Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Dù có bị giam hãm trong vỏ hạt dẻ…”

Tạp Chí Giáo Dục

Khác mùa tuyển sinh trước đây, chỉ một số lượng rất nhỏ, có thể đếm trên đầu ngón tay thí sinh khuyết tật trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Năm nay, với việc sửa đổi quy chế tuyển sinh, quy định thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày, hiệu trưởng các trường có thể căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh qua học bạ, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học.

Thí sinh Phạm Vũ Hoàng bị liệt đã được Học viện Bưu chính viễn thông ưu tiên xét tuyển trong đợt 1 – Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+
Đây là tin vui đối với hàng triệu con người, ít nhất là với những người khuyết tật. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, nước ta hiện có khoảng 6,7 triệu người tàn tật, chiếm khoảng 6,34% dân số cả nước, trong đó có khoảng 1,2 triệu trẻ em. Đây là con số chứa đựng hàm lượng chất xám không nhỏ, cần phải được sử dụng. Muốn sử dụng, cần bồi dưỡng, đào tạo.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, người khuyết tật vẫn có hạn chế của riêng mình. Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay tâm sự: “Bộ cũng khó nói các ngành nào thì người khuyết tật không làm được. Chính vì thế, hiệu trưởng các trường cần phải cân nhắc để quyết định hoặc khuyên thí sinh nên theo học ngành nào. Chúng ta phải hiểu rằng, không phải cứ khuyết tật là được đặc cách vào mà còn căn cứ vào mức độ khuyết tật, kết quả học tập phổ thông… Với các điều kiện đó, nhà trường sẽ xem xét tiếp nhận. Có thể với kết quả đó em có thể được vào thẳng trường A, nhưng đối với trường B thì phải thi để đáp ứng mức độ nào đó. Cách thực hiện rất là đa dạng và do các trường quyết định”.
Cách làm linh hoạt, đậm chất nhân văn của ngành giáo dục nước nhà đáng được hoan nghênh. 2 đợt của kì thi ĐH năm nay đã có gần 40 thí sinh khuyết tật được đặc cách trúng tuyển. Trong đó, có nhiều trường ĐH lớn, thuộc “tốp trên” đã tiếp nhận nhiều thí sinh khuyết tật là ĐH Huế và ĐH Sư phạm TP.HCM, kế tiếp đến ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội…
Con người sinh ra, không ai hoàn thiện, có người khiếm khuyết về thể xác, có người khiếm khuyết về tâm hồn. Chỉ có điều, với những người khuyết tật về thể trạng, sự “khuyết” của họ được nhìn thấy rõ hơn. Nhưng bù lại, tạo hóa có sự cân bằng của riêng nó, người khuyết tật đôi khi lại có những năng lực mà người khác không bằng, đó nghị lực vươn lên phi thường để bù lại khiếm khuyết của mình. Như một người mù, thì tai của họ có thể nghe rõ hơn, “giác quan thứ 6” của họ phát triển hơn, một người điếc, thì khả năng quan sát của họ sẽ tinh tế hơn, kĩ lương hơn…
Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều đó.
Beethoven, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Vào năm 1796, khi mới 26 tuổi, Beethoven bắt đầu không còn có cảm giác nghe ở tai mình nữa, để rồi đến năm 1818 ông điếc hẳn cả hai tai. Bất chấp khuyết tật của cơ thể, Beethoven vẫn không ngừng lao động và sáng tạo ra những kiệt tác mang tầm vóc vĩ đại của nhân loại. Những tác phẩm kinh điển như bản Ouverture Hiến dâng năm 1922, các tác phẩm tứ tấu đàn dây, nhất là bản giao hưởng số 9 Thánh ca hoàn thành 6 năm sau khi ông đã bị điếc hoàn toàn.
Nhà Vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawking đã không thắng được bệnh tật, nhưng nó cũng không quật ngã được ông. Stephen Hawking mắc hội chứng xơ cứng teo cơ khi mới tròn 21 tuổi, ông dần mất đi khả năng điều khiển đôi tay, chân và giọng nói. Các bác sĩ nói rằng ông có thể “ra đi” trong vòng vài năm sau. Căn bệnh đã cầm tù ông trong sự bất động và câm lặng trên chiếc xe lăn. Ông đã cứu thoát mình bằng lao động khoa học. Trong cuốn Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ xuất bản năm 2001, ông đã mượn lời tuyên bố của Hamlet – vị hoàng tử trong vở kịch kinh điển của Shakespeare: “Dù có bị giam hãm trong vỏ hạt dẻ, ta vẫn tự coi mình là chúa tể của không gian vô tận”. Stephen Hawking đã tâm sự, đó là lời khẳng định chân lý khoa học và cũng là câu trả lời của ông trước bất hạnh của cuộc đời mình.
Những thí sinh khuyết tật, quyết tâm đến giảng đường ĐH hôm nay, chắc hẳn các em đều ôm trong lòng những hoài bão. Trước hết, để các em trở thành người có tri thức hơn, sống có ích hơn. Nhưng biết đâu, trong số các em, một ngày kia lại xuất hiện một Stephen Hawking, một Beethoven Việt Nam. Tại sao không?
Theo Nguyễn Gia
(TT&VH)

Bình luận (0)