Hiện hầu hết các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã nhận đủ đơn hàng cho đến nửa đầu năm nay, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TPHCM kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm 6-1, ông Phạm Xuân Hồng cho biết, phần lớn doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng cho kế hoạch đến giữa năm, nên không dám nhận thêm. Theo đó, Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 có kế hoạch giao 4,5 triệu sản phẩm trong 6 tháng đầu năm nay, chủ yếu là quần jeans và kaki vào thị trường Nhật Bản.
“Thị trường Mỹ tăng trưởng so với trước khủng hoảng nhưng năng lực của Việt Nam có giới hạn nên doanh nghiệp chỉ nhận đủ năng lực”, ông Hồng cho biết.
Việc tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, như vải, sợi, trong năm ngoái cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp may mặc xuất khẩu. Theo ông Hồng, hiện nguyên liệu đầu vào đã tăng khá cao nên thời gian tới có thể cũng sẽ không tăng thêm nhiều, nhưng doanh nghiệp cũng vẫn lo ngại khả năng giá nguyên liệu lại tăng vọt. Ngoài ra, cũng có lo ngại về việc tăng giá điện, phí vận chuyển, trong khi chưa rõ tình hình điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2010 đạt 11,2 tỉ đô la Mỹ, tăng trên 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu là doanh nghiệp Đài Loan và Hàn Quốc, chiếm hơn 60% giá trị hàng dệt may xuất khẩu của cả nước.
Theo Vitas, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản lần lượt là 6 tỉ đô la Mỹ (tăng 22%), 1,8 tỉ đô la Mỹ (tăng 14%) và 1,2 tỉ đô la Mỹ (tăng 20%). Nguyên nhân là do lượng đơn hàng từ Trung Quốc chuyển qua và việc giảm thuế đối với mặt hàng may mặc xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may trong năm nay là 13 tỉ đô la Mỹ.
Theo Thesaigontimes
Bình luận (0)