Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) và Tập đoàn giáo dục phi chính phủ SBH (Đức) đã ký kết hợp tác đào tạo nghề kép tại Đức. Đây là chương trình giáo dục thí điểm song đôi trên toàn cầu vì tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam.
Lễ ký kết giữa CBAM và SBH |
Học nghề kép – một nửa thời gian học lý thuyết tại trường và một nửa thời gian thực tập tại doanh nghiệp – được xem là mô hình đào tạo nghề tiên tiến nhất hiện nay.
Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề còn hạn chế
Phát biểu tại lễ ký kết, TS. Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho biết: “Đức là một trong những quốc gia đầu tiên hợp tác với Việt Nam mở trường quốc tế Việt – Đức tại TP.HCM. Việc CBAM và SBH hợp tác với những chương trình đào tạo nghề thiết thực có thể giúp các bạn trẻ khởi nghiệp và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi rất mong chương trình sẽ được mở rộng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng phát triển để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong giai đoạn tới”.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), mục tiêu phát triển chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 là phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Trong đó tập trung vào đào tạo các nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề lên 63% vào năm 2020.
Trước nhu cầu bức thiết đó, bà Đỗ Thị Kim Liên (Hiệu trưởng CBAM) chia sẻ: “Một thực tế đáng báo động ở nước ta hiện nay là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Chất lượng dạy nghề trong nước mặc dù ngày càng được nâng cao nhưng phần nào vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo nhóm… Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn bất cập, giáo viên dạy nghề còn hạn chế về kỹ năng nghề, chương trình ít được cập nhật, bổ sung phù hợp với sự phát triển của nhu cầu xã hội và khoa học công nghệ. Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề còn hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển của quy mô và mạng lưới cơ sở dạy nghề, chưa huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển dạy nghề…”. Từ thực tế đó, bà Liên cho rằng để tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… đòi hỏi phải có sự dũng cảm, tầm nhìn rộng. “Với những thế mạnh và kinh nghiệm sẵn có, tôi tin CBAM sẽ làm tốt nhiệm vụ kết nối giữa học viên Việt Nam với SBH”, bà Liên khẳng định.
Vừa học vừa làm trong quá trình học
Đối tượng tuyển sinh của chương trình đào tạo nghề kép là học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông, được các trường lập danh sách đăng ký với CBAM. Trên cơ sở danh sách đó, CBAM sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá và lựa chọn học viên đạt yêu cầu của trường. Nội dung kiểm tra chủ yếu là các kiến thức liên quan đến nghề sẽ làm sau này. Không chỉ căn cứ vào bảng điểm, nguyện vọng mà còn xem thái độ của học viên đối với nghề họ sẽ làm. Sau khi đánh giá, lựa chọn được người đúng như yêu cầu, CBAM sẽ tổ chức ký hợp đồng đào tạo tiếng Đức, trình độ B2.1 tại Việt Nam.
Học viên sau khi sang Đức sẽ được học một khóa tiếng Đức chuyên sâu B2.2, sau đó sẽ được học nghề trong vòng 3 năm với các chuyên ngành nhà hàng – khách sạn như đầu bếp, phục vụ, dọn phòng… Học viên được miễn học phí theo hình thức vừa học vừa làm trong suốt quá trình học. Đặc biệt, được hưởng lương cơ bản từ 550-700 Euro/tháng và được chủ doanh nghiệp hỗ trợ các loại bảo hiểm (y tế, sức khỏe, thất nghiệp…) trong suốt thời gian học như một lao động tại Đức. Sau tốt nghiệp, học viên được hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các nhà hàng, khách sạn quốc tế, các khu nghỉ dưỡng cao cấp của Đức, với lương khởi điểm từ 1.600-2.500 Euro/tháng. Kết thúc khóa học, người học được đánh giá bởi Phòng Công nghiệp Đức theo chuẩn thống nhất quốc gia. Sau 3 năm học nghề, học viên sẽ tiếp tục hoàn thành một báo cáo tốt nghiệp. Những kỳ thi chưa đạt cần được kiểm tra lại.
Được biết, năm 2018, CBAM sẽ mở rộng đào tạo các chuyên ngành y tế, điều dưỡng, chăm sóc người già… tại Đức thông qua các tổ chức giáo dục uy tín hàng đầu châu Âu và thế giới.
Q.Huy
Bình luận (0)