Du học từ phổ thông hay từ ĐH đang là băn khoăn của không ít bạn trẻ hiện nay. Nói về vấn đề này, Phạm Ngọc Bích (cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM), người từng du học từ bậc phổ thông tại Mỹ, nhìn nhận: Cái gì cũng có cái giá của nó. Đi sớm sẽ có những cái được và mất cho từng trường hợp.
Phạm Ngọc Bích (làm việc cho một công ty dược tại Mỹ) đang trao đổi với các bạn trẻ chuẩn bị đi du học Mỹ |
Thuận lợi hơn trước khi vào ĐH
Đề cập đến mặt lợi của việc đi du học từ bậc phổ thong (THPT), Ngọc Bích cho rằng lợi ích lớn nhất chính là trình độ tiếng Anh và được làm quen với cách học ở nước sở tại và nhất là sẽ thuận lợi cho việc phát triển ngôn ngữ hơn, đặc biệt là cách phát âm.
Riêng việc làm quen với văn hóa, lối sống để không phải bỡ ngỡ khi vào ĐH, Ngọc Bích phân tích: Tùy người mà cái lợi này có thể lớn hay nhỏ. Đối với những ai chỉ chơi với người Việt Nam dù là cấp học nào thì việc tìm hiểu và hòa nhập với văn hóa Mỹ đối với họ không mấy quan trọng. Còn những người thích mở rộng vòng tròn bè bạn và tham khảo văn hoá của bản xứ, thì từ THPT sẽ có thời gian học tiếng lóng, xem ti-vi, biết được một số từ ám chỉ thông dụng thường ngày. “Được học các môn chính khóa bằng tiếng Anh, phần nào sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi vào ĐH chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tuy du học từ THPT sẽ tốn tiền hơn, nhưng chương trình THPT ở Mỹ có các khóa Advanced Placement (AP). Nếu đạt được điểm cao khi thi AP, bạn sẽ không phải học các khóa đó ở ĐH”, Ngọc Bích cho biết.
Ngoài ra, việc du học từ phổ thông cũng giúp du học sinh có khái niệm rõ hơn về các trường ĐH mà mình muốn chọn. “Tuy ở Việt Nam bạn vẫn có thể lên mạng tìm hiểu thông tin từng trường, nhưng khi đã sống tại Mỹ được 1-2 năm, bạn sẽ hình dung rõ hơn về chất lượng, danh tiếng… qua lời nói của thầy cô, bạn bè trong trường. Đó là những kinh nghiệm thực tiễn mà chỉ sống trong môi trường này mới có được. Ví dụ: Trường ĐH John Hopkins rất tốt, nhưng có thể bạn sẽ không biết thành phố Baltimore nơi trường tọa lạc là một trong những thành phố nguy hiểm nhất ở Mỹ. Có thể ý định của bạn không thay đổi, nhưng biết trước để chuẩn bị tinh thần sẽ hay hơn”, Ngọc Bích nói.
Học phí vô cùng đắt đỏ
Ngọc Bích cho biết, du học từ bậc THPT trước mắt là tốn tiền hơn vì phải đóng thêm mấy năm học phí và cả ăn ở. Theo quy định của Chính phủ Mỹ, học sinh quốc tế theo diện visa F-1 chỉ được phép học tối đa 1 năm tại trường công lập, sau đó phải chuyển sang trường tư thục để học tiếp các năm sau để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Học phí trung bình 1 năm học tại trường công lập từ 10.000-20.000 USD. Còn ở trường tư thục, học phí có thể tăng gấp đôi, gấp ba tùy vào chất lượng của trường. Riêng về chi phí ăn ở, bạn có thể lựa chọn học bán trú hoặc nội trú và chi phí cũng không hề rẻ so với mức thu nhập của người Việt Nam. Tổng chi phí bao gồm tiền học, tiền ăn ở, sách vở, bảo hiểm… trong 1 năm học tại các trường nội trú thường từ 45.000-65.000 USD.
Chuyện học bán trú, ngoại trú cũng là vấn đề khiến nhiều bạn đau đầu khi chọn lựa. Theo đó, học sinh quốc tế thường du học Mỹ bằng hình thức giao lưu văn hóa (Cultural Exchange). Vì là giao lưu nên bạn sẽ không được lựa chọn gia đình hay tiểu bang đến ở. “Bạn có thể chọn vùng, rồi công ty sẽ đưa hồ sơ của bạn cho những gia đình trong vùng và họ sẽ chọn bạn. Có người vào được gia đình rất tốt, rất giàu, được đi khắp nơi. Nhưng có bạn vào gia đình bảo trợ không quan tâm, đối xử tệ, họ nhận học sinh giao lưu văn hóa vì tiền nhiều hơn là vì muốn học hỏi văn hóa nước ngoài… Khi du học bằng hình thức giao lưu văn hóa, bạn sẽ được học trường công lập 1 năm. Sau năm đó bạn sẽ phải sang trường tư vì không phải là công dân đóng thuế thì không được học trường công nữa. Vì vậy, nếu muốn du học từ bậc phổ thông thì hãy tính trước đến chuyện tìm trường, nộp đơn, chuyển nhà…”, Ngọc Bích chia sẻ.
Một phương án khác cũng được khá nhiều bạn trẻ lựa chọn là ở với người thân để tiết kiệm chi phí ăn ở. Tuy nhiên, bạn hãy chuẩn bị tinh thần khi phải sống chung với người thân vì có thể bạn sẽ phải phụ việc trong tiệm ăn của gia đình, hay không được đi ra ngoài vào buổi tối. Một bất lợi nữa trong việc sống với người thân là sẽ nói tiếng Việt nhiều. Vì thế vốn tiếng Anh của bạn sẽ khó phát triển. Để khắc phục, bạn nên nói tiếng Anh bất cứ lúc nào có thể ở trường, với bạn bè hoặc khi ra đường. Ngoài ra, một lựa chọn khác cũng được khá nhiều bạn lựa chọn là học trường tư, ở nội trú. Ở đây, học sinh được thầy cô quan tâm kiểm soát, học hành, sinh hoạt có quy củ. Tuy nhiên, điều bất lợi là học phí và tiền ăn ở khá đắt, chưa kể chất lượng giáo dục trường tư ở Mỹ cũng “thượng vàng hạ cám”.
Do đó, trước khi quyết định từ bậc phổ thông, các bạn trẻ nên có sự chuẩn bị và đầu tư thật kỹ để tránh “tiền mất tật mang”, hay “nửa đường gãy gánh”.
Linh Vy (ghi)
Bình luận (0)