Nhiều người bạn của tôi ở Việt Nam không khỏi ngạc nhiên khi biết một du học sinh như tôi lại không làm bất cứ một công việc làm thêm nào để trang trải cuộc sống. Thật ra tôi vẫn làm việc vì công việc của tôi gắn liền với nghiên cứu ở trường và tôi kiếm tiền từ đó để xoay xở với cuộc sống ở Pháp.
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành CNTT của Trường ĐH Cần Thơ, tôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Tháng 9-2012, tôi học thạc sĩ tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Tôi hoàn thành chương trình học 2 năm và nhận được một suất thực tập thạc sĩ cùng với học bổng học lên tiến sĩ tại Pháp. Học bổng được tài trợ từ hai nguồn: 50% từ nguồn ngân quỹ của thành phố và 50% từ kinh phí dự án do phòng Lab của các trường ĐH liên kết.
Giỏi tiếng Anh vẫn chưa đủ
Tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng và cần thiết đối với các du học sinh. Tuy nhiên, nếu chọn Pháp là nơi để học tập, ngoài tiếng Anh còn cần phải biết tiếng Pháp. Trong quá trình học thạc sĩ tại Hà Nội, tôi đã học tiếng Pháp để chuẩn bị cho du học. Trước đó, khi còn học phổ thông, tôi cũng đã thi và đạt được chứng chỉ tiếng Pháp B2 châu Âu. Vì vậy khi sang Pháp, ngôn ngữ không phải là một trở ngại lớn với tôi. Nhiều người bạn của tôi biết được chương trình học sử dụng tiếng Anh nên họ chỉ tập trung học ngôn ngữ này, nhưng khi bước ra khỏi trường và làm quen với cuộc sống sinh hoạt bên ngoài, họ không khỏi choáng váng vì tiếng Anh “không còn chỗ đứng”. Trường ĐH tôi theo học tạo điều kiện cho sinh viên thực tập sử dụng tiếng Anh nên ở trường, tôi cùng các bạn và giảng viên trao đổi chuyên môn bằng tiếng Anh, nhưng trong sinh hoạt hằng ngày thì phải dùng tiếng Pháp. Tuy nhiên, những khóa sau đã có sự thay đổi, họ đòi hỏi du học sinh phải có chứng chỉ tiếng Pháp B1 châu Âu. Tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ rất khó học, tuy nhiên chính sách dạy và học tiếng Pháp tại đất nước này rất tiện lợi. Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các du học sinh bằng việc tổ chức các lớp dạy tiếng Pháp miễn phí hoặc các lớp dài hạn với học phí rất thấp. Do đó sinh viên có thể đăng kí học dự bị tiếng Pháp khoảng 1 năm tại Pháp trước khi nhập học cao học chính thức.
Không đi làm thêm vẫn… đủ sống
Tôi nghiên cứu ở phòng Lab của trường từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối mỗi ngày, buổi tối tôi tự học để có thể theo kịp chương trình vì môi trường làm việc đòi hỏi rất cao. Hiện tại tôi đang sống ở Lannion cùng với các du học sinh Việt Nam khác.
Nguyễn Hữu Vân Long (bìa phải) cùng các du học sinh Việt Nam ở Pháp |
Trong 6 tháng thực tập, tôi nhận được mức lương bằng 1/3 lương tối thiểu của một công dân Pháp. Tiền thuê phòng ở được trường ĐH chi trả nên tôi không tốn phí cho khoản này. Hiện tại tôi đang làm nghiên cứu sinh thuộc ĐH Rennes 1 và đây được xem như một công việc ở Pháp, do đó tôi được nhận lương và đóng thuế như một công dân Pháp. Với số tiền nhận được, tôi chi tiêu tiết kiệm để có thể tự mình xoay xở với cuộc sống mà không cần phải nhờ vào gia đình và cũng không xao nhãng việc học cho công việc làm thêm. Đây là điều mà tôi cảm thấy tuyệt vời nhất khi du học ở Pháp.
Trung bình một phần bánh sandwich có giá khoảng 4 Euro (khoảng 100 ngàn đồng Việt Nam), thực đơn nhà hàng thấp nhất là khoảng 15 Euro (375 ngàn đồng), nếu tự nấu nướng thì khoảng 10 Euro (250 ngàn đồng)… Do đó, một du học sinh tự túc sẽ tốn khoảng 500 Euro/ tháng (12,5 triệu đồng/tháng), nếu tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt (tính cả tiền nhà vì sinh viên sẽ được hỗ trợ về nhà ở). Tuy nhiên nếu sống tại Paris, con số này sẽ còn cao hơn nữa. Chi phí ở Pháp khá đắt đỏ nhưng bù lại học phí ở đây khá thấp do đã được hỗ trợ rất nhiều. Nếu không có học bổng, bình quân một học kì tôi sẽ tốn khoảng 350 Euro (gần 9 triệu đồng) cho học phí.
Nước Pháp là một trong những quốc gia phong phú về văn hóa, ẩm thực và là điểm đến du lịch lý tưởng cho nhiều du khách. Khi du học Pháp, tôi đã có cơ hội đi đến nhiều nơi, nhiều bãi biển tuyệt đẹp và gặp gỡ rất nhiều người bạn đa quốc gia thú vị. Không những thế, tôi còn có thời gian để học tập và nghiên cứu với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đồng thời nâng cao khả năng song ngữ Anh – Pháp của bản thân. Nếu bạn có dự định du học và mong muốn học thêm một ngôn ngữ mới thì tôi nghĩ Pháp là một nơi rất phù hợp để thực hiện điều đó.
Nguyễn Hữu Vân Long
(Nghiên cứu sinh ngành xử lý tín hiệu số tại ĐH Rennes 1, Pháp).
Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.Cần Thơ, quá trình học tập từ nhỏ đến lớn đều gắn liền với vùng đất này. Việc quyết định sang Pháp du học là một trong những điều quan trọng, ảnh hưởng lớn không chỉ đến tôi mà còn cả gia đình tôi. Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt để tôi nâng cao kiến thức chuyên môn, hoàn thiện khả năng ngoại ngữ và mở rộng sự hiểu biết về văn hóa nên tôi quyết định sang Pháp du học. Tháng 4-2014, tôi bắt đầu thực tập thạc sĩ tại ĐH Brest, ngành hệ thống nhúng. Sau nửa năm thực tập, tôi học tiếp chương trình tiến sĩ ngành xử lý tín hiệu số tại Trường ĐH Rennes 1… |
Bình luận (0)