Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Du học chuyển tiếp “lên ngôi”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiện nay du học chuyển tiếp đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam và thu hút được sự quan tâm của nhiều học sinh – sinh viên, đặc biệt là các bậc phụ huynh.

Mở ra nhiều cánh cửa

Mô hình du học chuyển tiếp đang dần mở ra nhiều cơ hội để người học được “du học trong nước” và sau đó chuyển tiếp sang trường ĐH tại nước ngoài để hoàn thành chương trình học. Theo đó, sinh viên có thể “chạm tay” vào cánh cửa du học thuận lợi hơn sau khi hoàn thành 1 đến 2 năm học ĐH ở Việt Nam. Khi đó, người học chỉ cần liên hệ trường hoặc trung tâm tư vấn để biết được bao nhiêu tín chỉ đã học ở Việt Nam được các trường nước ngoài công nhận. Từ đó sinh viên chỉ cần hoàn thành những tín chỉ còn lại và tốt nghiệp với tấm bằng của trường nước ngoài cấp. Với những ưu điểm riêng, mô hình này đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam. Hiện tại, có nhiều hình thức du học chuyển tiếp như 1+3, 2+2, 3+1 đang được áp dụng. Trong đó, mô hình 2+2 đang được đánh giá là cân bằng nhất.

HS Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) đang tìm hiểu về hình thức du học chuyển tiếp 2+2 (ảnh do Viện Đào tạo Quốc tế IEI cung cấp)

TS. Trương Quang Được, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế (IEI) – ĐHQG TP.HCM, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết: “Với hình thức du học chuyển tiếp, gia đình có thể yên tâm hơn vì con em mình đã có sự trưởng thành, cứng cáp hơn trước khi ra nước ngoài học tập. Khi đó, các em cũng đã được trang bị về mặt kiến thức, kỹ năng vững vàng hơn, có thể chịu được những khó khăn, căng thẳng của cuộc sống xa gia đình. Hai năm học ở Việt Nam thật sự là bước đệm để các em có thể trang bị cho mình những điều cần thiết trước khi đi du học chính thức tại nước ngoài. Qua đó, các em sẽ có nhiều kinh nghiệm để tự điều chỉnh bản thân mình”.

Với hình thức du học chuyển tiếp, trong thời gian học tập ở Việt Nam, sinh viên có cơ hội được làm quen với cách học và làm việc mới, nâng cao kỹ năng ứng xử, thuyết trình, giao tiếp thông qua việc tiếp xúc thường xuyên với các giảng viên nước ngoài, các bạn bè quốc tế qua các dự án nghiên cứu hoặc các chương trình trao đổi và cả cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp. Chính điều này sẽ tạo cho sinh viên tâm lý tự tin, chủ động hơn trong quá trình học, mở ra nhiều cánh cửa cho các em khi tiếp xúc với môi trường học ở nước ngoài.

Cần có sự đầu tư kỹ

Cần tìm hiểu kỹ thông tin

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, mô hình du học chuyển tiếp hiện nay là một phương pháp có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, khi tham gia bất kỳ một chương trình du học chuyển tiếp nào, người học cũng cần phải có sự tìm hiểu kỹ về thông tin để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cho con đi du học của các gia đình ở Việt Nam là rất lớn. Nhiều gia đình gặp trở ngại về kinh tế nhưng vẫn mong muốn cho con mình được đi du học. Hơn ai hết, mỗi cá nhân học sinh – sinh viên khi quyết định con đường du học cần phải có sự chuẩn bị tâm lý vững vàng, có sự đầu tư kỹ lưỡng để không gặp nhiều trở ngại trong quá trình học. Nguyễn Ngọc Trâm, cựu sinh viên chương trình cử nhân quốc tế 2+2 tại IEI (theo học chuyên ngành tài chính – kế toán của ĐH Houston Clear Lake, Mỹ) – Trâm từng được vinh danh là một trong những sinh viên xuất sắc toàn nước Mỹ, chia sẻ về quá trình đi du học theo mô hình chuyển tiếp: “Thời gian học hai năm ở Việt Nam trước khi qua Mỹ, tôi đã có điều kiện được làm quen với cách học mới, tạo dựng phương pháp học tập hiệu quả cho bản thân trước khi chuyển tiếp qua giai đoạn 2. Chính sự năng động, tham gia các hoạt động ngoại khóa đã giúp tôi tự tin hơn, dễ kết bạn hơn khi bước chân vào môi trường mới. Khi vừa qua Mỹ, tôi đã rất bối rối nhưng sau đó đã nhanh chóng điều chỉnh, phân phối thời gian hợp lý để vừa đảm bảo việc học, vừa đi làm thêm để bớt gánh nặng về chi phí”.

Thực tế cho thấy đã có rất nhiều sinh viên đạt kết quả cao khi đi du học bằng hình thức du học chuyển tiếp. Chương trình liên kết tạo điều kiện cho sinh viên được học tập trong môi trường quốc tế và bằng cấp được công nhận toàn cầu với mức chi phí hợp lý. Sự đầu tư nỗ lực, nghiêm túc của mỗi cá nhân trong quá trình học tập, rèn luyện chính là yếu tố tiên quyết để có thể bắt kịp phương pháp học tự chủ, đáp ứng yêu cầu của trường đối tác khi chuyển tiếp. Lứa tuổi 20-23 đã có sự trưởng thành hơn về suy nghĩ, lối sống sẽ giúp các em đứng vững trước những khó khăn, áp lực khi sống xa gia đình. Đó cũng là lý do nhiều gia đình yên tâm khi quyết định cho con mình du học chuyển tiếp.

Bài, ảnh: Yên Hà

Tiết kiệm chi phí đáng kể

Hiện nay có rất nhiều trường ĐH tại Việt Nam thiết kế chương trình du học 2+2. Theo đó, với lựa chọn du học 2+2, các gia đình có thể tiết kiệm 60.000 đến 80.000 USD trong hai năm cho con theo học tại Việt Nam với chi phí học chỉ từ 6.000-8.000 USD/năm, thấp hơn 5-6 lần nếu học tại Mỹ. Lựa chọn hình thức du học chuyển tiếp ở nhiều nước khác như Canada, Úc, Singapore cũng là cách tiết kiệm chi phí không hề nhỏ so với mức thu nhập của các gia đình Việt. Chị Hoàng Anh (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết: “Bất kỳ phụ huynh nào cũng có tâm lý lo lắng khi cho con mình ra nước ngoài học, đặc biệt là khi các cháu chỉ vừa tốt nghiệp THPT. Tôi chọn hình thức du học chuyển tiếp cho con mình một phần để tiết kiệm bớt chi phí, một phần để cháu có thời gian chuẩn bị kỹ hơn trước khi sống xa gia đình”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)