Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Du học Nhật Bản: Giỏi tiếng Nhật cơ hội xin học bổng càng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), tôi nhận được học bổng toàn phần học lên thạc sĩ tại Trường ĐH Tohoku (Nhật Bản). Sống và học tập ở xứ sở hoa anh đào hơn 5 năm, tôi đã học hỏi rất nhiều điều hay từ con người ở đây – họ nhiệt tình, chu đáo giúp đỡ người khác nhưng cũng hết sức ngăn nắp, kỷ luật.

Nhiệt tình và rất kỷ luật

Nhật Bản thường xuyên xảy ra động đất, có khi 1 tuần xảy ra 2-3 lần ở nhiều địa phương. Thời điểm mới sang Nhật Bản, tôi có tham gia một lớp hướng dẫn kỹ năng “khi có động đất thì phản ứng như thế nào” để có biện pháp bảo vệ mình và giúp đỡ người khác khi có thiên tai xảy ra. Dù vậy, khi gặp tình huống thực tế, tôi cũng không ít lần sợ hãi đến… xanh mặt. Tôi còn nhớ như in khi mới sang đây học được 1 năm, một hôm tôi đang tham dự hội nghị ở trường có rất đông thầy cô và sinh viên thì chuông điện thoại hú liên tục (ở đây thường có động đất xảy ra nên điện thoại thường cài chuông báo), tôi và mọi người run bần bật vì lần đầu tiên “tiếp xúc” với động đất. Tuy nhiên, tôi thấy một điều rất khâm phục là dù mặt đất đang rung chuyển rất mạnh, có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào nhưng khi chạy ra khỏi tòa nhà cao tầng, người Nhật vẫn bình tĩnh tập trung chờ cho hết động đất rồi trở vào làm việc tiếp chứ không có tâm lý hoang mang, hỗn loạn như người Việt chúng ta. Ai bị thương hay có mất mát gì họ nhiệt tình giúp đỡ chứ không khư khư nghĩ đến bản thân mình. Có thể nói người Nhật Bản rất có ý thức, dù đói, dù sợ hãi thế nào thì họ vẫn bình tĩnh, trật tự.

Nhiều cơ hội nhận học bổng hỗ trợ

Sinh hoạt phí ở Nhật Bản tùy từng vùng và tùy vào việc bạn ở chung hay ở một mình. Khi qua đây, tôi sống một mình ở vùng lân cận thủ đô Tokyo nên mỗi tháng sinh hoạt phí mất khoảng 50 ngàn yên (tiền nhà, tiền điện, nước), gần 9 triệu đồng Việt Nam; trong khi tiền ăn và tiền tiêu vặt cũng khoảng 50 ngàn yên. Tuy nhiên, tiền học bổng (hiện tại) của tôi là gần 150 ngàn yên nên nếu chi tiêu tiết kiệm thì tôi có dư một ít.

Nguyễn Duy Khánh (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng các du học sinh tại Nhật Bản

Ở Nhật Bản, khi vào ĐH, sinh viên phải đóng khoản phí nhập học là 280 ngàn yên (gần 50 triệu đồng Việt Nam). Học phí hàng năm ở trường công khoảng 535 ngàn yên (khoảng 94 triệu đồng Việt Nam), học cao học cũng tầm khoảng này. Riêng trường luật và trường y thì mức học phí cao hơn, như Trường ĐH Luật Tokyo có mức học phí khoảng 800 ngàn yên/năm. Như vậy, tiền học phí mỗi tháng của một sinh viên là khoảng 50 ngàn yên, còn sinh hoạt phí là 120 ngàn yên.

Tuy nhiên, tiền học phí và sinh hoạt phí ở Nhật Bản tương đối mềm so với những nước khác do du học sinh được Chính phủ trợ cấp khá nhiều. Cụ thể, ngoài học bổng của Chính phủ Nhật Bản, sinh viên còn có học bổng của các công ty hoặc các quỹ như học bổng Panasonic, Hitachi…, mỗi tháng được khoảng 180 ngàn đến 200 ngàn yên. Ngoài ra còn có rất nhiều học bổng khác mà sinh viên quốc tế có thể nộp đơn xin sau khi đến Nhật Bản. Chưa hết, nếu bạn giỏi tiếng Nhật thì cơ hội xin học bổng lại càng cao hơn.

Qua thực tế, tôi cho rằng, nếu các bạn trẻ du học ở Nhật Bản thì nên đầu tư học tiếng nước này thật tốt cộng với kết quả học tập cao để xin học bổng, sau đó đi làm thêm để luyện tiếng Nhật và nâng cao khả năng giao tiếp. Việc làm thêm thực sự không đủ trang trải hết mọi chi phí, chưa tính làm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học. Tiền lương làm thêm ở Nhật Bản trung bình một giờ khoảng 880 đến 1,3 ngàn yên (150 đến 220 ngàn đồng Việt Nam). Một số bạn đi làm chui mỗi ngày mười mấy giờ, mỗi tháng kiếm được kha khá nhưng mệt mỏi và không học được. Thậm chí, khi bị nhà trường phát hiện sẽ bị trục xuất về nước.

Nguyễn Duy Khánh

(Nghiên cứu sinh ĐH Tohoku, Nhật Bản)

Người dân luôn lịch sự, chu đáo

Khi qua Nhật Bản, thời gian đầu tôi ở ký túc xá. Trong năm học đầu, nhà trường biết những khó khăn của một sinh viên quốc tế nên đã sắp xếp một sinh viên Nhật Bản nói tiếng Anh khá tốt làm người hướng dẫn cho tôi, giúp tôi nhiều vấn đề trong cuộc sống. Theo cảm nhận của tôi, người dân ở đây rất tốt, nhiều lần tôi đi lạc phải nhờ mọi người chỉ dẫn đường về nhà, họ nhiệt tình đưa tôi về đến tận nơi hoặc mua vé xe buýt cho tôi rồi dặn dò tài xế nhắc tôi xuống khi đến nơi. Người Nhật Bản rất lịch sự nhưng khi chưa thân họ sẽ giữ khoảng cách. 

 

Bình luận (0)