Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Du học sinh trở về: Cơ hội nhiều, thử thách lớn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Câu chuyện du học sinh ở lại hay về nước sau khi học xong đang là vấn đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông hiện nay. Giáo dục TP.HCM đã ghi nhận ý kiến một số cựu du học sinh về vấn đề này.

Ở đâu cũng phải đánh đổi

Trần Ngọc Tuân (cựu du học sinh ĐH Bordeaux – Pháp), hiện là Giám đốc điều hành tại Magenweb, nhìn nhận: Chuyện ở lại hay về nước luôn là vấn đề khiến nhiều du học sinh đau đầu – nhất là với những ai sắp kết thúc thời gian học – dù lúc đi ai cũng đinh ninh rằng mình sẽ trở về. Theo quan điểm của tôi, nếu du học bằng tiền ngân sách Nhà nước, thành phố hay một tổ chức nào đó tài trợ mà cam kết quay về thì hiển nhiên bạn phải có trách nhiệm trở về để phục vụ cho tổ chức, vì đó là chữ tín. Còn nếu bạn tự đi học bằng tiền túi hay học bổng mà không có ràng buộc cam kết phải trở về thì việc trở về hay không phụ thuộc vào chính cá nhân và gia đình bạn. Và tất nhiên, dù về nước hay ở lại thì đều có những thứ đánh đổi hay cơ hội riêng mà chỉ có bạn mới tự cân-đo-đong-đếm được.

Các em học sinh tại TP.HCM đang tìm hiểu thông tin du học

“Thật ra, chuyện du học sinh ở lại hay về nước sau khi học xong cũng giống như chuyện sinh viên Việt Nam chọn ở lại làm việc tại thành phố hay về quê lập nghiệp, dù chọn cái nào thì cũng có mặt được và mất. Môi trường sống ở nước ngoài có thể tốt hơn nhưng tình cảm gia đình, gần gũi người thân không thể bằng được. Môi trường khởi nghiệp ở nước ngoài có thể dễ hơn do thị trường lớn và cơ chế chính sách đủ hấp dẫn, nhưng bạn phải là người có tài năng mới tồn tại được trong môi trường đầy áp lực cạnh tranh đó. Thật ra, theo tôi thấy, dù học ở đâu thì kiến thức cũng chỉ phù hợp với môi trường đó. Điểm khác biệt duy nhất là khi ở nước ngoài, bạn phải tự bươn chải nên tự biết quan tâm đến cuộc sống và sự nghiệp của mình, từ đó thành con người tự lập hơn hẳn. Ở trường, các bạn cũng tự nghiên cứu, tìm kiếm nơi thực tập, chỗ làm… nên tính cách, suy nghĩ chuyên nghiệp “ngấm” vào người lúc nào không biết. Chính môi trường ở đất nước bạn sinh sống khiến bạn phải thay đổi để thích ứng với môi trường đó chứ không phải nhờ thành tựu lớn lao nào. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho đất nước, cho cơ chế mà phải nhìn nhận từ chính bản thân mình”, Ngọc Tuân phân tích.

Không về, đừng tiếc!

“Ai cũng có những khó khăn, sẽ gặp các trở ngại bước đầu và để đi được đến đích thì phải biết gạt qua những thách thức, chấp nhận điều tiếng để dấn thân. Nếu bạn không về nước để đón nhận thử thách thì người khác nhảy vào, lúc ấy bạn đừng tiếc!”, chị Nguyễn Hà Thanh nói.

Từng du học tại ĐH Yale (Mỹ) trở về, chị Nguyễn Hà Thanh (Phó trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông Công ty T&T), đánh giá không phải cứ học xong vài năm ở nước ngoài thì sẽ trở thành người có tài. “Nếu không thể cạnh tranh được với môi trường làm việc đầy áp lực ở nước ngoài, và nếu không có tài năng gì nổi trội thì tôi khuyên các bạn du học sinh nên về nước tìm kiếm cơ hội cho mình. Đất nước đang phát triển như vũ bão, về chậm ngày nào là bỏ lỡ cơ hội ngày đấy. Hiện hàng loạt công ty nước ngoài đua nhau đầu tư vào Việt Nam. Còn nếu chưa đầu tư thì cũng đã và đang trả hàng tỉ USD mỗi năm để thuê người ở những nước đang phát triển như Việt Nam, Philippines, Ấn Độ… qua các kênh online như freelancer.com, Upwork.com, vLance.vn… Thế nên cơ hội làm việc với môi trường quốc tế tại Việt Nam hoàn toàn không thiếu. Còn nếu nói về khởi nghiệp, hàng loạt nhân vật đã từng du học về nước và khởi nghiệp thành công có thể kể đến như Topica của Phạm Minh Tuấn, Azstack của Mai Duy Quang, Uber Việt Nam của Đặng Việt Dũng, Vexere của Trần Nguyễn Lê Văn, OnOnPay của Bùi Sỹ Phong, CyberAgent của Nguyễn Ngọc Điệp… và hàng loạt những dự án khởi nghiệp khác đã và đang bắt đầu có tiếng tăm trên thị trường Việt Nam. Ai cũng có những khó khăn, sẽ gặp những trở ngại bước đầu và để đi được đến đích thì phải biết gạt qua những thách thức, chấp nhận điều tiếng để dấn thân. Nếu bạn không về nước để đón nhận thử thách thì người khác nhảy vào, lúc ấy bạn đừng tiếc!”.

Chới với vì nghĩ mình ở “cành cao”

Ở góc độ nhà tuyển dụng, chị Nguyễn Vân Anh (cựu du học sinh ĐH Stanford – Mỹ), Trưởng phòng Nhân sự Công ty Unilever Việt Nam, nhìn nhận một trong những lý do khiến nhiều du học sinh ngại quay về nước là… không xin được việc làm hoặc có xin được thì mức lương cũng không như mong muốn.

Chị Vân Anh cho biết chị từng phỏng vấn rất nhiều du học sinh nộp hồ sơ xin vào công ty làm việc với những thái độ thật… khó hiểu. “Các bạn nghĩ rằng mình mất mấy năm ở trời Tây, được đào tạo theo phong cách làm việc Tây nên thường đòi hỏi rất cao, đòi môi trường làm việc phải thế này, phải ở vị trí kia và nhất là mức lương ít nhất phải trên 1.500 USD/tháng thì mới có “cái bắt tay” trong công việc. Nhưng các bạn đó đã nhầm, công ty tuyển người để làm được công việc cụ thể, và trả lương tương xứng với kết quả của công việc đó chứ không phải trả lương cao vì bạn đi học ở Tây về. Với tâm lý mình ở “cành cao” cộng với thái độ thiếu cầu thị đó, công ty rất khó để nhận các bạn vì ngoài phong cách làm việc, họ còn cần những người hiểu văn hóa, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, du học sinh… thất nghiệp cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu”, chị Vân Anh bày tỏ.

Ngoài ra, chị Vân Anh còn cho rằng một bộ phận du học sinh không chịu về nước là vì… sợ. Các bạn sợ về nước không kiếm được nhiều tiền, sợ phải đối mặt với những mặt trái của xã hội, với cơ chế hành chính và quản lý phức tạp, với nền y tế, giáo dục không tiên tiến, với những thói hư tật xấu… Tóm lại là vì lợi ích cá nhân. “Điều này không thể trách vì ai cũng có sự lựa chọn cho riêng mình, không thể ép họ hành xử khác được. Về nước hay ở lại là tùy suy nghĩ của mỗi người nên đừng phán xét hay đổ lỗi này nọ, mọi quyết định đều ở bản thân mình”.

Bài, ảnh: Linh Vy

 

Bấm vào để đánh giá bài viết

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

As you found this post useful...

Follow us on social media!

Bình luận (0)