Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dự giờ, bao nỗi buồn vui…

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quá trình làm công tác ging dy, thưng có quy đnh giáo viên phi d gi đng nghip. S tiết d gi theo quy đnh ca tng trưng, thông thưng giáo viên phi d t 5 đến 6 tiết/mi hc k. Nếu không đt đưc thì s nh hưng ti xếp loi thi đua cui năm.

Một tiết học có giáo viên dự giờ (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Do đó, việc dự giờ của mỗi giáo viên luôn có kế hoạch cụ thể, ấn định ngày giờ, tiết thứ mấy, lớp nào chứ không phải tùy hứng, muốn dự giờ lúc nào cũng được! Mục đích của việc dự giờ là tạo điều kiện cho giáo viên học hỏi lẫn nhau, từ phong thái, bao quát lớp, cách kiểm tra bài cũ, cách phân bố thời gian làm việc trên lớp trong 45 phút ngắn ngủi… Từ đó, “dao có mài mới sắc”, giáo viên sẽ học được rất nhiều từ đồng nghiệp, từ thực tế bài giảng cụ thể đến kỹ năng bao quát lớp, quản lý giờ dạy, vận dụng các kỹ năng khác nhằm phát huy trí lực học sinh. Ở đây, giáo viên học cả những mặt tốt (để vận dụng, làm theo) và những mặt chưa tốt (để tránh). Đối với ban giám hiệu nhà trường, việc dự giờ sẽ nắm được tình hình giảng dạy, năng lực giáo viên cũng như tình hình học tập của học sinh. Từ đó có thể điều chỉnh, uốn nắn để các mặt từng bước đi vào nền nếp, từng bước hoàn thiện hơn.

Sau này, Bộ GD-ĐT không còn quy định số tiết dự giờ, giáo viên dễ dàng chủ động bố trí dự giờ một cách thiết thực, hiệu quả. Nếu “quan trọng hóa” việc dự giờ thì giờ dạy trở thành “giờ diễn”, không thực chất vì đã có sự chuẩn bị, kể cả câu hỏi, câu trả lời đã được “mớm” trước. Vì vậy, từng có ý kiến nên dự giờ đột xuất, không báo trước mới biết giáo viên dạy như thế nào. Ý kiến vậy thôi nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào giáo viên “bị” dự đột xuất cả. “Vàng thật không sợ lửa”, một số giáo viên nói như thế nếu nhà trường thực hiện dự giờ đột xuất.

Nhiều khi do chạy theo quy định của nhà trường đã xảy ra tình trạng dự giờ có tính chất đối phó. Thí dụ, giáo viên chưa đủ số tiết dự quy định mà đã gần hết học kỳ, thế là họ xin dự môn nào cũng được, miễn là nằm trong khối bộ môn khoa học xã hội hoặc khối bộ môn khoa học tự nhiên. Cũng không nên vội cho rằng dự giờ trái chuyên môn sẽ không học được gì. Học được nhiều ở đồng nghiệp lắm chứ. Đó là học cách quản lý lớp, cách phân bố thời gian, cách bao quát lớp; học từ bước đi, dáng đứng, điều chỉnh âm lượng giọng nói; học cách xử lý tình huống sư phạm xảy ra (nếu có)… để tiết dạy học đạt hiệu quả.

Đã có dự giờ thì phải có góp ý cho giáo viên dạy, ngay sau buổi dạy, dù đã hết tiết cuối vẫn ngồi lại nghe đồng nghiệp góp ý. Giáo viên dạy phải ghi chép, trả lời những góp ý từ mọi người. Cũng từ chuyện góp ý này mà xảy ra bao chuyện giận dỗi nhau, không chơi với nhau vì góp ý thẳng thắn quá! Nhớ lần ấy, một nữ giáo viên gặp tôi (Chuyên viên phụ trách bộ môn ngữ văn của Sở GD-ĐT) than thở: “Thầy ơi, từ nay trở đi, em không góp ý khi dự giờ nữa đâu. Góp ý xong thì người ta giận ra mặt…”. Hỏi ra mới biết, cô giáo góp ý rất thẳng thắn, chỉ ra cái được, cái chưa được trong giờ dạy của đồng nghiệp. Tôi liền khuyên nhỏ nhẹ rằng: Nếu lần sau dự giờ, em rút kinh nghiệm chỉ nên góp ý những cái tốt, cái đạt được thôi. Còn những thiếu sót (về năng lực, về kiến thức…) thì mình gặp riêng lúc thích hợp sẽ nói. Làm như vậy bạn đồng nghiệp sẽ “tâm phục, khẩu phục”, càng quý mến mình hơn vì được tôn trọng! Có những điều cần nói trước buổi họp góp ý đông người nhưng cũng có nhiều điều mình kiềm chế, gác lại, gặp riêng tâm sự thì hiệu quả gấp bội! Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những buổi họp góp ý xảy ra khá gay gắt, căng thẳng giữa người dạy và người dự. Có khi sai sót về kiến thức thì cần xem lại, hết sức kỹ càng, cẩn thận để tránh “sốc” cho người dạy. Nhưng cũng có khi chỉ vì những tiểu tiết, không ảnh hưởng gì tới nội dung thì nên nhẹ nhàng bỏ qua.

Bản thân tôi từng chứng kiến những buổi góp ý dự giờ bộ môn ngữ văn mà ai nấy đều cho rằng phần đúng thuộc về mình. Bộ môn ngữ văn có đặc trưng riêng của nó, không phải lúc nào cũng “hai cộng hai bằng bốn” như bên môn toán! Hơn nữa, sách hướng dẫn chưa hẳn đã đúng trong một vài trường hợp. Thí dụ, câu ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”; theo sách hướng dẫn, “cành hoa sen” chỉ là chi tiết giả định, cây sen làm gì có cành để chàng trai vắt áo lên đó! Nhưng trong thực tế, có một loài sen trên cạn, thân mộc, gọi là cây sen đất, thường được trồng nơi đình chùa vùng Bắc bộ; trùng tên với cây sen trong ao hồ. Cây sen này cao chừng một thước, có cành và có hoa màu trắng… Vậy mà hai bên vẫn “bảo lưu” ý kiến của mình; bên dạy thì cho rằng sách hướng dẫn sao thì dạy vậy; bên dự thì cho rằng cũng cần có sự phản biện, bổ sung kiến thức, cập nhật kiến thức trong quá trình tiếp cận tác phẩm mới là sáng tạo…

Bài học cho giáo viên là không ngừng học hỏi, tìm tòi tài liệu liên quan tới bài dạy, tới những tác phẩm trong chương trình để liên tục cập nhật kiến thức, không bị động, không phụ thuộc một cách máy móc vào sách hướng dẫn. Bên cạnh đó, ngoài nhiệm vụ dự giờ trong nội bộ nhà trường, còn có dự giờ thanh tra chuyên môn khi được cấp trên phân công. Khi có kế hoạch và tiến hành thanh tra toàn diện một trường, cấp trên sẽ cử những giáo viên có năng lực chuyên môn dự giờ một số tiết dạy của trường sở tại. Vì đã được thông báo trước, có lịch dự giờ trước nên các giáo viên đều sẵn sàng đón đoàn dự giờ. Những tiết dự giờ này rất bổ ích cho người dạy vì giáo viên dự thường là chuyên viên của Sở GD-ĐT, của Phòng GD-ĐT và những giáo viên giỏi của các trường bạn. Sau buổi dạy, việc góp ý tiết dạy càng thêm sinh động, khách quan; cách tiếp cận cũng khác ở nội bộ trường vì được nâng cao hơn một bước.

Tuy vậy, cũng có khi việc góp ý sa vào cảnh “chín người mười ý” vì người nào cũng “bảo lưu” quan điểm của mình. Trong những trường hợp này, vai trò của tổ trưởng chuyên môn, của chuyên viên phụ trách chuyên môn rất quan trọng. Bằng kiến thức có được, bằng sự vận dụng sáng tạo để thuyết phục mọi thành viên cùng đồng ý về quan điểm, về sự hiểu biết của mình.

Dự giờ, một hoạt động chuyên môn trong nhà trường rất cần thiết, rất hữu ích. Nghề nào cũng cần rèn luyện tay nghề, nghề dạy học cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nghề dạy học bên cạnh trau dồi chuyên môn qua dự giờ còn trau dồi về phẩm chất; trau dồi, tự bồi đắp về kỹ năng sống, kỹ năng hóa giải các tình huống sư phạm xảy ra trong quá trình đứng lớp. Dự giờ, góp ý cũng là một nghệ thuật, một xử sự tế nhị, bao dung, thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng sống của bản thân. Những gì cần góp ý thì mình chọn lọc, không nên “cái bé xé ra to” và cũng không nên vì một vài cái chưa được mà phủ nhận sự cố gắng của người dạy. Dự giờ, góp ý làm sao để mọi người càng hiểu nhau hơn, càng nâng cao chất lượng giảng dạy, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ của mình. Dự giờ càng tiếp thêm tinh thần đoàn kết, cùng gắn bó trong môi trường sư phạm; làm cho không khí học tập, giảng dạy luôn sinh động, luôn đầy niềm vui của sự nghiệp “trồng người”.

Hng Lam Sơn

Bình luận (0)