Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Du học Pháp và “chiếc xe n bánh”

Tạp Chí Giáo Dục

Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM vừa khai mạc triển lãm ảnh 'Chọn nước Pháp'. Đây là dịp để công chúng có được những góc nhìn rõ nét hơn về giáo dục bậc cao (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) ở nước này.

Cuộc triển lãm nhằm giới thiệu các ngành nghề và hình thức đào tạo phong phú sau bậc phổ thông tại đất nước hình lục giác: từ các trường kỹ sư, thương mại đến các đại học về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế… Chân dung của 14 cựu du học sinh tại Pháp được trưng bày là những gương mặt đã có kết quả học tập rất tốt và khi quay về nước thì được đảm nhận những vị trí quan trọng tại các tập đoàn, trường, viện, nơi họ làm việc.

Du học Pháp và chiếc xe n bánh - ảnh 1

Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser (ở giữa) trao đổi với các cựu du học sinh có ảnh được chọn triển lãm. LAN CHI

Tư duy kiểu Pháp

Bên lề cuộc triển lãm, tiến sĩ Dương Quảng Điền, một trong 14 cựu du học sinh có ảnh chân dung được chọn trưng bày, kể lại lý do lựa chọn học tại Pháp. TS Điền chia sẻ: “Vốn là học sinh chuyên lý của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, học tiếng Anh suốt bậc phổ thông, tôi đến với tiếng Pháp khá trễ, khi trở thành sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM và theo học chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp. Chương trình này dùng hoàn toàn giáo trình của Pháp (dịch sang tiếng Việt)".

Tiến sĩ Điền cho biết thêm: "Là người thích khoa học từ cấp 2, khi đọc giáo trình của Pháp về toán, lý, hóa… tôi bị thu hút ngay vì nội dung rất hay với lối tư duy đặc thù. Có một câu nói vui, nhưng diễn tả rất chính xác tư duy này: Để làm ra một chiếc xe 4 bánh thì trước tiên, người Pháp sẽ suy nghĩ về chiếc xe… n bánh. Cách nhìn nhận vấn đề sâu, rộng và khái quát như thế rất phù hợp với tôi”.

Từ việc “mê mẩn” giáo trình các môn chuyên ngành của Pháp, anh đã quyết định tìm hiểu về du học ở nước này, rồi khi đang học năm thứ hai ĐH thì đăng ký dự thi và trúng tuyển học bổng để sang học ở École Polytechnique (Trường Bách Khoa – Paris), ngôi trường đào tạo kỹ sư danh giá bậc nhất của Pháp. Sau khi lấy bằng thạc sĩ về vật lý lý thuyết tại đây, anh Điền làm nghiên cứu sinh và lấy bằng tiến sĩ về toán ứng dụng tại Đại học Paris VI – Pierre et Marie Curie, trường hàng đầu về khoa học tự nhiên của nước này.

Du học Pháp và chiếc xe n bánh - ảnh 2

Trường Khoa học thuộc ĐH Sorbonne danh tiếng của Pháp ở Paris. LAN CHI

Bác sĩ Dương Duy Khoa, giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cũng rất ấn tượng về “tư duy kiểu Pháp” khi theo học chương trình thạc sĩ về y tế cộng đồng tại Trường ĐH Paris XI.

Bác sĩ Khoa chia sẻ: “Khi học phương pháp luận về nghiên cứu khoa học, chúng tôi được tạo thói quen đặt câu hỏi và tìm ra phương pháp để trả lời những câu hỏi đó. Mỗi câu hỏi sẽ có nhiều lựa chọn, sinh viên sẽ được khám phá các lựa chọn đó và thầy giảng giải rằng chọn cách nào cũng được, tùy thuộc vào lập trường triết học, vào thế giới quan và năng lực cá nhân… Sẽ không có câu trả lời duy nhất, mà sẽ chỉ có câu trả lời phù hợp nhất cho từng tình huống. Tôi rất thích cách tiếp cận này”.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Dương Quảng Điền nói: “Theo cách đào tạo này, người học không chỉ học giải quyết một vấn đề, mà rút ra được bài học và có thể sẵn sàng để giải quyết những vấn đề khác”. Chính nhờ khả năng giải quyết được nhiều vấn đề mà tiến sĩ Điền tuy học về vật lý lý thuyết và toán ứng dụng nhưng vẫn thích nghi nhanh làm việc tốt ở lĩnh vực tài chính và anh hiện là giám đốc quản trị rủi ro tài chính cho một tập đoàn bảo hiểm.

Nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới

Trong nhiều lĩnh vực, cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, Pháp đều có những chuyên gia hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, nhắc về toán tài chính, giới chuyên gia vẫn sẽ nghĩ về Pháp đầu tiên. Tiêu biểu là nữ giáo sư Nicole El Karoui, không chỉ là đại thụ mà còn được xem là người đã khai sáng toán tài chính. Ngay tại Mỹ, các chuyên gia về lĩnh vực này của Pháp được đánh giá rất cao và giữ những vị trí quan trọng trong những tập đoàn lớn về tài chính.

Quan trọng hơn, các giáo sư, giảng viên luôn tận tình với mọi sinh viên. Tiến sĩ Điền kể: “Tôi vẫn nhớ hoài, những năm đầu tiên ở Trường Bách Khoa Paris, tiếng Pháp của tôi cũng chưa giỏi lắm. Khi tôi có gì thắc mắc và hỏi thêm ngoài giờ trên lớp, giáo sư Jean Dalibard, viện sĩ Hàn lâm viện Khoa học Pháp, vẫn sẵn sàng dành hàng giờ để giảng giải cho tôi. Là cây đa, cây đề trong ngành vật lý nhưng thầy không hề khó chịu với một học trò nói tiếng Pháp chưa trôi chảy, trái lại, thầy luôn cởi mở và tận tâm”.

Du học Pháp và chiếc xe n bánh - ảnh 3

Tiến sĩ Dương Quảng Điền và Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser. LAN CHI

Luôn mở rộng cửa với sinh viên nước ngoài

Về việc đón nhận du học sinh sau giai đoạn đại dịch, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuelle Pavillon-Grosser, cho biết: “Chúng tôi luôn mở rộng cửa với sinh viên nước ngoài và làm mọi khả năng để các bạn du học sinh được đón tiếp ở điều kiện tốt nhất, kể cả trong giai đoạn Covid-19 hoành hành nghiêm trọng nhất trên thế giới".

Bà Pavillon-Grosser đồng thời lưu ý: "Pháp chưa từng ngưng nhận sinh viên nước ngoài, việc cấp thị thực nhập cảnh cho người du học vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, hai năm trước, số lượng du học sinh – bao gồm sinh viên Việt Nam – đến Pháp có giảm sút, chủ yếu do ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch: việc di chuyển giữa các quốc gia rất khó khăn, số lượng chuyến bay giảm, nhiều gia đình cũng không muốn con đi học xa khi Covid-19 còn diễn biến khó lường…”.

Theo bà Pavillon-Grosser, ngay cả trong một số thời điểm dịch bùng phát mạnh và Pháp phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, việc giảng dạy được tổ chức trực tuyến, sinh viên học từ xa nên quá trình học tập không hề bị gián đoạn. Ngoài ra, sinh viên – không phân biệt người bản xứ hay người nước ngoài – được chính phủ hỗ trợ nhiều để vượt qua khó khăn trong đại dịch, chẳng hạn như cung cấp những bữa ăn với giá chỉ 1 euro (gần 25.000 đồng), tạo điều kiện để kiếm việc làm thêm…

Cũng theo bà Pavillon-Grosser, đến năm học 2021 – 2022, phần lớn các đại học ở Pháp đã có hầu hết thời gian học trực tiếp tại trường.

Học phí ở Pháp

Học phí tại ĐH công lập ở Pháp được nhà nước hỗ trợ một phần đáng kể nên dù phí tổn đào tạo thật sự từ 10.000 – 14.000 euro/năm, sinh viên nước ngoài chỉ đóng một khoản phí khá thấp: 2.770 euro (hơn 68 triệu đồng)/năm cho bậc cử nhân; 3.770 euro (hơn 92,5 triệu đồng)/năm cho bậc thạc sĩ.

Một số ĐH ở Pháp (gồm nhiều trường danh tiếng tại các thành phố lớn) vẫn áp dụng học phí cho sinh viên nước ngoài bằng với sinh viên bản xứ, nên chỉ còn 170 euro (hơn 4,1 triệu đồng)/năm ở bậc cử nhân và 243 euro (gần 6 triệu đồng)/năm ở bậc thạc sĩ. Riêng bậc tiến sĩ thì không có sự khác biệt giữa sinh viên Pháp hay sinh viên nước ngoài, học phí cùng là 380 euro (hơn 9,3 triệu đồng)/năm.

Theo Lan Chi/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)