Dù ngôn ngữ để du học là tiếng Anh, nhưng việc học thêm ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Anh sẽ có nhiều lợi ích trong quá trình du học cũng như trong công việc sau này của các bạn trẻ.
Tiếng Anh không phải duy nhất
Sẽ thật may mắn nếu bạn đi du học ở một đất nước sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ phổ biến. Tuy nhiên, ngoài các nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa thì người dân ở các quốc gia khác vẫn dùng ngôn ngữ mẹ đẻ dù tiếng Anh ở đất nước họ có phổ biến đến đâu chăng nữa. Ông Muthu, quản lý nhà hàng SaiGon Indian, từng chia sẻ dù tiếng Anh được sử dụng phổ biến ở Ấn Độ nhưng người Ấn vẫn thường nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của mình, thậm chí nhiều người không biết một từ tiếng Anh. Vì thế, nếu chỉ biết tiếng Anh, các sinh viên và thực tập sinh quốc tế (nhất là ở lĩnh vực nhà hàng khách sạn) sẽ bị thiệt thòi rất lớn vì giảng viên, đầu bếp người Ấn vẫn trao đổi với nhau bằng tiếng địa phương.
Trên thực tế, dù tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, được sử dụng toàn cầu nhưng không phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Người dân nước Anh vẫn phải tìm học một ngoại ngữ khác để giao tiếp và làm việc trong môi trường quốc tế. Theo thống kê mới đây của UNESCO, 10 ngôn ngữ có nhiều người nói nhất trên thế giới (tính theo số dân bản địa nói ngôn ngữ đó) là tiếng Trung quan thoại (ngôn ngữ chuẩn của Trung Quốc), Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Ả Rập, tiếng Bengal, tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nhật và tiếng Đức. Vì vậy, nếu chỉ biết một ngoại ngữ duy nhất là tiếng Anh, du học sinh sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội trong giao tiếp, học tập và làm việc tại xứ người bởi biết ngôn ngữ của người bản xứ là cách nhanh nhất để hòa nhập cuộc sống. “Ngôn ngữ sử dụng trong các trường ĐH có sinh viên quốc tế tại Pháp vẫn là tiếng Anh. Tiếng Anh vẫn được sử dụng phổ biến tại Pháp nhưng bạn sẽ không thể ở homestay với giá rẻ hoặc được chủ nhà giúp đỡ tận tình nếu không biết nói tiếng Pháp vì chủ của những căn nhà cho thuê giá rẻ đa phần không biết… tiếng Anh. Các khu chợ, khu mua sắm giá rẻ cũng ít người biết tiếng Anh, vì vậy sinh viên quốc tế nếu không biết tiếng Pháp sẽ phải mua sắm đồ dùng với giá đắt”, bạn Hồ Mỹ Trang, cựu du học sinh tại Pháp, chia sẻ.
Ngoài tiếng Anh, du học sinh nên học thêm một ngoại ngữ khác để nâng cao các kỹ năng |
Ngoài ra, Mỹ Trang cũng cho biết thêm, nếu du học ở các nước châu Âu, nhất là những nước thuộc khối EU thì việc sử dụng đa dạng các ngôn ngữ là một yếu tố thuận lợi. Nếu có nền tảng tiếng Anh, việc học thêm các ngôn ngữ thuộc hệ Latin không khó như nhiều người vẫn tưởng. “Số lượng từ vay mượn của tiếng Pháp trong tiếng Anh khoảng 26-29%. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp thu vì luôn cảm thấy quen thuộc. Tương tự, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý cũng có nhiều từ mượn “gốc” tiếng Anh nên các ngôn ngữ thuộc hệ Latin này sẽ bổ trợ cho nhau, khiến cho độ khó giảm dần và người học cũng cảm thấy thú vị”, Mỹ Trang nói.
Ít người chịu học
Dù việc học thêm một ngoại ngữ, nhất là ngôn ngữ của nước sở tại rất được khuyến khích nhưng rất ít người chịu học. “Giáo sư hướng dẫn từng nhiều lần khuyên tôi học thêm tiếng Đức vì ở đây sinh viên quốc tế sẽ được học miễn phí, được chính quyền trả học phí và sẵn sàng tạo điều kiện làm việc sau khi ra trường nếu thông thạo tiếng Đức. Tuy nhiên, lời khuyên này bị rất nhiều người từ chối vì suy nghĩ trước sau gì cũng về Việt Nam, học tiếng Đức thì về Việt Nam cũng không dùng được. Trên thực tế, tiếng Đức được sử dụng rất phổ biến ở châu Âu và cũng là ngôn ngữ thứ 3 được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới sau tiếng Anh và tiếng Hoa. Biết tiếng Đức không những dễ dàng tiếp cận văn hóa và đời sống thực tiễn của nước Đức mà còn tạo cơ hội kinh doanh, thương mại với các nước châu Âu cho chính mình sau này, nhất là khi Đức là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu hiện nay”, bạn Việt My, một nghiên cứu sinh tại Đức, nhìn nhận.
Không chỉ riêng tiếng Đức, nhiều sinh viên Việt Nam cũng từ chối cơ hội học ngôn ngữ của nước sở tại dù rất được nhà trường tạo điều kiện. Phạm Thị Hải Yến, cựu sinh viên Trường ĐH Cao Hùng (Đài Loan), cho biết trong trường có thành lập một câu lạc bộ dạy tiếng Trung cho sinh viên quốc tế nhưng có rất ít sinh viên Việt Nam tham gia. “Nhiều bạn dù học tại trường 3 năm rồi nhưng vẫn không biết vài câu giao tiếp cơ bản. Có bạn quên chìa khóa phòng liền cầm tay chủ nhà đến cửa phòng, dùng cử chỉ và nói “door, door, please!”. Dù hiểu ý bạn đó muốn gì nhưng chủ nhà không khỏi phật ý khi bị nhờ vả một cách lỗ mãng như vậy”, Hải Yến nhớ lại.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Nếu du học ở các nước châu Âu, nhất là những nước thuộc khối EU thì việc sử dụng đa dạng các ngôn ngữ là một yếu tố thuận lợi. |
Bình luận (0)