Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Du học: Không phải là phao cứu sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Khi không vào được trường ĐH theo ý muốn, thí sinh đã tính đến chuyện du học như một giải pháp giải thoát cho sự thất vọng.

Tuy nhiên, du học không phải lúc nào cũng là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết những vướng mắc hay thỏa mãn những khát khao được thay đổi bản thân. Nếu không tìm hiểu và chuẩn bị chu đáo, đây sẽ là bài học đau đớn và tốn kém cho những ai quá vội vàng.

Đừng vội tin vào “bánh vẽ”

Đây là thời điểm nhiều trung tâm tư vấn du học lôi kéo thí sinh. Chỉ cần liên hệ với các trung tâm này, thí sinh sẽ được hướng dẫn tìm hiểu cặn kẽ nhiều chương trình du học phù hợp với các thủ tục khá đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, theo Lê Ngọc Chiến (cựu sinh viên ngành tài chính kinh doanh quốc tế của ĐH Umass Dartmouth, Mỹ): Việc du học không hề đơn giản như thế. Đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH đều đã đóng danh sách sinh viên theo diện nhận học bổng, hoặc nếu còn thì số tiền học bổng không đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn phải tự túc toàn bộ chi phí ăn ở, học hành ở một đất nước xa lạ và có mức sống đắt hơn Việt Nam. Chỉ tính riêng học phí, bạn sẽ tốn khoảng 27.000 USD/năm nếu du học ở Mỹ, Anh; 10.000-20.000 USD/năm nếu du học ở Úc; 9.000 USD/năm nếu du học ở Singapore. Các nước châu Âu tuy không phải đóng học phí (hoặc nếu có thì rất ít) nhưng thời điểm này không còn nhận sinh viên. Chi phí sinh hoạt ở những nước này khoảng 1.000-1.200 USD/tháng nếu thực sự tiết kiệm. Đó là chưa kể đến khoản tiền chứng minh thu nhập khi khai hồ sơ xin visa du học theo yêu cầu của mỗi quốc gia. Nếu không thuộc hàng khá giả, sẽ có rất ít gia đình xoay xở được khoản tiền lớn như vậy để cho con du học theo diện tự túc.

Học sinh tìm hiểu thông tin du học tại Malaysia

“Các trung tâm tư vấn du học sẽ động viên rằng bạn có thể tự trang trải kinh phí bằng khoản tiền làm thêm với thu nhập từ 9-15 USD/giờ. Nhưng hãy hỏi những du học sinh đã từng kinh qua các công việc làm thêm sẽ biết được giá trị của những giọt mồ hôi đổ trên xứ người. Nếu bạn đã biết được sự tính toán trong kinh doanh, tính kỷ luật và sự nghiêm khắc của các ông chủ người nước ngoài thì sẽ hình dung ra mức độ làm việc của các bạn ấy như thế nào. Lấy được đồng tiền từ các ông chủ không hề dễ, nhất là khi bạn mới chân ướt chân ráo qua xứ người còn thiếu nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Bạn của tôi từng bị “quỵt” tiền, bị trừ tiền lương vì một vài lý do nào đó hoặc trả tiền công với giá rẻ mạt. Và một khi đã lao vào việc kiếm tiền để trang trải chi phí, học phí thì bạn sẽ không còn thời gian để quan tâm tới chất lượng học của mình nữa, thậm chí là sẽ bỏ bê và rơi vào vòng luẩn quẩn mà quên mất mục đích ban đầu là sang đây để học”, Chiến chia sẻ.

Cần sự chuẩn bị lâu dài

Hồ Thị Minh Trang (du học sinh tại Pháp) khẳng định: Ngoài những rào cản ban đầu về ngôn ngữ, văn hóa, ăn uống…, sự cám dỗ tiếp theo mà nhiều bạn phải vượt qua là lối sống phóng khoáng của người nước ngoài. “Đó là những cám dỗ từ ma túy, những bữa tiệc thâu đêm… Tuổi mới lớn, lại mới xa gia đình, nhiều bạn sẽ dễ sa ngã vào vòng vây này nếu không đủ bản lĩnh vượt qua. Tôi từng biết vài bạn phải vào bệnh viện để phá thai, bị gia đình sang tận nơi đưa về vì nghiện ngập. Du học phải là một quá trình chuẩn bị lâu dài cả về năng lực, tiền bạc lẫn vốn sống. Thay vì du học ở thời điểm này, bạn nên dừng lại để tìm hiểu và chuẩn bị chu đáo. Đừng đi quá vội vàng, nếu không, bạn sẽ vấp ngã ngay từ những bước đi đầu tiên”, Minh Trang khuyên.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Đừng để “tiền mất tật mang”

Vũ Tuấn Minh (sinh viên Trường ĐH McMaster, Canada) cho rằng ở những quốc gia coi giáo dục cũng là một sản phẩm kinh doanh như Úc, Mỹ, Canada… thì việc bạn được khuyến khích du học dù học lực chỉ đạt trung bình cũng là điều… dễ hiểu. Khi du học theo diện này, bạn sẽ được các trung tâm tư vấn du học giới thiệu học bổng chương trình học tiếng Anh, khi hoàn thiện sẽ vào tiếp các lớp học dự bị ĐH và… tạm dừng chân ở đó. “Các lớp học dự bị ĐH được giải thích là để giúp sinh viên quốc tế hoàn thiện những kỹ năng, ngôn ngữ, đáp ứng những yêu cầu đầu vào của các trường ĐH. Lớp học này thường kéo dài từ 9 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều bạn sẽ học lâu hơn do các môn học bổ sung theo ngành học khá nhiều, nhưng chủ yếu là do tiếng Anh không đáp ứng được yêu cầu đầu vào của các trường ĐH. Do đó, đã có rất nhiều sinh viên quốc tế du học theo diện này phải chuyển sang học CĐ cộng đồng hoặc chấp nhận trầy trật với các khóa học (mà chủ yếu là tiếng Anh) để chạm tới cánh cổng ĐH. Đã có rất nhiều sinh viên phải bỏ cuộc giữa chừng, quay về nước và coi đó như một bài học đầu đời về học tập”, Minh cho hay.

 

Bình luận (0)