Là một cường quốc hàng đầu về giáo dục, các trường ĐH của New Zealand luôn có những sáng kiến thiết thực, hỗ trợ sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp, nhanh chóng hòa nhập và thành công trong môi trường mới. Một trong những dự án nổi bật phải kể đến là chương trình Alumni As Mentors của ĐH Victoria Wellington (VUW).
Thành Danh (đứng một mình hàng đầu tiên) tốt nghiệp cử nhân thương mại tại ĐH Victoria Wellington năm 2015 |
“Đánh trúng” nhu cầu thiết yếu của du học sinh
Alumni As Mentors là chương trình thường niên của VUW nhằm tìm kiếm một người hướng dẫn (mentor) là cựu sinh viên của VUW đã gặt hái được những thành công nhất định trong sự nghiệp, phù hợp với một người được hướng dẫn (mentee) là sinh viên đang theo học tại VUW. Thông thường, quá trình chuyển đổi từ lớp học sang môi trường làm việc thực tế gặp rất nhiều khó khăn, chương trình Alumni As Mentors ra đời nhằm mục đích truyền đạt kinh nghiệm của người đi trước giúp các sinh viên tốt nghiệp có thể dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn khởi đầu, rút ngắn quá trình tìm việc và hòa nhập. Điểm đặc biệt được coi là sáng kiến của Alumni As Mentors năm 2017 là chương trình được thí điểm mở rộng dành cho cả sinh viên quốc tế dự định quay trở về nước làm việc, đối tượng được cho là dễ sốc tâm lý nhất sau khi ra trường. Do đó, tiêu chí để lựa chọn mentor và mentee phù hợp là cả hai phải cùng chuyên ngành, cùng quốc gia, và một số tiêu chí về tính cách cũng như định hướng nghề nghiệp khác.
Tham gia dự án, cả mentor và mentee có thời gian 6 tháng để trao đổi, trò chuyện với nhau thông qua email, skype, facebook hoặc một số phương tiện khác. Yêu cầu duy nhất đó là mentor và mentee phải dành tối thiểu từ 8 đến 10 tiếng cho chương trình. Tất cả những hoạt động còn lại chủ yếu do mentee và mentor chủ động sắp xếp.
Cách vượt qua cú sốc tâm lý hậu du học
Minh Trang (sinh viên ngành thương mại của VUW, và là một mentee) cho biết đặc điểm chung của nhiều du học sinh sau khi về nước là kỳ vọng cao về công việc, không những từ bản thân mà còn từ phía gia đình và người thân. Mặt khác, khi mới tốt nghiệp, các bạn dễ bị sốc tâm lý vì thực tế công việc có thể khác xa với kiến thức được học ở trường. Chính những điều này tạo nên một áp lực lớn cho tôi và nhiều bạn khác. Minh Trang chia sẻ: “Lời khuyên của mentor đối với tôi như là chiếc kim la bàn. Tôi có mục tiêu, có đích đến nhưng không biết đi làm sao. Mentor là người đã giúp tôi vạch ra hướng và cách đi hiệu quả nhất”. Chỉ khi có định hướng tốt, du học sinh trở về nước mới nhanh chóng hòa nhập và phát huy khả năng trong môi trường làm việc thực tế.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực nhân sự tại Việt Nam, Thành Danh đã tình nguyện ghi danh vào chương trình với tư cách là mentor. Anh cho biết: “Thị trường lao động hiện nay có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. Nhưng điều này cũng dễ làm bạn đi sai hướng và không tận dụng được hết những gì đã học. Do đó, tôi giúp mentee từng bước vạch ra các hướng đi tốt nhất tùy theo nguyện vọng của các bạn. Khi đã có hướng đi cụ thể, có gặp khó khăn ra sao mentee cũng dễ dàng vượt qua”.
Mở rộng cơ hội nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội
Hầu hết mentor được kêu gọi tham gia dự án thử nghiệm đều là những người đã đạt được thành công nhất định ngay tại quê nhà, họ cũng trở thành cầu nối giúp các du học sinh mở rộng mối quan hệ trong ngành, gia tăng khả năng tìm kiếm công việc phù hợp. Đặc biệt, mentor còn giúp mentee từ những việc như đánh giá CV cho đến chia sẻ cơ hội nghề nghiệp trong nước, tầm nhìn của ngành hiện tại ra sao, mục tiêu hướng tới của ngành là thế nào, hiện tại có những doanh nghiệp tập đoàn nào đang làm tốt về lĩnh vực đó… Với những kiến thức thực tiễn này, các mentee trước khi tốt nghiệp có thể hình dung rõ hơn về thị trường lao động, và có những bước chuẩn bị hợp lý nhất.
Thành Danh chia sẻ thêm: “Vấn đề lớn nhất mà các bạn du học sinh gặp phải sau khi về nước đó là không biết tìm việc ở đâu, mức lương khởi điểm như thế nào là phù hợp. Do vậy các anh chị mentor có thể cung cấp cho mentee những thông tin quan trọng, từ đó rút ngắn được một chặng đường gian nan sau khi về nước. Đây chính là ưu điểm làm cho dự án Alumni As Mentors mang tính thực tiễn cao, thu hút được nhiều tình nguyện viên”. Vì là chương trình thử nghiệm nên dự án Alumni As Mentors năm 2017 dành cho sinh viên quốc tế mới chỉ áp dụng với sinh viên đến từ 3 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hồng Kông, Malaysia và Việt Nam.
Alumni As Mentors chỉ là một trong số rất nhiều dự án thể hiện sự quan tâm thiết thực của giáo dục New Zealand dành cho sinh viên. Hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục của quốc gia này đều có rất nhiều sáng kiến tương tự. Có thể kể đến chương trình NZ Workplace Insights, dự án từ ĐH Auckland kết nối các cựu sinh viên của trường nhằm giúp đỡ sinh viên quốc tế năm nhất tìm hiểu về thị trường lao động, các nhà tuyển dụng ngay tại New Zealand…
N.Thanh
Bình luận (0)