Thay vì chăm chăm mua đồ dùng là những vật dụng mới tinh, du học sinh có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể nếu biết cách “săn” đồ cũ từ chợ, garage sale hoặc các trang mạng chuyên bán và trao đổi đồ cũ.
Đồ cũ… không xấu
Theo nhận định của Hồ Thu Trang (cựu du học sinh ở Pháp), những sinh viên khi mới sang Pháp du học – nhất là những bạn chưa từng có kinh nghiệm quản lý tiền bạc trước đó – thường có tâm lý mua sắm rất nhiều thứ mà họ cho là cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. “Sau một ngày đi mua sắm, các bạn xách về cơ man nào là đèn, chăn gối, đồ dùng nhà bếp, đồ dùng học tập… Và chỉ sau vài ngày, ngân sách đi du học của các bạn chỉ còn 1/3, không đủ để trang trải trong khoảng thời gian đầu của hành trình. Nếu tính theo tỉ giá Euro, USD, Franc, Won… thì số tiền không nhiều (vì vật giá ở các nước phát triển khá dễ chịu), nhưng nếu quy ra tiền Việt thì quả là một con số… không dễ chịu chút nào đối với các phụ huynh. Vì vậy, kinh nghiệm của những người đi trước khuyên các tân du học sinh là nên mua đồ cũ, sẽ rất thú vị và tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể”, Thu Trang cho biết.
Mua đồ cũ, sinh viên sẽ tiết kiệm được một số tiền đáng kể. Trong ảnh: Sinh viên quốc tế tham gia chợ bán đồ cũ tại Úc. Ảnh: N.A |
Thực tế trên các diễn đàn du học sinh thường có chuyên mục chia sẻ những kinh nghiệm về việc mua sắm đồ dùng, vật dụng cũ. Cụ thể, trên diễn đàn du học sinh Mellboune (Úc), một thành viên có tên Nick Dương chia sẻ: Ở Úc, việc dùng đồ cũ là chuyện rất bình thường, người mua và sử dụng đồ cũ được coi là biểu hiện của sự văn minh, tiết kiệm. Gọi là đồ cũ nhưng tất cả các sản phẩm đều còn rất tốt, nhiều vật dụng mới được sử dụng 1-2 lần. Thường đồ cũ khi được bán ra, người bán đã thực hiện các biện pháp tẩy rửa an toàn cho người tiêu dùng. Ở Úc có hẳn một chuỗi các trang mạng hệ thống cửa hàng đồ cũ khá lớn và được tin cậy như Salvos, Vinnies, Opportunity (hệ thống bán đồ cũ của các nhà thờ, số tiền thu được sẽ được dùng để ủng hộ người nghèo); Baby and kid market (chợ bán đồ cũ, vừa là chỗ vui chơi cho các em bé). Nếu chịu khó để ý, du học sinh sẽ dễ dàng săn được những món đồ với giá rẻ… như cho tại các garage sale – một hình thức thanh lý đồ cũ theo kiểu “dọn nhà cho đỡ chật”, hoặc của những gia đình sắp chuyển qua vùng khác thường diễn ra rất nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần.
Nhiều lợi ích thiết thực
Như đã nói ở trên, việc mua đồ cũ sẽ giúp du học sinh tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, ngoài ra còn mở rộng được các mối quan hệ, nâng cao được những kỹ năng mà bản thân không ngờ tới. Thu Trang cho biết, tại các nước châu Âu thường có nhiều chương trình giảm giá đặc biệt vào mùa Giáng sinh và kỳ nghỉ hè. Ở một số cửa hàng đồ cũ, hàng hóa khi bán chậm sẽ được liên tục giảm giá, có khi giá bán cuối cùng chỉ bằng 1/5 hay 1/10 so với giá cũ. Vì vậy, nếu chịu khó lùng sục, du học sinh sẽ có một khoảng thời gian “dễ thở” khi không phải lăn tăn nhiều về tiền bạc. “Có một điều rất thú vị ở Pháp đó là mỗi khu phố sẽ có một ngày dọn đồ để tiện cho việc chở rác nên nếu xây dựng được mạng lưới “vệ tinh” tại các khu phố quanh nơi mình sinh sống, sinh viên sẽ có cảm giác giống như… trúng mánh khi xin được những vật dụng không chỉ là bàn ghế, giày dép, đồ dùng nhà bếp mà còn có cả những món đồ điện tử, công nghệ…”, Thu Trang chia sẻ.
Còn về đồ dùng học tập, du học sinh có thể dễ dàng mua rẻ, xin được từ khu ký túc xá dành cho sinh viên trong trường. “Các khu ký túc xá sẽ có những tấm bảng thông báo. Ai cần cho hoặc bán lại cái gì đều có thể đăng tin lên đó. Thông thường, những tấm bảng này sẽ được dán kín vào mỗi đầu năm học, những sinh viên sắp ra trường sẽ sang nhượng lại gần như toàn bộ đồ dùng từ chăn gối, sách vở, bàn học… với giá rẻ nên các bạn đừng vội mua đồ mới khi mới sang du học. Chỉ cần đi vòng vòng trong trường, các bạn sẽ có được những món đồ mình muốn. Ngoài ra, một số trường học cũng thường tổ chức các garage sale, yard sale đồ cũ do sinh viên, giảng viên trong trường tự tổ chức. Nếu biết thỏa thuận, các bạn sẽ rinh về được nhiều món đồ với giá vô cùng dễ chịu, lại có dịp làm quen được với nhiều bạn bè, thầy cô mới”, Thu Trang nói.
Linh Vy
Ở Úc, việc dùng đồ cũ là chuyện rất bình thường, người mua và sử dụng đồ cũ được coi là biểu hiện của sự văn minh, tiết kiệm. |
Bình luận (0)