Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đủ chiêu mượn danh “quốc bảo” trục lợi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thương hiệu "quốc bảo" sâm Ngọc Linh đang bị các tổ chức, cá nhân đua nhau trục lợi bằng cách công bố thông tin sở hữu vườn sâm khủng…
Thời gian qua, không chỉ Công ty CP Sâm Việt Nam (trụ sở tại tỉnh Kon Tum) công bố thông tin đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh đã được cơ quan chức năng xác minh và "vạch mặt" vườn sâm này chỉ có trên "miệng". Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG, trụ sở tại Hà Nội) cũng quảng bá rằng đang phát triển vùng trồng sâm tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum nhưng các địa phương này đều khẳng định không có.
Vườn sâm Ngọc Linh "ảo"
Theo đó, Công ty MHG giới thiệu trên web tại địa chỉ: samngoclinhmhg.com lĩnh vực hoạt động là nghiên cứu trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu; sản xuất và phân phối sản phẩm sâm Ngọc Linh. Công ty này đã đầu tư và phát triển hàng trăm hecta trồng nguyên liệu sâm Ngọc Linh ở 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Tại tỉnh Kon Tum có dự án MHG Farm trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Kon Plông.
Đủ chiêu mượn danh quốc bảo trục lợi - Ảnh 1.
Đủ chiêu mượn danh quốc bảo trục lợi - Ảnh 2.
HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông của Công ty MHG chỉ có một ít diện tích trồng sâm dây, sim, không phải vườn sâm trưởng thành như quảng cáo

Ngoài ra, Công ty MHG còn thông tin trên một số cơ quan truyền thông rằng năm 2021 đã trồng thành công 30.000 gốc, năm 2022 sẽ tiếp tục trồng mới và nâng số lượng cây gốc đạt 260.000 gốc.
Trong khi đó, tại tỉnh Kon Tum, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) khẳng định chỉ cấp chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh tại 9 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Hoàn toàn không có huyện Kon Plông như thông tin công ty này cung cấp. Đến nay, UBND tỉnh Kon Tum cũng mới chỉ cấp phép cho 5 công ty trồng sâm Ngọc Linh nhưng không có Công ty MHG.
Thực tế, tại tỉnh Kon Tum Công ty MHG chỉ sở hữu HTX nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông đang trong giai đoạn đầu tư, chứ chưa trồng cây sâm Ngọc Linh nào. Điều đáng chú ý, phóng viên ghi nhận có rất nhiều cây gỗ lớn trong diện tích này đã bị triệt hạ để lấy gỗ.
Còn tại tỉnh Quảng Nam, Công ty MHG thông tin đang trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My. Tuy nhiên, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, khẳng định Công ty MHG chưa đặt vấn đề, chưa được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư và cho thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. "Thông tin này gây bức xúc trong cộng đồng và những người có tâm huyết đầu tư vào sâm Ngọc Linh, "quốc bảo" của Việt Nam. Việc làm này đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, thương hiệu của sâm Ngọc Linh" – ông Trần Văn Mẫn nói.
"Mượn đầu heo nấu cháo"
Chính quyền tỉnh Kon Tum, Quảng Nam đều chưa cho phép đơn vị nào có tên Công ty MHG trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, công ty này đưa nhiều hình ảnh quảng bá cho thấy DN đã chào bán hơn 20 dòng sản phẩm gắn mác sâm Ngọc Linh như: trà, cà phê, bánh kẹo…
Đặc biệt, họ đã xây dựng chuỗi hơn chục hệ thống showroom tại nhiều tỉnh, thành trong nước để giới thiệu và cung ứng các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Công ty này cam kết cung cấp sản phẩm sâm Ngọc Linh có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Như để chứng minh, công ty còn công bố hình ảnh lãnh đạo DN đi "thăm" vườn sâm Ngọc Linh nhiều năm tuổi.
Nghịch lý là một củ sâm Ngọc Linh từ khi trồng đến khi khai thác phải cần ít nhất 7 năm. Giai đoạn này sâm Ngọc Linh cho hạt nhiều để nhân giống nên ít ai bán. Tuy nhiên, Công ty MHG thành lập từ năm 2017, năm 2021 trồng 30.000 cây (như công ty công bố) nhưng đến nay đã có hàng chục sản phẩm chào bán.
Theo ông Trần Văn Mẫn, thực trạng một số cá nhân, DN thường chơi trò "mượn đầu heo nấu cháo", tức là chụp ảnh, quay phim một vườn sâm Ngọc Linh của người khác rồi về quảng bá là của mình đang trồng sâm trên các huyện miền núi. Điều này khiến nhiều người hiểu lầm, tin là thật.
Còn ông Trương Đình Kiểm, Giám đốc Công ty TNHH KTC Quảng Nam, thông tin vào năm 2021, Công ty MHG có đặt mua giống sâm Ngọc Linh để đưa đi nơi khác trồng. Người của công ty này lên thăm vườn sâm Ngọc Linh của ông. Sau khi về lại đăng tải hình ảnh với nội dung "đây là vườn sâm của Công ty MHG". "Những hình ảnh ấy là vườn sâm của công ty tôi chứ không phải vườn sâm của họ. Ngay khi phát hiện, tôi đã yêu cầu gỡ xuống vì không đúng sự thật và sau đó họ đã gỡ" – ông Kiểm nói. Ngoài số lượng giống sâm Ngọc Linh, công ty ông cũng đã bán "vài ký" sâm cho phía Công ty MHG.
Bị trục lợi tràn lan
Hiện còn rất nhiều công ty khác ở tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Hà Nội… mượn danh "quốc bảo" sâm Ngọc Linh để lừa dối người tiêu dùng mua sản phẩm của mình nhằm trục lợi. Trước đó, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết thông tin Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam (trụ sở Kon Tum) công bố sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, công ty hoàn toàn không có vườn sâm nào. Hình ảnh là vườn sâm của người khác.
 
Hoàng Thanh (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)