Y tế - Văn hóaThư giãn

Dư chấn của sự thật

Tạp Chí Giáo Dục

Không lãng mạn mà cũng chẳng ngọt ngào, vở kịch Những chấn động còn lại là bao cơn dư chấn từ những thế hệ trước với các toan tính có khi cuồng điên, những nhẫn nhịn đôi khi thỏa hiệp của những người đã qua binh lửa…

Vở kịch Những chấn động còn lại được tổng duyệt vào tối 19-1 tại rạp Hồng Hà, Hà Nội. Vở sẽ được tiếp tục biểu diễn phục vụ công chúng từ tháng 3 – Ảnh: Đ.Triết
Một sân khấu ngập tràn bục – bệ cao thấp cùng các cây cổ thụ trơ cành được mở ra. Ở nơi núi rừng trùng điệp, nhưng đầy sự chết chóc ấy đã xảy ra một bi kịch: ông Dũng bị ám sát bằng một vụ tai nạn giao thông.
Trước nỗi đau khủng khiếp này, Đạt – con trai ông Dũng – mang lá thư của cha để lại đi tìm sự thật. Cứ thế, sự thật mở ra từ trang này đến trang khác với câu chuyện đau xé lòng của những người bạn một thời vào sinh ra tử nơi trận mạc nhưng khi trở về quê nhà lại rơi vào cuộc huyết chiến, bởi có kẻ bị tha hóa, biến chất trước danh vọng, tiền bạc…
Và những sự thật đắng lòng của thế hệ đi trước ấy đã để lại bao dư chấn cho thế hệ trẻ là con, là cháu của họ hôm nay…
Là tác phẩm nghệ thuật được Cục Nghệ thuật biểu diễn đặt hàng để hưởng ứng nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) – “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Những chấn động còn lại (tác giả: nhà văn Xuân Đức, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang, biểu diễn: đoàn 1 Nhà hát Kịch VN) đã đề cập đến bao chuyện nóng của xã hội hôm nay một cách khá mạnh, khá thẳng.
Đấy là chuyện phá rừng phòng hộ đầu nguồn để làm thủy điện. Đấy là vấn đề lợi ích nhóm khi doanh nghiệp tác oai tác quái dưới sự bảo kê của chính quyền. Đấy là việc chỉ mặt kẻ tham danh lợi – phó chủ tịch tỉnh Tây Sa. Đấy là án oan gieo rắc suốt 10 năm trời của một đời người…
Trong những vấn đề khá “nặng nề” ấy, có những giây phút khán giả được “giải khuây” trước những câu nói tưởng chừng để chọc cười nhưng là những đúc kết về mặt trái xã hội hôm nay, kiểu như: “Sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng. Chính sách nó là như vậy”, “Cứ bắt đi rồi tìm chứng cứ. Bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, “Không ai nằm ngoài pháp luật nhưng có kẻ đứng trên pháp luật đấy”…
Nhưng cũng chính vì được đặt hàng để nói thẳng, nói thật nên Những chấn động còn lại phần nào bị rơi vào khiên cưỡng – khiên cưỡng cả về logic kịch cho đến khiên cưỡng trong vai diễn khi nhiều nhân vật như bị “cố lôi vào” cuộc.
Thêm nữa, ý nghĩa của “chấn động”, “dư chấn” ở đây đã không để khán giả tự cảm, tự thấy qua diễn tiến của kịch mà liên tiếp trong mỗi cảnh, mỗi lớp là sự nhắc lại của nhân vật, nhiều khi hơi bị thừa thãi.
Và điều đáng tiếc nhất là dụng ý gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay trong vở lại chưa được sáng rõ khi những kỹ sư Trang, công an điều tra Tường, Đạt, Mây dù rất cố gắng dám nói, dám làm, dám yêu nhưng vẫn chỉ là những cái bóng mờ mờ…
Do vậy, Những chấn động còn lại dù được đạo diễn rất cố gắng về khâu dàn dựng, các nghệ sĩ (NSƯT Quốc Khánh, Xuân Bắc, Việt Thắng, Phú Đôn, Hồng Quang…) cố gắng về khâu diễn xuất nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc kể lại những vụ việc của ngày hôm nay.
Cũng có thể thấy điều này ở vở chèo Bão táp đầm sen (tác giả: Trần Đình Ngôn, đạo diễn: Bùi Đắc Sừ, biểu diễn: Nhà hát Chèo VN, công diễn tháng 12-2014) – cũng là một trong số các kịch bản được Cục Nghệ thuật biểu diễn đặt hàng – khi vở chèo này gần như kể lại vụ án tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn cùng gia đình và UBND huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng…
Theo TTO

 

Bình luận (0)