Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Du học cần sự định hướng nghiêm túc

Tạp Chí Giáo Dục

Mặt trái của du học có rất nhiều câu chuyện buồn mà ít ai nhắc đến vì không ai muốn xoáy sâu vào nỗi đau của những người thất bại. Nhưng chính những trường hợp đau lòng này lại có ý nghĩa cảnh tỉnh tức thì dành cho các bậc làm cha mẹ nhìn nhận lại bản thân mình.

Phụ huynh thực hiện bài trắc nghiệm định hướng ngành nghề để cùng thống nhất ngành học cho con tại Kent International College

Tâm lý hướng ngoại theo số đông

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 130.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài. Ngày càng có nhiều người nộp đơn xin theo học tại các trường ĐH ở Mỹ, Úc, New Zealand, Anh… Làn sóng du học này đã thúc giục suy nghĩ của các bậc cha mẹ quyết tâm “hy sinh đời bố, củng cố đời con” để con phải được đi nước ngoài du học. Trong một lần trò chuyện cùng giám đốc một công ty du học nổi tiếng tại quận 5 (TP.HCM), chúng tôi được anh cho biết: “Tôi đã từng tiếp chuyện với một em sinh viên bỏ dở việc học tại Mỹ. Thời điểm đó, du học Mỹ là thần tượng của rất nhiều người nên cha mẹ em mặc định rằng ai du học Mỹ trở về cũng đều rất thành công. Gia đình đã “thắt lưng buộc bụng” cho em sang Mỹ học ngành quản trị nhà hàng khách sạn. Mọi chuyện không có gì đáng tiếc nếu em có sự chuẩn bị tốt về ngoại ngữ và kỹ năng sống. Em đã không thể vượt qua cú sốc văn hóa và bất đồng về ngôn ngữ, dẫn đến điểm tích lũy quá thấp. Em bị buộc phải quay về nước trước khi khóa học kết thúc, em không biết phải đối diện với gia đình ra sao và rơi vào trạng thái trầm cảm”. Vị giám đốc này cho biết thêm, hệ lụy của việc cha mẹ cho con du học theo tâm lý hướng ngoại còn kéo theo nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì phải vay mượn số tiền lớn để làm hồ sơ du học và đóng các khoản học phí, phí sinh hoạt, bảo hiểm sinh viên quốc tế… Phân tích vấn đề một cách khách quan, những trường hợp du học thất bại không phải lỗi hoàn toàn thuộc về các em, chính tâm lý “cạnh tranh du học”, nôn nóng cho con du học càng sớm càng tốt của cha mẹ đã khiến các em rơi vào trạng thái bị động, không đủ kiến thức và kỹ năng để chống chọi lại cuộc sống khắc nghiệt nơi xứ lạ.

Nuông chiều con quá mức

Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế tất yếu sẽ nghĩ đến việc cho con đi du học. Song hành với tình yêu thương, cha mẹ thường thỏa hiệp trước những yêu cầu của con mà không xét đến tính khả thi. Chị H.N. (ở quận 3) chia sẻ, gia đình chị có hai đứa con, đứa lớn nài nỉ du học Úc ngành kế toán và tài chính. Thấy con có chí hướng học hành, chị rất vui mừng và chấp nhận ngay. Được 6 tháng, do là con trai, không có ai quản lý nên mải chơi bời, học thì ít, quậy phá thì nhiều, con chị bị buộc thôi học. Trở về, cháu hứa hẹn sẽ học tập đàng hoàng, không để gia đình lo lắng nữa. Chị lại đầu tư cho cháu sang học ngành kinh tế tại New Zealand. Do gia đình bảo bọc từ nhỏ, cộng với kỹ năng sống chưa tốt nên cháu cũng lại bỏ ngang việc học. Thương con, chị gọi con về và tìm một nghề gì đó trong khả năng cho học. “Bằng tuổi cháu, bạn bè đều đã tốt nghiệp ĐH và rục rịch đi làm, trong khi cháu thì mải ham chơi nên trắng tay. Tôi rất hối hận vì quá chiều chuộng con nên từ đầu đã không tính toán kỹ khi cháu đòi đi du học”, chị H.N. xót xa tâm sự. 

Quả thực, còn rất nhiều trường hợp điển hình các em dựa vào lý do gia đình dư dả mà xem nhẹ việc du học như những chuyến du lịch xa nhà và phung phí tiền bạc của cha mẹ. Tuổi trẻ là thời gian quý báu của đời người, một khi đã qua đi thì sẽ không bao giờ trở lại. Cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng tính hiệu quả khi nghĩ đến việc cho con đi du học. Trường hợp không an tâm, cha mẹ có thể cho con theo học các chương trình cử nhân quốc tế tại Việt Nam vài năm trước khi đủ trưởng thành để du học xa nhà. 

Ngộ nhận về thực lực của con

Như đã đề cập ở trên, mặt trái của tình thương từ cha mẹ không chỉ khiến con ỷ lại mà còn làm cha mẹ đánh giá sai về con người của con. Các bậc cha mẹ thường hình dung về tính cách, thực lực của con dựa trên cảm tính và kinh nghiệm sống của mình. Qua một cuộc khảo sát trên gần 1.000 phụ huynh có con đang học lớp 12, phụ huynh và học sinh được mời thực hiện bảng trắc nghiệm ngành nghề với mục đích đánh giá mức độ hiểu biết của cha mẹ đối với con cái. Kết quả, nhiều bậc cha mẹ đã ngỡ ngàng và sốc vì kết quả đối chiếu chứng minh họ hiểu sai suy nghĩ và sở thích của con dù hàng ngày vẫn sống chung một mái nhà. Một người cha cứ đinh ninh suốt thời gian dài con trai mình thích học các ngành liên quan kỹ thuật, tuy nhiên chính con lại bộc lộ niềm hứng thú đặc biệt đối với các môn học về xã hội. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, trong xã hội hiện đại, cha mẹ và con cái rất khó tìm thấy tiếng nói chung. Mệnh lệnh hay uy quyền không có tác dụng cải thiện mối quan hệ tốt lên, chỉ khi cha mẹ “hạ mình” trong vai trò người bạn, người đi trước chia sẻ kinh nghiệm sống với con thì mới có thể dần thu hẹp khoảng cách giữa hai thế hệ. Một khi con thoải mái bộc lộ cá tính, năng lực, ước mơ ấp ủ chưa bao giờ dám nói thì đó là lúc cha mẹ nhìn rõ nhất con người sâu thẳm bên trong đứa con thân yêu của mình và cùng con chọn lựa ngành nghề du học phù hợp nhất với bản thân. 

Vào 8 giờ, ngày 16-4, Kent International College (Kent Việt Nam) sẽ tổ chức buổi chia sẻ “Định hướng cho phụ huynh có con sắp du học nước ngoài” với sự tham gia của một số ban đại diện cha mẹ học sinh trường chuyên tại TP.HCM. Quý phụ huynh sẽ có cơ hội tìm hiểu về các chương trình quốc tế học tại Việt Nam và nước ngoài, cơ hội làm việc và định cư tại Úc, Anh quốc… Chương trình diễn ra tại 219 – 221 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Đăng ký nhanh qua hotline 0938 762 456 để Ban tổ chức thuận tiện bố trí chỗ ngồi.

Để việc du học đạt hiệu quả và mang vinh quang về cho con cái, các bậc cha mẹ dành thời gian tìm hiểu những vấn đề trên và lên kế hoạch chuẩn bị trong khoảng thời gian nhất định để con cảm thấy tự tin vào bản thân mình khi học tập cùng sinh viên quốc tế.

N.Mai

Bình luận (0)