Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Du học theo đề án 322: Lưu học sinh vẫn chưa được nhận tiền bản địa

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm 2007, nhiều lưu học sinh (LHS) được cử đi học theo đề án 322 ở nước ngoài phản ánh bị chậm và thiệt vì không được trả sinh hoạt phí bằng đồng bản địa. Trước vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết, đã xem xét khắc phục nhưng đến nay, vì nhiều lý do, LHS vẫn chỉ được nhận tiền bằng đồng đô la Mỹ (USD) và Euro.
Các bộ vẫn chưa thống nhất
Đầu năm 2007, qua dư luận báo chí, nhiều LHS được cử đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài theo đề án đào tạo cán bộ bằng Ngân sách Nhà nước (đề án 322) phản ánh lâm vào tình trạng khốn đốn vì tiền sinh hoạt phí thấp và bị gửi chậm, có khi đến nửa năm. Bên cạnh đó, do chỉ được nhận tiền bằng USD mà không phải đơn vị tiền tệ của nước đang theo học nên mức tiền không ổn định, phụ thuộc vào sự lên xuống, bấp bênh của đồng tiền này. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó là Trần Văn Nhung (giờ đã nghỉ hưu) cho biết, Bộ rất muốn và sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan (Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao) để xem xét và sớm phát sinh hoạt phí cho LHS bằng tiền bản tệ. Còn theo một chuyên viên tư vấn đề án 322 – Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ GD-ĐT, sau khi nhận được phản ánh của LHS, từ ngày 1-1-2008, sinh hoạt phí đã được điều chỉnh tăng theo Thông tư liên tịch số 144 của ba bộ: Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT và Bộ Ngoại giao. Cũng theo thông tư này, LHS học tại châu Âu được cấp sinh hoạt phí bằng đồng Euro, còn tại các nước khác được trả sinh hoạt phí bằng USD. Chính vì vậy thực tế đến nay, LHS thuộc đối tượng này vẫn chưa được trả tiền sinh hoạt phí bằng đồng tiền của nước đang theo học, mà vẫn phải nhận USD và Euro. Vì thế, nhiều LHS tiếp tục gửi ý kiến về vấn đề này, cho rằng mức trợ cấp sẽ lên xuống thất thường, không ổn định, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khó khăn như hiện nay. Điều đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Chuyên viên tư vấn đề án 322 cho biết, trước khi có Thông tư 144, Bộ GD-ĐT đã đề nghị nên trả sinh hoạt phí bằng một số loại ngoại tệ mạnh ở những nước có LHS của đề án 322, nhưng các bộ chưa thống nhất. Điều lạ ở chỗ, tiền đóng học phí cho LHS, Bộ GD-ĐT phải trả bằng đồng bản địa cho các trường, trong khi đó, tiền sinh hoạt phí Bộ GD-ĐT lại phải gửi bằng USD (hoặc đồng Euro) cho cùng một LHS(?).
Tăng sinh hoạt phí nhưng tiền nhận vẫn giảm
Hiện nay, Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao cùng tham gia vào quá trình quản lý, cấp sinh hoạt phí cho LHS theo đề án 322. Cứ 6 tháng một lần, LHS gửi báo cáo tình hình học tập của mình cho Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở đó, tiền sinh hoạt phí được gửi trực tiếp vào tài khoản của từng LHS (trước đây ở một số nước phải thông qua Đại sứ quán), trừ một số nước (chẳng hạn như Cuba, bị cấm vận nên phải chuyển tiền đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico). Khi lĩnh tiền, LHS sẽ nhận bằng đồng tiền của nước sở tại theo tỉ giá của ngân hàng trả tiền, áp dụng cho thời điểm đó. Vì thế mới có chuyện, dù đã được tăng mức sinh hoạt phí từ 1-1-2008, nhưng do có sự thay đổi về tỉ giá ngoại tệ với USD, lại ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nên ở nhiều nước, số tiền LHS được nhận sau khi chuyển đổi bị giảm đi so với trước 1-1-2008. 
Theo Thông tư liên tịch số 144, có thể điều chỉnh mức sinh hoạt phí khi chỉ số giá tiêu dùng tại nước có LHS đang học tăng từ 10% trở lên, hoặc khi điều kiện kinh tế, tài chính của Nhà nước cho phép. LHS tại các nước có thể thông qua Đại sứ quán Việt Nam kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT và Bộ Ngoại giao xem xét việc cấp sinh hoạt phí bằng tiền bản địa phù hợp với loại tiền mà Bộ GD-ĐT phải thanh toán cho LHS tại mỗi nước. Đồng thời, xác nhận mức tăng chỉ số giá tiêu dùng ở mỗi nước trong năm qua, làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức sinh hoạt phí cho LHS.
Nghiêm Huê
Từ 1-1-2008, mức sinh hoạt phí đối với LHS hưởng học bổng thuộc đề án 322 là: LHS tại Tây Âu và Bắc Âu: 740 Euro/tháng; tại Đông Âu (Ba Lan, Bungary, Hungary, Séc, Slôvackia, Rumani, Ucraina, Belarus, Nga: 400 USD/tháng); tại Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản: 1.000 USD/tháng; tại Australia và New Zealand: 860 USD/tháng; tại Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông: 500 USD/tháng; tại Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ: 350 USD/tháng; tại Thái Lan, Philippines, Malaysia: 300 USD/tháng; tại Campuchia, Lào, Mông Cổ, Cuba: 170 USD/tháng; tại Ai Cập: 450 USD/tháng.
 

Bình luận (0)