Hai người bạn cùng làm chung cơ quan, cùng đi du học bằng ngân sách Nhà nước, cùng ở chung phòng… Chẳng ai trong số họ biết rằng vài năm sau, lại cùng đứng đối diện nhau trước tòa.
Cả hai người đều đã cùng đi tu nghiệp Australia bằng ngân sách Nhà nước và đều làm việc tại Bưu điện TP.HCM.
Tuy nhiên, anh Hưng là người đại diện của cơ quan đi đòi nợ. Còn anh Minh thì “đứng đầu bên kia” của phiên tòa vì đã viết đơn xin thôi việc.
Tuy nhiên, anh Hưng là người đại diện của cơ quan đi đòi nợ. Còn anh Minh thì “đứng đầu bên kia” của phiên tòa vì đã viết đơn xin thôi việc.
Ra tòa thì sao?
Anh Minh khăng khăng xin thôi việc. Còn Bưu điện TP.HCM – nơi anh Minh làm việc – kiên quyết thu hồi kinh phí đào tạo. Trước khi sử dụng kinh phí nhà nước tu nghiệp nước ngoài, anh Minh đã ký một bản cam kết ràng buộc cùng đơn vị chủ quản Bưu điện TP.HCM.
Ngặt nỗi, cam kết chỉ nói chung chung về thời gian phải về Việt Nam làm việc “trả nghĩa”, và nếu “nửa đường đứt gánh” thì phải bồi hoàn kinh phí.
Sau những đợt tranh biện tốn kém thời gian của cả hai phía, cuối cùng tòa đi đến thỏa thuận: Anh Minh trả mỗi tháng 10 triệu đồng cho đến khi nào hết khoản kinh phí mà anh đã được hỗ trợ thì thôi.Kinh phí này dự kiến khoảng 600 triệu đồng.
Kết luận này đưa ra sau khi anh Minh nêu ra những khó khăn về gia cảnh, thu nhập hàng tháng, chi phí thường nhật… Đề xuất mức “trả góp” của anh Minh đã được tòa chấp nhận.
Anh Minh sau đó nhanh chóng tìm được công việc ở một công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và… thong dong trả nợ.
15 năm, còn gì là xuân?
LHS 322 năm 2009. Trong số này, bao nhiêu người sẽ quay lại làm việc trong các cơ quan Nhà nước? Ảnh: Phương Hiền
|
Câu chuyện của anh Minh trở thành “kinh điển” cho những ai đang cân nhắc việc sử dụng kinh phí nhà nước đi tu nghiệp nước ngoài.
Nhiều người cũng nói rằng, thời điểm ấy, Bưu điện TP.HCM “làm điểm” vụ này, vì nhiều nhân sự tu nghiệp về cũng đang "nhấp nhỏm" ra đi.
Anh Tạ, học MBA về quản trị tại Singapore thì kể: “Khi sang Singapore, tôi mới nghe anh em kể về chuyện này. Tôi biết có một số người đã quyết định “liều”, cứ xài kinh phí nhà nước đi học trước đã. Cam kết thì cũng cam kết. Nhưng tôi biết họ sẽ không quay về làm trong cơ quan nhà nước đâu”.
Anh Tạ đã từng đứng trước một cơ hội như vậy. Nhưng anh chọn cách khác.
Anh chấp nhận đền kinh phí khóa học tiếng Anh cho cơ quan, kiên quyết xin nghỉ việc và đi học bằng kinh phí tự túc.
Anh nói: “Lúc ấy, đơn giản là tôi chỉ ngại những ràng buộc sau này. Về sau, cũng có lúc tôi nghĩ mình nên liều trước, rồi về nước xoay sở sau”.
Anh Tạ nói thêm: “Các công ty nước ngoài, khi bỏ kinh phí ra đào tạo nhân sự, cũng chỉ đòi hỏi mức cống hiến tối đa là 5 năm cho công ty. Cơ quan chủ quản của tôi khi ấy yêu cầu 15 năm làm việc sau khi đi học nước ngoài về. 15 năm? Còn gì là xuân!”
Tiền trả, tình đành nợ?!
Trở lại câu chuyện của anh Minh.
Cả anh Minh và anh Hưng đều quay về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp. Nhưng lại chỉ anh Hưng được thăng tiến. Ghế ngồi thì ít, người muốn ngồi thì đông. Mòn mỏi chờ đợi, uể oải làm việc, tinh thần xuống, anh Minh suy nghĩ "nát óc" mới quyết định xin nghỉ việc.
“Thực ra, tôi cũng chẳng muốn phải đi đến cái cảnh này” – Anh Minh nói.
“Thực ra, tôi cũng chẳng muốn phải đi đến cái cảnh này” – Anh Minh nói.
Trường hợp khác, năm 1990, một giảng viên Trường Đại học Cần Thơ đi tu nghiệp tại Hà Lan bằng tiền Nhà nước.
Sau đó, anh nhận tiếp một học bổng khác của trường đại học, và đủ sức đưa cả gia đình sang Hà Lan.
Học xong thạc sỹ, nhờ giỏi giang, anh lại nhận tiếp một học bổng tiến sỹ tại Mỹ. Thế là cả gia đình qua Mỹ. Lấy bằng cấp xong, anh làm việc tại NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ). Suốt 7 năm làm việc tại đây, anh không được phép về Việt Nam. Sau khi nghỉ ở NASA, 2 năm sau, anh mới về được thăm nhà. Đến lúc này, chẳng thấy ai đòi kinh phí đào tạo.
Câu chuyện tưởng chẳng ăn nhập gì với chủ đề bài viết. Nhưng ngẫm lại, thấy nhiều điều để nghĩ.
***(Các nhân vật trong bài đã được đổi tên)
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Đề án đào tạo 50 cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài có trình độ sau đại học của tỉnh (40 thạc sĩ và 10 tiến sĩ) giai đoạn 2006-2011 vẫn chưa khởi động được. Nguyên nhân chính là tỉnh gặp khó khăn về ngân sách, chưa cân đối được kinh phí để thực hiện đề án”.
Để khắc phục, UBND tỉnh Bến Tre kêu gọi sự đóng góp từ phía người tham gia đào tạo theo tỷ lệ: ngân sách địa phương chi 50%, người học đóng góp 50%. Tuy nhiên, giải pháp này không khả thi vì đa số ứng viên là cán bộ, công chức thu nhập chính từ lương nhà nước hoặc là con em của gia đình cán bộ, công chức, gia đình diện chính sách, mức đóng góp 50% kinh phí (khoảng 20.000 USD) vượt quá khả năng của ứng viên cũng như gia đình họ. Vả lại, sau khi học xong, trở về phục vụ tại các cơ quan nhà nước, với mức lương như hiện nay sẽ khó hoàn trả lại kinh phí đã đóng góp. (Theo Báo Cần Thơ)
|
Nguyễn Bằng /Vietnamnet
Bình luận (0)