Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dự đoán điểm chuẩn, điểm sàn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Do một số thay đổi trong việc xét tuyển nên nhiều ý kiến cho rằng điểm chuẩn ở một số trường có thể biến động, nhưng điểm sàn không thể thấp hơn năm trước.

Điểm chuẩn có thể thấp
Theo các chuyên gia, năm nay tình hình xét tuyển sẽ gặp nhiều khó khăn do thí sinh (TS) được nộp nhiều bản giấy chứng nhận kết quả thi. Vì vậy, tỷ lệ TS ảo khi đăng ký xét tuyển sẽ rất cao. Để tránh ảo, những trường tổ chức thi đều cho biết sẽ cố gắng tối đa để lấy TS trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 sao cho đủ chỉ tiêu. Do đó, điểm chuẩn NV1 năm nay ở một số trường có thể sẽ thấp hơn năm trước.
Ông Vũ Quang Thọ – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cho biết: “Năm nay số TS đăng ký vào một số ngành của trường thấp nên điểm chuẩn có thể thấp hơn. Chẳng hạn ngành xã hội học, những năm trước có tới 4.000 TS nhưng năm nay chỉ có 300. Điểm chuẩn ngành này những năm trước là 17,5 – 18 nhưng dự kiến năm nay có thể thấp hơn”.

Thí sinh kết thúc kỳ thi đợt 1 không quá căng thẳng – Ảnh: Lê Thanh

Trong khi đó, ông Lê Hữu Lập – Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho hay: “Năm nay đề thi toán hơi khó nên khả năng điểm chuẩn cũng chỉ tương đương năm trước”. Ông Phan Huy Phú – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long cũng thông tin: “Dự kiến điểm chuẩn chỉ lấy trên điểm sàn 1 điểm”.
  Theo thạc sĩ Phạm Hồng Danh – Trưởng bộ môn toán cơ bản, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, điểm chuẩn của trường năm nay có khả năng thấp hơn năm ngoái một chút. Lý do là số lượng TS dự thi năm nay ít hơn trong khi sức học của TS thi vào trường hằng năm đều tương đương nhau.
PGS – tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng: “Thật ra trường chỉ có vài ngành điểm chuẩn cao, còn lại rất nhiều ngành điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn. Điểm chuẩn các ngành cao nhất khối A cũng luôn thấp hơn điểm chuẩn khối B. Với tình hình năm nay, có khả năng điểm chuẩn không khác năm ngoái nhiều”.
Điểm sàn không thay đổi
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing nhận định: “Căn cứ vào tình hình đề thi có thể dự đoán điểm sàn khối A năm nay có khả năng bằng năm 2011, khối A1 cũng sẽ bằng khối A”. Về điểm chuẩn của trường trong năm 2012, thạc sĩ Tuấn dự đoán: “Cũng ở mức như năm ngoái, tuy nhiên có thể biến chuyển ở một số ngành. Chẳng hạn, quản trị khách sạn năm nay là ngành mới, TS dự thi đông nên điểm chuẩn có thể cao. Ngành kế toán tuy cũ nhưng TS đông hơn mà chỉ tiêu ít hơn nên điểm chuẩn dự kiến có thể tăng từ 0,5 – 1 điểm”.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phân tích: “Khả năng điểm sàn khối A năm nay sẽ giữ ổn định như mức của năm ngoái: 13 điểm. Khối A1 lần đầu tiên được tổ chức thi nên cũng có thể sẽ tương đương với khối A”. Về điểm chuẩn của trường, tiến sĩ Dũng cho rằng: “Sẽ không có sự thay đổi đột biến về điểm chuẩn so với năm trước”. Tuy nhiên, tiến sĩ Dũng nhấn mạnh: “Riêng 2 ngành công nghệ thực phẩm và công nghệ môi trường, năm nay tỷ lệ chọi tăng đột biến nên điểm chuẩn 2 ngành này có khả năng sẽ tăng cao”.
Về điểm sàn khối thi A1, tiến sĩ Phan Ngọc Minh – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM băn khoăn: “Rất khó để nói vì đây là năm đầu tiên thi khối này. Riêng điểm sàn khối A không nên thấp hơn 13 nếu muốn tăng cao chất lượng giáo dục bậc ĐH”. Nhận định về điểm chuẩn của trường, tiến sĩ Minh đoán: “Các ngành như tài chính ngân hàng, kế toán vốn có tỷ lệ chọi cao nhất, điểm chuẩn sẽ tăng lên từ 0,5 – 1”. Trong khi đó, theo thạc sĩ Phạm Hồng Danh, nếu điểm sàn khối A và A1 tính riêng thì khối A1 có khả năng cao hơn. Lý do là đề tiếng Anh khối A1 dễ hơn D1, cơ hội của TS đạt điểm khá trở lên nhiều hơn. Còn điểm sàn khối A sẽ như năm trước.

Thí sinh bỏ thi thấp
Một trong những điều lưu ý trong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là ít TS bỏ thi giữa chừng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thông tin: “Chẳng hạn như tại ĐH Quốc gia TP.HCM, theo thống kê từ các trường thành viên, nhiều cụm thi không có TS nào bỏ thi; có nơi chỉ vài TS bỏ. Ngay cả cụm thi Vinh, nơi có tỷ lệ TS dự thi rất thấp với chỉ 68% nhưng ngược lại TS bỏ thi rất thấp”.
Tình hình cũng tương tự tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay: “Nếu như năm ngoái sau mỗi môn thi khoảng 50 – 70 TS bỏ thi thì năm nay chỉ khoảng 20 TS”. Tương tự, tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thạc sĩ Ninh Quang Thăng – Trưởng phòng Đào tạo, cũng nói: “Tỷ lệ TS dự thi trong toàn đợt 1 gần như giữ nguyên mức 83%”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, lý do chính là năm nay phần lớn TS cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ dự thi nên đeo đuổi thi cử đến cùng. Điều này càng thấy rõ tuy số lượng hồ sơ TS đăng ký dự thi vào các trường có giảm nhưng tỷ lệ TS dự thi vẫn khá cao.

Theo GDVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)