Ngày càng có nhiều người gia cảnh thường thường bậc trung cũng đi du học. Phần lớn du học sinh tự tìm cho mình những công việc part time (làm bán thời gian) phù hợp để tự lo chi phí sinh hoạt.
Du học sinh Việt Nam tại Singapore cùng các bạn quốc tế tổ chức trò chơi trong ngày bảo vệ động vật. Ảnh: Hải Anh |
Ở Singapore hiện có khoảng 4.000 sinh viên Việt Nam đang theo học và không phải ai trong số đó cũng được gia đình trợ cấp toàn bộ.
Trịnh Quang Dũng (sinh viên năm thứ 3 ĐH Ngee Ann Polytechnic) cho biết, nếu học ở trường tư, học phí 8.000-10.000 SGD/năm (100-120 triệu đồng Việt Nam), trường công 20.000 SGD/năm (tương đương 240 triệu đồng), tiền ở khoảng 300 SGD/tháng/người; điện, nước, internet 50 SGD, ăn uống hết 200 SGD.
Tính ra, riêng tiền ăn ở sinh hoạt khoảng bảy triệu đồng/tháng. “Như thế là chi tiêu tiết kiệm hết cỡ rồi”, Dũng nói.
Dũng cho biết, để có tiền trang trải, các du học sinh thường chọn những công việc đơn giản như phát tờ rơi, làm bồi bàn, phát báo, phát kẹo và quà tặng tại siêu thị, giao đồ ăn,…
Cao cấp hơn thì bán hàng qua điện thoại, nhân viên dịch vụ khách hàng, lập trình, thiết kế. Chịu khó, mỗi tuần cũng kiếm được khoảng 100 SGD.
Trịnh Văn Vinh, du học học sinh ngành công nghệ thông tin tại Tokyo- Nhật Bản cho biết, chi phí ở Nhật đắt nhất nhì thế giới, nhưng ở đây du học sinh có thể làm thêm rất nhiều nghề như phụ bếp, rót rượu, bưng bê trong các nhà hàng, làm thuê cho các xí nghiệp chế biến thực phẩm, làm cơm hộp…
Nhà hàng, quán ăn, siêu thị gia đình là những địa chỉ sinh viên Việt thường tìm tới. Có người làm ba buổi/tuần mỗi buổi năm tiếng, có người làm sáu buổi/tuần. “Thù lao làm thêm mỗi tiếng 900 –1.000 yên (160.000 đồng- 180.000 đồng), cũng đủ cho sinh hoạt phí và những chi tiêu thường nhật”, Vinh nói.
Quảng cáo bản thân
Kinh tế khó khăn, đầu việc part time giảm, du học sinh phải linh hoạt trong kiếm việc làm.
Nguyễn Hải (sinh viên năm thứ ba ĐH La Trobe-Melbounre) cho biết: “Muốn kiếm việc làm thêm, du học sinh thường đi gõ cửa từng nơi, hoặc làm một bản resume (giống như bản lý lịch tóm tắt về kinh nghiệm, khả năng làm việc…) rồi photo làm nhiều bản và đi phát tại các cửa hàng cửa hiệu, khi nào họ cần sẽ gọi lại cho mình”.
“Những người tìm được việc nhờ resume thường phải kiên trì, và nhiệt tình lui tới các địa chỉ đã để lại resume”, Hải chia sẻ. Mới đầu sang Australia, Hải phục vụ trong quán phở được tám USD /giờ.
Hiện tại, hai ngày cuối tuần, Hải làm trong siêu thị, thứ Bảy được trả 21 USD/giờ, Chủ nhật 30 USD/giờ. Thứ Ba làm IT help desk (từ 5h-10h tối) với 25 USD/giờ .
Chủ yếu sinh viên Việt Nam tại Úc làm cho chủ Việt Nam hoặc chủ người châu Á (Trung Quốc, Nhật). Nam sinh khỏe có thể hái nấm, hái dưa (10 USD/giờ) hoặc có thể đi làm phụ bếp cho các nhà hàng, quán phở (8-12 USD/giờ).
Theo Nguyễn Hải, học phí ở các trường ĐH tại Úc trung bình từ 16.000-25.000 USD/năm. Nếu du học sinh thường xuyên làm part time cũng kiếm được 15.000-20.000 USD/năm.
Làm thêm, ngoài việc tự lo được tiền ăn, sinh hoạt, một năm cũng tiết kiệm được 5.000-6.000 USD, bù được một phần tư số tiền học phí phải đóng.
Mỹ: Cấm sinh viên làm part time
Lê Quốc, du học sinh tại Connecticut, Mỹ cho biết, ở Mỹ, các trường cấm sinh viên đi làm thêm khi học. Sinh viên chỉ được làm ở trong trường như trực tại các văn phòng trả lời khách hay nghe điện thoại, dọn dẹp ở nhà ăn sinh viên, trợ giảng cho giáo sư… Nhưng công việc ít, nhu cầu của sinh viên lớn nên thường sinh viên phải làm chui. |
Theo Hải Yến / Tiền Phong
Bình luận (0)