập trong các đề tham khảo; câu 5 hình học không gian cũng mức độ vận dụng vừa phải, chỉ cần học sinh đọc kỹ và tính cẩn thận là lấy được trọn điểm. Riêng câu 6 là dạng thực tế hay đòi hỏi học sinh phải suy luận mới giải quyết tốt được.
“Tóm lại, phần toán thực tế trong đề thi năm nay từ câu 3 đến câu 6, các em nếu làm cẩn thận sẽ được 3,5/4,5đ, khá nhẹ nhàng chứ không hề đánh đố học sinh” – thầy Trí nhấn mạnh.
Với câu 7, hình học phẳng câu a, câu b là dạng quen thuộc với các em khi ôn tập tuyển sinh nên học sinh khá giỏi sẽ giải quyết ổn cả 2 ý, còn mức trung bình khá thì chỉ giải quyết được ý a; Chỉ có câu 7c là cần phải tư duy suy luận, đây là câu phân loại học sinh.
“Nhìn chung, đề thi gần gũi, bám sát với các đề tham khảo mà các em đã được ôn luyện thuộc nhưng cũng có sự phân hóa rõ học sinh. Phổ điểm trung bình sẽ từ 6-7,5 điểm. Sẽ xuất hiện điểm 10 nếu học sinh có tư duy tốt và làm bài, trình bày cẩn thận” – thầy Trí nêu.

Môn tiếng Anh: Không có mưa điểm 10, phổ điểm từ 6,8-7,5 điểm
Thầy Nguyễn Hữu Thanh- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản 1, Thủ Đức – giáo viên mạng lưới bộ môn tiếng Anh, TP.Thủ Đức đánh giá, đề thi bám sát Chương trình GDPT 2018.
Cấu trúc đề rõ ràng thống nhất với đề mẫu đã triển khai đến các trường trong năm học, được chia thành nhiều phần kỹ năng: phát âm, từ vựng – ngữ pháp, đọc hiểu, viết lại câu, từ vựng qua ngữ cảnh. Nội dung phủ rộng, kiểm tra kiến thức ngôn ngữ thực tế, gắn với đời sống học sinh, không mang tính đánh đố cao. Mức độ vừa sức, phần lớn câu hỏi ở mức nhận biết – thông hiểu, chỉ có một vài câu vận dụng, phù hợp mặt bằng chung của học sinh.
Đề thi đảm bảo tính khách quan, khoa học, phù hợp định hướng phát triển năng lực ngôn ngữ trong Chương trình GDPT 2018, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt không gây áp lực cho học sinh ở vùng khó khăn, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
“Với đề thi năm nay được đánh giá là không quá khó, nhưng có tính phân loại, thí sinh dễ lấy 7-8 điểm, nhưng khó đạt tuyệt đối. Do đó, điểm trung bình môn tiếng Anh năm nay dự kiến sẽ dao động từ 6,8 đến 7,5 điểm, cao hơn so với năm trước. Đỉnh phổ điểm: Dự kiến rơi vào khoảng 7,0- 8,0 điểm, do đề thi năm nay được đánh giá là vừa sức và gần gũi với thực tế, giúp thí sinh dễ dàng đạt điểm cao nếu có kiến thức vững và làm bài cẩn thận. Tỷ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên chiếm khoảng 20%-25%. Tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình (<5 điểm) dao động khoảng 25-30%” – thầy Thanh dự báo.
Cô Hồ Thị Bích Ty – Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh đánh giá, đề thi tuyển sinh 10 TP.HCM môn tiếng Anh năm nay không quá khó nhưng không dễ lấy được điểm 10 do nhiều câu phân loại, đòi hỏi học sinh phải tư duy, cẩn thận, với ngay cả học sinh giỏi.
Đề bắt buộc học sinh phải ứng dụng được từ vựng vào trong quá trình làm bài, học sinh phải hiểu được đề, đọc được câu đáp án mới có thể chọn được đáp án đúng. Chủ đề trong 2 bài văn đọc hiểu khá gần gũi, từ vựng không quá mới song đòi hỏi học sinh phải đọc hiểu được các cụm từ liên quan, phải dịch nghĩa được các từ tương ứng, vận dụng từ vựng trong bối cảnh thực tế.
“Điểm 8, 9 năm nay khả năng sẽ nhiều hơn năm trước” – cô Ty dự báo.
Yến Hoa
Bình luận (0)