Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Du học Mỹ: Tiết kiệm khi mua giáo trình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mỹ là quốc gia rất coi trọng tác quyền nên sẽ không có chuyện các loại sách, giáo trình được sao chép và bán tại các cửa hàng photo như ở Việt Nam. Hơn thế nữa, người Mỹ cũng rất coi trọng các sản phẩm trí tuệ nên các loại sách thường được bán với giá rất cao.

Tuy nhiên, nếu biết tận dụng, du học sinh sẽ tiếp kiệm được một khoản tiền đáng kể khi mua sách giáo khoa (textbook) cho mỗi môn học.

Đừng vội mua sách ở trường

Không chỉ với sinh viên quốc tế, ngay cả sinh viên Mỹ cũng đau đầu với chuyện mua sách mỗi đầu học kỳ vì chúng quá đắt, một cuốn sách giáo khoa rẻ nhất bán trong nhà sách của trường cũng phải từ 20-30 USD. Thậm chí những cuốn sách kinh tế, tài chính, kỹ thuật, toán, khoa học có giá lên tới 400-500 USD là chuyện bình thường. Theo bạn Vũ Hoài Phương (sinh viên Trường ĐH Yale), sở dĩ những cuốn sách có giá như vậy vì hàng năm các nhà xuất bản, tác giả phải tái bản sách, trong đó luôn cập nhật các thông tin mới nên giá sách từ phiên bản cũ với phiên bản mới có thể cách xa nhau một trời một vực.

Có nhiều cách thức để du học sinh không phải tốn quá nhiều tiền mua giáo trình như thuê sách, đọc sách trên thư viện… (ảnh minh họa)

Cũng bởi chi phí cho việc mua sách quá cao nên các sinh viên thường chia sẻ cho nhau những cách thức để không mất quá nhiều tiền vào khoản này. Bạn Hoài Phương lưu ý những tân du học sinh là khoan vội mua sách tại nhà sách của trường vì giá thường đắt hơn trên mạng. Theo Hoài Phương, có rất nhiều nguồn sách mà sinh viên có thể tìm, đầu tiên trong số đó phải kể đến là thư viện ở trường. “Bạn không nhất thiết phải lên tận thư viện trường để tìm sách. Hiện tại, hệ thống thư viện tại các trường ĐH ở Mỹ đều được máy tính hóa nên trong những buổi giới thiệu thông tin chung về trường (orientation) bạn có thể tìm hiểu để nắm thông tin về cách sử dụng hệ thống thư viện này. Thông thường, hệ thống thư viện tại các trường ĐH ở Mỹ đều đơn giản và dễ sử dụng. Ở trường tôi, việc sử dụng thư viện rất đơn giản, chỉ cần lên trang web của thư viện, gõ số ISBN (mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách) hoặc tên sách là có thể đặt mượn được ngay. Tuy nhiên, vì số lượng sách ở thư viện có hạn nên bạn cần nhanh tay trước khi bị người khác mượn mất”, Hoài Phương cho biết.

Tận dụng tối đa nguồn sách với giá rẻ

Nếu chậm tay với thư viện, bạn có thể sử dụng nhiều cách khác để không tốn quá nhiều tiền mua giáo trình. Với Nguyễn Lê Nhật Tiến (sinh viên năm 3 Trường The University of Colorado At Boulder), cách được bạn sử dụng nhiều nhất khi du học là dùng chung sách với các bạn cùng phòng, cùng khóa. Tuy nhiên, với cách này, bạn và người dùng chung sách phải có sự thỏa thuận và sắp xếp lịch hợp lý để cả hai đều có thời gian sử dụng. “Nếu muốn có vài cuốn sách riêng cho mình, bạn có thể lùng sách tại các trang bán sách giá rẻ như half.com hay dealoz.com hoặc mua sách bản ebook. Thông thường giá bản ebook sẽ rẻ hơn sách in rất nhiều, thậm chí có thể lên tới 50-75%, tùy vào loại sách bạn mua. Trong trường hợp học những lớp bắt buộc phải có sách nhưng môn đó lại không thuộc chuyên ngành và bạn cũng chẳng muốn mua thì có thể lựa chọn thuê sách từ các trang textbookrentals.com hay chegg.com. Giá thuê cũng rất rẻ so với việc mua sách giá gốc và thời gian thuê có khi tới hết một học kỳ”, Nhật Tiến chia sẻ.

Sau khi áp dụng những cách này mà vẫn thấy giá sách đắt quá thì sinh viên có thể nghĩ tới chuyện dùng sách cũ. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng sách cũ, sinh viên phải hỏi ý kiến các giáo sư vì thông thường các giáo sư ĐH khá khắt khe trong vấn đề này và thường yêu cầu sinh viên phải dùng đúng loại sách họ yêu cầu. Ví dụ, giáo sư yêu cầu phiên bản thứ 33 và bạn tìm thấy cuốn 32nd edition ở thư viện hay trên mạng thì hãy hỏi giáo sư, nếu giáo sư đồng ý thì bạn mới được sử dụng. “Đối với nguồn sách cũ, thông thường sinh viên làm quen và hỏi các anh chị khóa trên xem còn giữ sách không và nhanh tay “xếp gạch” đặt hàng xin mượn. Có nhiều trường hợp không phải ai cũng cho mượn mà sẽ bán lại nên bạn phải trổ tài thuyết phục, đàm phán để lấy được sách với giá ưu đãi nhất”, Nhật Tiến bật mí.

Bài, ảnh: Linh Vy

Không chỉ với sinh viên quốc tế, ngay cả sinh viên Mỹ cũng đau đầu với chuyện mua sách mỗi đầu học kỳ vì chúng quá đắt, một cuốn sách giáo khoa rẻ nhất bán trong nhà sách của trường cũng phải từ 20-30 USD.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)