Với mức thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng trong những năm qua, du học đã không còn là một giấc mơ xa vời với phụ huynh và học sinh Việt Nam. Thay vào đó, nó trở thành một lựa chọn khi cân nhắc đến những câu chuyện như sốc văn hóa ngược, Tây hóa, mất bản sắc văn hóa…
Bức tranh du học của Việt Nam có những mảng màu đối nghịch và điểm xuyến những điều nghịch lý. Tuy nhiên, những nghịch lý này lại không đối nghịch nhau mà chỉ như hai mặt trên cùng một tờ giấy, tồn tại song hành, hỗ trợ và cùng nhau trở nên tốt đẹp hơn.
Nghịch lý 1: Nước phát triển du học đến nước… đang phát triển
Theo Bộ GD-ĐT, mỗi năm người Việt đầu tư 3-4 tỷ USD để đưa con đi du học, số lượng tăng dần đều 8% mỗi năm từ 2010-2017. Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE) cũng nghiên cứu và công bố: số học sinh Việt Nam ở nước ngoài năm 2017 là 80.000 người. Tính riêng ở Mỹ, số du học sinh Việt Nam đứng thứ 6 trong số các sinh viên quốc tế.
Ở chiều ngược lại, hiện có hơn 21.000 du học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam (2019) và con số này ngày càng tăng theo thời gian. Báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) chỉ ra Việt Nam đã đón hơn 1.100 sinh viên Mỹ năm 2017.
Thế nhưng, tình trạng chảy máu chất xám vẫn đang diễn ra lạnh lùng khi trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 287 du học sinh Việt Nam được Cục Hợp tác quốc tế tiếp nhận về nước công tác.
Những con số nghịch lý trên cho thấy Việt Nam có sức hút tiềm năng để vừa hấp dẫn sinh viên quốc tế đến Việt Nam, vừa giữ chân người Việt “du học tại chỗ”.
Nghịch lý 2: Du học để thụ hưởng nền giáo dục tốt hơn, nhưng khiến bản thân mất đi những giá trị tốt đẹp
“Những đứa trẻ nhảy dù” là thuật ngữ chỉ những đứa trẻ được bố mẹ đưa đi du học từ rất sớm, trong độ tuổi phổ biến từ 13-17. Do chưa có sự chuẩn bị tâm lý và kiến thức trước những khác biệt về văn hóa và tính độc lập, “những đứa trẻ nhảy dù” dễ dàng biến giấc mơ du học thành những cơn ác mộng đầy khó khăn và cô đơn cho mình.
Đi kèm với những xung đột cá nhân là những xung đột về bản sắc, văn hóa truyền thống và tư duy dân tộc. Tại các nước phương Tây, thực trạng “Tây hóa” trong giới du học sinh diễn ra lặng lẽ nhưng đa dạng: từ thói quen ăn uống, sinh hoạt, ăn mặc bề ngoài đến ngôn ngữ, tri thức văn hóa, lễ nghi phép tắc, phong tục tập quán, nếp nghĩ.
Trên bề nổi, du học sinh dần quên tiếng Việt, không thể diễn đạt trọn vẹn một câu mà không chèn tiếng Anh. Dưới bề chìm, những giá trị tinh hoa của người Việt như mối quan hệ gia đình gần gũi, thảo kính cha mẹ, sống tình cảm, đoàn kết tương thân tương ái, chăm chỉ kiên trì, nhân-lễ-nghĩa-trí-tín-dũng… dần bị hòa tan, mai một và thay thế bởi những hệ giá trị mới.
Có thể nói nền tảng giáo dục, đặc biệt là mối liên hệ với gia đình và nhận thức của các em từ lúc còn ở trong nước đóng vai trò quyết định sự thay đổi này.
Nghịch lý 3: Khi du học bị sốc văn hóa (“xuôi”), nhưng khi trở về sốc văn hóa “ngược”
Theo khảo sát của công ty nhân sự SHD năm 2018, 87% du học sinh quyết định trở về nước sau khi tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập và thích nghi với môi trường làm việc tại các doanh nghiệp đa quốc gia, liên doanh và Việt Nam.
Hội chứng sốc văn hóa ngược (reverse culture shock) đối với du học sinh khi trở về nước thường nặng nề hơn “sốc văn hóa xuôi” khi ra nước ngoài – tiếp xúc với một nền văn hóa mới, vì đã có sự chủ động chuẩn bị trước.
Do đó, điều quan trọng nhất là giữ được sự cân bằng, cảm nhận và tôn trọng sự khác biệt văn hóa để thích nghi với mọi hoàn cảnh sống.
Nghịch lý 4: Giải pháp cho nghịch lý là một nghịch lý: Du học… tại chỗ
Những nghịch lý trên xét đến cùng vẫn là những… “hợp lý” để đặt ra nhu cầu cấp bách về một giải pháp “du học trong nước”. Đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho con cái có nền học vấn tốt, có ý chí và bản lĩnh trong cuộc sống, có thể tự lập ở môi trường quốc tế là đầu tư lâu dài cho tương lai bền vững.
Du học trong nước không chỉ giải quyết được bài toán tài chính mà trên tất cả, nó phát huy được thế mạnh, tinh hoa của nền giáo dục tiên tiến, cũng như giữ gìn được bản sắc dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống. Điều quan trọng là chương trình đào tạo phải mang… nghịch lý 5.
Ngày nay, trước làn sóng hội nhập kinh tế và toàn cầu hoá, những thách thức mới về bản sắc văn hoá dân tộc lại được đặt ra một cách gay gắt.
Nghịch lý 5: Tư duy toàn cầu – Hành động địa phương
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Đại sứ toàn quyền đặc mệnh của Việt Nam chia sẻ: “Nhìn vào lớp thanh niên Việt hiện đại, tôi thường trăn trở mãi một điều: khả năng đề kháng khá yếu trước làn sóng văn hóa nước ngoài đang ồ ạt tràn vào Việt Nam. Bản thân tôi dù có một thời gian khá dài sinh sống ở nước ngoài và có cơ hội làm việc với nhiều đối tác ngoại quốc, nhưng tôi chỉ lấy làm tiếc khi thấy một số bạn trẻ Việt Nam chọn đứng ở vị thế chỉ biết chấp nhận, sao chép một cách vô tư (đôi khi vô thức) từ nước ngoài, chứ ít khi nghĩ đến việc đặt cho mình câu hỏi ‘ta là ai?’ và ‘ta mang gì ra thế giới?’”.
Bà Ninh cho rằng để biên giới giữa các quốc gia mềm đi chứ không bị xóa mất, đòi hỏi người trẻ phải biết cách hội nhập ở tư thế, nhận thức và bản lĩnh đúng đắn, biết trả lời rành mạch cho câu hỏi “ta là ai?”. “Tất nhiên điều này không chỉ phát sinh từ chính người trẻ mà phần lớn còn đến từ cách nhà trường, xã hội và gia đình vun đắp cho người trẻ như thế nào”, bà cho biết.
“Ở đây tôi xin gợi ý hai điều: đổi mới tư duy và hành động. Đó là ‘tư duy toàn cầu, hành động tại chỗ’, chống lại xu hướng hẹp hòi, cục bộ, thiển cận trong suy nghĩ của mình. Ở đây không có nghĩa bạn quên đi những chuyện của đất nước mình. Từ hiểu biết, suy nghĩ toàn cầu để nhìn vào mình cho trúng hơn và hành xử tốt hơn”, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nhận định.
Hoàng Nam
Bình luận (0)