Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đủ chiêu lách chốt

Tạp Chí Giáo Dục

Trình QR Code “fake”, dùng phương tiện “luồng xanh” để chở người và hàng lậu vượt chốt kiểm soát… nhiều hành vi lợi dụng “luồng xanh” để vi phạm nghiêm trọng quy định phòng, chống dịch vừa bị cơ quan chức năng phát hiện.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch /// ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch. ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU
Xuất hiện “cò” dịch vụ luồng xanh
Ngày 3.8 mới đây, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 số 1 đóng trên Km 213, QL1A, thuộc địa phận H.Phú Xuyên (Hà Nội) đã phát hiện một số trường hợp sử dụng QR Code “luồng xanh” giả để qua chốt. Theo đó, 4 phương tiện là xe hợp đồng đưa đón công nhân, xe tải, xe cá nhân… có dán QR Code “luồng xanh” ở cửa kính xe, nhưng khi kích hoạt đều không có kết quả đủ điều kiện lưu thông. Các xe này đăng ký giấy nhận diện QR Code để được di chuyển theo luồng xanh tại Sở GTVT các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Hà Nội. Các lái xe sau khi bị phát hiện đều cho biết đã nhờ người quen đăng ký giấy nhận diện, không trực tiếp đi đăng ký nên không biết.
Trước đó 1 ngày, cũng tại chốt kiểm soát này, Tổ công tác Công an Hà Nội đã kiểm tra ô tô có biển kiểm soát 49C-225.60, phát hiện sử dụng giấy nhận diện QR Code để đi “luồng xanh” giả. Người điều khiển phương tiện là anh V.T.H cho biết giấy nhận diện được đăng ký qua Hợp tác xã, anh H. nhận QR Code qua tin nhắn Zalo rồi in ra, sử dụng để lưu thông trên đường. Cả 5 trường hợp vi phạm trên sau đó đã được cơ quan chức năng trực chốt bàn giao lại cho Công an xã Châu Can, H.Phú Xuyên điều tra xử lý.
Đáng chú ý, nhu cầu làm giả QR Code phát sinh cũng kéo theo sự xuất hiện của các “cò” làm dịch vụ đăng ký giấy nhận diện. Trên một số trang mạng xã hội, trong nhóm trao đổi thông tin của các tài xế có rất nhiều tài khoản tự giới thiệu nhận làm dịch vụ đăng ký “luồng xanh” nhanh, chi phí dao động từ 300.000 – 2 triệu đồng/xe tùy thuộc vào số lượng phương tiện hoặc hàng hóa chuyên chở.
Thử liên hệ qua số điện thoại của một “cò” để lại trên Facebook, chúng tôi được thông tin hồ sơ bắt buộc phải có gồm Chứng minh nhân dân (căn cước công dân), bằng lái xe, giấy chứng nhận đăng kiểm xe, giấy đăng ký xe và giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. “Thời gian cấp mã đảm bảo chỉ trong đúng 24 giờ theo đúng quy định. Giấy nhận diện này có thể được sử dụng để lưu thông qua khắp các tỉnh, thành, không phải chở hàng thiết yếu cũng được vì quy định giờ hàng nào cũng là thiết yếu, khỏi lo. Mà có “cửa” thì mới làm nhanh, đi nhanh được, chứ giờ đăng ký thì chờ đến tết chưa có giấy đâu”, vị này đon đả chào hàng.
Thực tế, trước khi nghĩ ra chiêu sử dụng QR Code giả, đã có rất nhiều chủ phương tiện cố tình lợi dụng việc cơ quan chức năng tạo điều kiện cho xe “luồng xanh” lưu thông để sử dụng giấy nhận diện sai mục đích, đi sai tuyến đường đăng ký, thậm chí chở người liên tỉnh trái quy định.
Đơn cử, đêm 31.7, lực lượng kiểm soát dịch tại chốt khu vực H.Vĩnh Bảo (giáp ranh giữa Hải Phòng và tỉnh Thái Bình) đã phát hiện một số xe container trong diện ưu tiên nhưng lại chở theo người trong thùng nhằm vượt qua chốt kiểm soát. Tiến hành kiểm tra, những trường hợp này đều trở về từ TP.HCM và các tỉnh phía nam. Tương tự, chiều 1.8, tại H.Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, tổ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về phòng chống dịch Covid-19 đã phát hiện ô tô tải chở 1.740 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu được cất giấu kỹ lẫn trong các hàng hóa thiết yếu gồm rau, củ, quả và lương thực, thực phẩm. Thời điểm kiểm tra, lái xe xuất trình được đầy đủ giấy tờ hợp lệ, bao gồm cả QR Code “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Tài xế khai nhận đã lợi dụng xe trong diện “luồng xanh”, không kiểm soát tại các chốt để thực hiện hành vi vi phạm.
Tăng hậu kiểm, xử phạt nghiêm
Trao đổi với PV, về tình trạng giả mạo “luồng xanh”, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ), cho biết QR Code nếu chỉ nhìn qua bình thường thì sẽ không phân biệt được giả hay thật. Chỉ khi cơ quan chức năng quét qua điện thoại thông minh, nếu mã hiện lên có kết nối dữ liệu trên trang web của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xuất hiện thông tin đầy đủ thì mới là QR Code có hiệu lực. Trường hợp mã quét không kết nối được với dữ liệu từ tổng cục thì được coi là không có hiệu lực.
Tình trạng đang được nhận định là sử dụng QR Code giả hiện nay, chủ yếu chia thành 2 đối tượng: Thứ nhất là trường hợp chủ phương tiện đăng ký giấy nhận diện “luồng xanh” qua hợp tác xã, đơn vị nhận mã QR Code in ra rồi chụp gửi tin nhắn cho tài xế. Trong quá trình chụp, do đặt góc máy không đúng nên mã bị thiếu hoặc chất lượng ảnh thấp, bị mờ, nhòe nên khi đưa vào máy không đọc được. Cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn để chủ phương tiện xin lại mã trực tiếp từ trang web của Tổng cục Đường bộ hoặc chụp lại hình cho chính xác, rõ nét; Trường hợp còn lại là các đối tượng cố tình vi phạm bằng cách sử dụng QR Code của xe khác, phương tiện khác, lợi dụng quy định nới lỏng cho xe “luồng xanh” để qua mắt lực lượng kiểm soát.
Để tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông thuận lợi phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như không làm đứt gãy chuỗi sản xuất trong giai đoạn các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, thời gian qua, lãnh đạo ngành giao thông đã liên tục chỉ đạo nới lỏng việc kiểm soát, không kiểm tra giấy nhận diện có QR Code. Tuy nhiên, động thái mở đường, tạo “luồng xanh” cho hàng hóa lại vô tình mở cơ hội cho một số đối tượng thừa cơ lách luật.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ), cho biết: “Đối với hành vi cố tình vi phạm, hiện nay đều áp dụng phạt hành chính theo Quy định 117 của Chính phủ trong vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các quy định về vận tải thì chưa có chế tài xử phạt vì đây là những tình huống phát sinh trong bối cảnh đặc thù dịch bệnh. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ cũng đang đề xuất các biện pháp chế tài mạnh hơn như ngừng cung cấp dịch vụ cấp QR Code cho tất cả các phương tiện đã vi phạm…”.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ, nguyên tắc chung hiện nay vẫn là đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện cho các phương tiện đủ điều kiện lưu thông có thể di chuyển thuận lợi nhất. Quá trình đọc QR Code rất nhanh, chỉ cần đúng thông tin sẽ cho xe qua ngay. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, phương án được tập trung triển khai là tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm với các doanh nghiệp có phương tiện được cấp thẻ nhận diện hoạt động trên “luồng xanh”; thường xuyên kiểm tra lộ trình hoạt động của các phương tiện trên hệ thống cập nhật dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện…
Theo Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)