Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Du học sinh gieo mầm khoa học cho trẻ vùng xa

Tạp Chí Giáo Dục

Không giống như các hoạt động xã hội khác chủ yếu giúp đỡ cộng đồng bằng cách tặng bánh kẹo, sách vở…, nhóm du học sinh chọn cách mang phương pháp học tập mới kết hợp cùng khoa học công nghệ đến với học sinh vùng xa

Nhóm Make A Simple Wish và các bạn nhỏ trường tiểu học tại Bến Tre	 /// Ảnh: H.Thuận
Nhóm Make A Simple Wish và các bạn nhỏ trường tiểu học tại Bến Tre ẢNH: H.THUẬN
Lấy khoa học làm quà tặng
Được học tập từ những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nhóm du học sinh bậc trung học này mong muốn chia sẻ những gì mình học được với bạn bè trong nước, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu vùng xa.
Với tâm nguyện đó, Trần Ánh Linh (học sinh lớp 10, Trường Emmaus High School, Pennsylvania, Mỹ) cùng em trai và bạn bè từng quen biết nơi quê nhà đã thành lập nhóm Make A Simple Wish (thực hiện một điều ước) để tổ chức những hoạt động xã hội cho trẻ em vùng nông thôn.
Không giống như các hoạt động xã hội khác chủ yếu giúp đỡ cộng đồng bằng cách tặng bánh kẹo, sách vở…, nhóm du học sinh chọn cách mang phương pháp học tập mới kết hợp cùng khoa học công nghệ và cả những món ăn tinh thần đến với học
sinh vùng xa, nơi chưa bao giờ có cơ hội để tiếp cận.
Từ cuối năm 2015 đến nay nhóm đã đến Mường Tè (Lai Châu), Cần Giờ (TP.HCM) và mới đây là đến với các em ở Trường tiểu học Lê Hoàng Chiếu (huyện Bình Đại, Bến Tre). Tại đây, các du học sinh đã hướng dẫn các bé cách học theo phương pháp Learn to Learn (học phương pháp học) qua những món đồ chơi lắp ráp. Đây là một phần trong khuynh hướng giáo dục mới của thế giới đang phổ biến, hướng học sinh đến với khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.
 
Gieo mầm khoa học cho trẻ vùng xa 1

Hào hứng điều khiển những con robot

Với phương pháp học này, nhóm đã tổ chức được những câu chuyện và dựa trên câu chuyện đó để lắp ráp. Từ quá trình lắp ráp như vậy, học sinh sẽ bắt đầu đặt những câu hỏi về mô hình và tự sáng tạo ra câu chuyện của riêng bản thân mình.
“Phương pháp Learn to Learn sẽ giúp học sinh có thể phát huy tính sáng tạo và trí tưởng tượng của bản thân. Ngoài ra sẽ tăng được sự hứng khởi trong việc học với đặc tính của phương pháp học này là vừa học vừa chơi”, Trần Anh Khoa, học sinh lớp 7, Trường Eyer Middle School của Mỹ cũng là thành viên nhóm, chia sẻ.
Cơ hội hoàn thiện bản thân
Không chỉ ươm “hạt mầm” khoa học cho mỗi học sinh tiểu học ở vùng nông thôn, chương trình còn là cơ hội để từng thành viên của nhóm được san sẻ kiến thức, điều kiện học tập của mình cho những nơi có hoàn cảnh còn khó khăn, thiếu thốn.
Các du học sinh đã vận động từ phụ huynh, doanh nghiệp để tặng ngôi trường vùng hạn mặn này những thùng trữ nước mưa, góc học tập cho trẻ nghèo… Bên cạnh đó, đây còn là một chuyến trải nghiệm đầy thú vị, giúp mỗi “công tử, tiểu thư” này có cơ hội được hoàn thiện bản thân.
Buổi chiều hôm trước ngày hội mang công nghệ đến vùng xa, nhóm cùng nhau đến thăm gia đình các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Lúc này chính các du học sinh lại được người dân quê dạy lại cách đến thăm nhà, cách mua trái cây bày lên bàn thờ khi thăm hai gia đình học sinh có bố hoặc mẹ mới qua đời…
“Tôi không kiềm được nước mắt khi học trò tôi hớn hở chạy lại níu lấy áo tôi nói cô ơi, con làm con rắn đó (con robot) di chuyển được rồi. Tôi tin rằng các em sẽ tò mò, sẽ đặt câu hỏi để rồi tự mình cũng sáng chế nên những con robot như vậy”, cô Nguyễn Thị Thanh Thảo, giáo viên của Trường tiểu học Lê Hoàng Chiếu, nói.

Nữ Vương/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)