Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Du học Úc: Cảnh giác các chiêu lừa khi thuê nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Tìm được một chỗ ở an toàn, thuận tiện đi lại mà giá rẻ không phải là chuyện dễ với những du học sinh mới chân ướt chân ráo tới xứ người. Đã có không ít bạn trẻ vỡ mộng từ những ngày đầu khi dính phải “quả lừa” từ việc tìm chỗ ở.

Tại Úc, quốc gia được nhiều người đánh giá là an toàn, trật tự cũng đã xảy ra những sự việc trên khiến du học sinh rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Mô típ cũ, kịch bản mới

Một nhóm du học sinh Việt Nam tại Úc từng lập trang xã hội trên mạng để các thành viên cảnh báo chiêu trò bịp bợm của những kẻ lừa đảo mà sinh viên dễ mắc phải khi tìm nhà. Trong số các chia sẻ được đăng tải, phổ biến nhất vẫn là hình thức đăng quảng cáo cho thuê nhà và chỉ có địa chỉ email để liên lạc. Đánh vào tâm lý của sinh viên, những quảng cáo mang hơi hướng lừa đảo này để giá thuê rất rẻ, nhà cửa rộng rãi, thoáng mát, nằm trong khu vực an ninh… Mô típ chung của loại tội phạm này là thường viện cớ đang đi công tác hay du lịch ở một quốc gia khác nên mọi giao dịch sẽ được thực hiện qua người trung gian (DHL). Và để gia tăng sự tin tưởng, kẻ lừa đảo sẽ gửi bản scan hộ chiếu, giấy tờ nhà, bản hợp đồng có chữ ký của luật sư cho người thuê nhà. Nếu đồng ý, người thuê nhà sẽ chuyển tiền đặt cọc (thường khoảng 2-3 tháng) và khi xác nhận số tiền đã được chuyển, người trung gian sẽ liên lạc để giao chìa khóa nhà. Với cái bẫy quá “ngọt”, chúng đã lừa được rất nhiều du học sinh quốc tế, trong đó có không ít người Việt Nam.

Học sinh tìm hiểu thông tin trong một ngày hội du học Úc tổ chức tại TP.HCM

Hà Vy, du học sinh Trường ĐH Macquarie phân tích: Thông thường, để tìm thuê nhà, nhiều người sẽ vào một số website và để lại địa chỉ email. Người cho thuê sẽ gửi thông tin phản hồi về căn nhà theo yêu cầu, và đây là lúc những kẻ lừa đảo giở mánh khóe.

Hà Vy chia sẻ: “Khi mới qua Melbourne, trong lúc tìm nhà trên mạng, tôi cũng từng chat với một người tự giới thiệu là chủ nhà và có phòng cho thuê với giá rất rẻ. Hắn nói với tôi là đang đi công tác tại Anh nên tôi sẽ phải gửi tiền qua Western Union và gửi bản scan hộ chiếu qua email rồi lấy chìa khóa ở DHL. Vốn đã được cảnh báo về chuyện này, lại thấy giá phòng quá rẻ nên tôi lặng lẽ rút lui và tìm thêm hai căn nữa thì kịch bản cũ lại diễn ra. Không chỉ lừa qua mạng, kẻ lừa đảo còn xuất hiện trực tiếp để giao dịch. Một người quen của tôi kể là chị được dắt đi xem lòng vòng bên ngoài căn hộ, sau khi đặt tiền cọc, hẹn hôm đến giao nhà rồi lấy chìa khóa thì người chủ lại… không liên lạc được”. Theo Hà Vy, đặc điểm nhận dạng của loại đối tượng này là thường có mặt trên nhiều trang web tìm nhà nên hễ có người đăng nhập vào là chúng tung lưới, gửi email tới tấp với nội dung giống nhau kèm theo kịch bản đi du lịch hay công tác nên cần chuyển tiền sớm. “Các bạn nên tập tính cẩn thận, kiểm tra rõ thông tin người cho thuê nhà bằng cách gõ thử tên, ID người đó trên google (vì ở Úc thường công khai danh tính tội phạm để mọi người cảnh giác). Ngoài ra, các bạn nên kiểm tra tình trạng ngôi nhà bằng cách đi đến tận nơi và hỏi người xung quanh (đôi khi, những lời quảng cáo không giống với thực trạng ngôi nhà). Không nên giao tiền vội nếu không gặp trực tiếp và khi giao tiền thì cần phải có biên nhận rõ ràng để nếu có chuyện gì xảy ra thì có thể khiếu nại với cảnh sát địa phương”, Hà Vy cho biết.

Rẻ thường đi đôi với… rởm

Do số người muốn thuê nhà đông, trong khi lượng nhà cho thuê có hạn nên nhiều chủ nhà trọ đã cố tình nhồi nhét nhiều người vào một ngôi nhà để tăng lợi nhuận. “Nhiều phòng ở tạm (boarding house) đã được dựng lên một cách chóng vánh tại những địa điểm gần các trường ĐH lớn ở Sydney và Melbourne. Cách thường thấy là chủ nhà chia nhỏ phòng ngủ, ngăn đôi phòng khách, tân trang garage, nâng cấp nhà kho để cho thuê. Đã có căn nhà ở 3 phòng ngủ được cơi nới thành 6 phòng, có nơi từng là chỗ ở của gia đình 5 người, chủ nhà hô biến thành phòng ở cho… 19 người. Hầu hết các căn phòng đều được quảng cáo với giá rất rẻ, tiện nghi, gần khu trung tâm hoặc trường học nên rất nhiều người bị hấp dẫn bởi điều này”, Lê Ngọc Chiến (sinh viên Trường ĐH Macquarie) cho biết. Tuy nhiên, có ở mới thấy hết được những rắc rối, bất an khi sống trong những căn phòng chật chội như vậy. “Theo luật của nước Úc, nhà cho thuê phải có khóa, dụng cụ báo cháy, lối thoát hiểm, thùng chứa rác, hệ thống dây điện an toàn… Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này thường không đầy đủ hoặc bị cắt xén, tận dụng tới mức tối đa”, Chiến cho biết thêm.

Theo Chiến, trước khi đến Úc, du học sinh nên chủ động liên hệ với người quen, các hội sinh viên du học tại trường hoặc thành phố mình sẽ học để nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ những người đi trước. Các bạn có thể sẽ được ở tạm vài ngày và được tư vấn về cách tìm nhà, cách phòng tránh những chiêu trò bịp bợm để không bị mất tiền oan từ những ngày đầu sang Úc.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

“Các bạn nên kiểm tra tình trạng ngôi nhà bằng cách đi đến tận nơi và hỏi người xung quanh (đôi khi, những lời quảng cáo không giống với thực trạng ngôi nhà). Không nên giao tiền vội nếu không gặp trực tiếp và khi giao tiền thì cần phải có biên nhận rõ ràng để nếu có chuyện gì xảy ra thì có thể khiếu nại với cảnh sát địa phương”, Hà Vy cho biết.

 

Bình luận (0)