Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Du học: Đừng đi bằng mọi giá

Tạp Chí Giáo Dục

Điều đáng nói là bất chấp mức học phí, sinh hoạt phí ngày một leo thang, số lượng du học sinh Việt Nam tại các quốc gia phát triển vẫn tăng vọt trong vài năm gần đây.

Việt Nam hiện có hơn 130.000 du học sinh, xếp thứ 2 tại Nhật Bản, thứ 3 tại Úc, nằm trong top 10 những quốc gia có nhiều du học sinh tại Mỹ…

Coi chừng… gãy gánh

Trong một hội thảo về du học Mỹ mới diễn ra tại TP.HCM, một phụ huynh chia sẻ khó khăn trong vấn đề chứng minh tài chính khi cho con đi du học như sau: “Gia đình tôi chỉ buôn bán nhỏ nên không có tài sản tích lũy nhiều, nhưng căn nhà gia đình đang ở có giá trị khá lớn. Tôi sẵn sàng bán nhà để trả tiền cho con trong trường hợp gia đình hết khả năng chi trả”. Nghe tới đây, bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, đã ngăn cản: “Chúng tôi không khuyến khích quý vị phải bán nhà để lo cho con đi học. Nếu gặp trở ngại về tài chính, quý vị nên chọn một hình thức giáo dục khác, không nhất thiết phải du học bằng mọi giá. Và sự thay đổi đó cũng sẽ hạn chế được những rủi ro sau này”.

Rất đông học sinh tham gia một chương trình tư vấn du học tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: T.L

Lời khuyên của bà Rena Bitter không phải là thừa, khi số lượng du học sinh Việt Nam vẫn tăng theo cấp số nhân mỗi ngày và có tới 90% trong số này là du học tự túc.

Muốn cho con đi du học, vấn đề chứng minh tài chính là chuyện bắt buộc để quyết định việc được đi hay từ chối. Số tiền tích lũy trong tài khoản ngân hàng (sổ tiết kiệm) là một trong những yêu cầu cần phải thực hiện để chứng minh tài chính. Theo đó, số tiền này phải nhiều hơn tổng khoản chi phí ước tính cho 1-2 năm du học đầu tiên. Mỗi quốc gia sẽ có yêu cầu khác nhau về thời gian gửi tiền tiết kiệm như Úc yêu cầu số tiền tiết kiệm phải gửi trước tối thiểu 3 tháng; Anh và New Zealand yêu cầu phải gửi tối thiểu 6 tháng… Nếu tính tổng các chi phí thì sổ tiết kiệm phải có ít nhất 500-700 triệu đồng, một số tiền không nhỏ với những gia đình thuộc dạng bình dân tại Việt Nam. Chị Lê Vân Giang (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi chỉ là viên chức với tổng thu nhập (của hai vợ chồng) 18 triệu/tháng. Số tiền đó để lo cho hai đứa con ăn học ở thành phố lớn đã rất chật vật. Nhưng vì con gái thích du học ở Phần Lan nên tôi phải vay mượn người thân ở quê 500 triệu đồng gửi tiết kiệm trong thời gian 1 năm. Sau khi con đi du học, tôi ra ngân hàng rút tiền gửi trả lại mọi người, còn bản thân thì nhận dạy kèm cho mấy đứa trẻ gần nhà, thắt chặt chi tiêu để có tiền gửi cho con đi học”.

Thống kê mới đây của Ngân hàng HSBC toàn cầu cho thấy, những phụ huynh ở châu Á có ý định cho con em đi du học ở Úc, Mỹ, Anh cần lên kế hoạch chi trả mức chi phí trung bình 30.000-38.000 USD/năm; ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore, Đài Loan là 20.000 USD/năm… Nếu không thuộc vào hàng khá giả với mức thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng, con cái không chịu đi làm thêm phụ giúp bố mẹ trong quá trình học, phụ huynh Việt Nam chỉ còn nước “nai lưng” ra trả những khoản tiền vay mượn để con không bị “gãy gánh” đường học hành.

Du học không phải là “cuộc dạo chơi”

Nói về vấn đề du học, các trung tâm tư vấn thường tô vẽ rất nhiều về quốc gia và nền giáo dục mà các em muốn “trao thân gửi phận”. Trên thực tế, các quốc gia này không phải lúc nào cũng ngập “màu hồng” như chúng ta vẫn tưởng. Chị Võ Thị Minh Huệ (một phụ huynh tại TP.HCM có con du học ở Mỹ) chia sẻ: “Chúng ta đừng nghĩ khi cho con du học là an toàn tuyệt đối. Nhiều người bây giờ coi du học là một giải thoát khỏi môi trường phức tạp ở Việt Nam, để con tránh xa những bạn bè có tư tưởng xấu. Trên thực tế, nếu con bạn không có lập trường vững vàng trước những cám dỗ, không chuẩn bị tâm lý cho con trước những tình huống xấu thì đừng cho con đi du học. Một đứa trẻ khi thoát ra khỏi vòng tay của bố mẹ, chúng sẽ nghĩ mình được tự do, sẽ tự thử sức và dễ mềm lòng với những gì chúng tiếp xúc. Vì thế, đừng ngạc nhiêu khi nhiều đứa trẻ đi du học lại sinh tật khi bước ra thế giới bên ngoài”.

Ở góc độ giáo dục, ông Nguyễn Vũ Hải (Viện Nghiên cứu giáo dục – Ired) cho biết: Du học sinh không phải em nào cũng học và học được. Với những bạn trẻ quen với lối giáo dục truyền thống ở Việt Nam kiểu “thầy dạy gì biết nấy” sẽ rất khó để thích nghi và theo kịp với môi trường giáo dục ở các nước phát triển. “Ở các nước phát triển, sinh viên phải chủ động trong học tập và nghiên cứu, phải tự tìm hiểu bài trước khi đến lớp. Tại các giảng đường, thầy giáo sẽ không nói lại những điều đã có trong bài học mà chỉ giải đáp cho sinh viên những thắc mắc vốn không có trong bài. Nếu không chủ động thay đổi phương pháp và thái độ học tập, du học sinh sẽ rất khó để nhận bằng tốt nghiệp ở những trường mà mình theo học”, ông Hải khẳng định.

Ngọc Anh

“Với những bạn trẻ quen với lối giáo dục truyền thống ở Việt Nam kiểu “thầy dạy gì biết nấy” sẽ rất khó để thích nghi và theo kịp với môi trường giáo dục ở các nước phát triển”, ông Nguyễn Vũ Hải (Viện Nghiên cứu giáo dục – Ired) nói.

Bình luận (0)