Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Du học Úc và những điều cần cân nhắc

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh TP.HCM tìm hiểu thông tin du học tại một ngày hội. Ảnh: N.Anh

Theo thống kê, hàng năm, số lượng sinh viên quốc tế đến Úc du học ngày càng tăng, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, du học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định…

Nỗi lo học phí

Tiền học phí vẫn là vấn đề khiến nhiều sinh viên quốc tế khiếp sợ khi lựa chọn du học Úc. Ở bậc ĐH, sinh viên quốc tế phải đóng học phí cao hơn tới 400% so với sinh viên mang quốc tịch Úc. Theo một cựu chuyên gia chuyên ngành thần kinh học, ông Peter Osborne, lý do không liên quan tới các loại thuế mà chỉ là chế độ ưu tiên quốc gia.

Tại các trường ĐH ở Melbourne, Sydney và Queensland, để có một bằng cử nhân khoa học cơ bản, sinh viên Úc đóng phí 8.500 đô la Úc mỗi năm. Cũng với chương trình học này, sinh viên nước ngoài phải đóng mức phí trong khoảng từ 15.500 đến 35.500 đô la mỗi năm, tương đương khoảng 400% mức phí một sinh viên Úc phải nộp. Và có vẻ như các trường ĐH tốt nhất của Úc dường như hài lòng khi đặt ra mức phí cao gấp 4 lần cho du học sinh không phải là công dân Úc tới từ các nước có thu nhập bình quân thấp hơn. Sự cộng hưởng của sinh viên quốc tế vừa tạo nên những giá trị về kinh tế, vừa tạo môi trường học tập đa quốc gia, đa văn hóa. Theo một thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, sinh viên quốc tế đã đóng góp 15.74 tỉ đô la Úc vào nền kinh tế trong năm tài chính 2013 (con số kỷ lục thuộc về năm 2010 với 16,4 tỉ đô la Úc), một con số quá ấn tượng cho hoạt động kinh doanh giáo dục để cho thấy sinh viên quốc tế đang là lực lượng chi trả cho nhân viên và rất nhiều hoạt động giáo dục tại trường học.

“Theo nguồn tin mới đây từ Cục Di trú Úc, quốc gia này đang có kế hoạch tăng gấp đôi lượng sinh viên quốc tế và đề ra mục tiêu đạt được 1 triệu sinh viên vào năm 2025. Sự tăng trưởng về số lượng sinh viên quốc tế này sẽ đem về cho Úc hơn 36 tỉ đô la trong vòng 10 năm. Chính vì vậy, những hoạt động quảng bá thương hiệu giáo dục, tuyển sinh sẽ được rất nhiều trường đẩy mạnh trong thời gian tới. Do đó, đứng trước những thông tin quảng bá này, những bạn có ý định tìm hiểu về du học Úc cần tỉnh táo cân nhắc để có những lựa chọn phù hợp hơn”, Nick Dương, cựu du học sinh tại Úc, khuyên.

Nền giáo dục khắt khe

Đi sâu vào phân tích môi trường học tập tại Úc, Nick Dương cho rằng Úc là quốc gia có sự quản lý rất khắt khe về visa mà một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là số lượng sinh viên quốc tế đông. “Tất cả sinh viên nào đến Úc với visa du học đều biết đến việc phải có điểm danh trên 80% thời lượng học mới có thể tiếp tục ở lại. Trường sẽ báo số điểm danh lên cho trụ sở quản lý việc nhập cảnh và nếu bất cứ sinh viên nào không đi học đầy đủ, dưới 80% sẽ bị cắt visa. Vì vậy, những sinh viên “cúp cua” sẽ khó lòng giữ visa du học để ở lại nước Úc chứ đừng nói đến việc không qua nổi các kỳ thi. Điều đó có nghĩa là: Ngay cả khi đã đặt chân đến Úc rồi thì nguy cơ mất visa, bị buộc quay về nước cũng rất cao”, Nick Dương nói.

Song song với việc quản lý visa, việc học tập trong trường cũng khiến nhiều sinh viên quốc tế lo lắng đến… nghẹt thở bởi chỉ cần thi rớt 2 lần/môn là sẽ bị đuổi học, và khi trường hợp đó xảy ra thì khó có trường ĐH nào nhận nữa. Bạn Trương Thúy Hằng, sinh viên Trường ĐH La Trobe, cho biết: “Việc học tập được giám sát chặt chẽ tại các trường ĐH có chất lượng cao. Để đậu một môn, sinh viên cần đạt được 50% tổng số điểm của môn đó. Tổng điểm của mỗi môn được chia thành nhiều phần đánh giá (assessments), nên nhiều khi chưa cần thi cuối kỳ thì một số bạn đã đủ điểm đậu. Tuy nhiên, ở nhiều trường ĐH lớn, sinh viên buộc phải đạt trên 50% cho bài thi cuối kỳ để đậu dù điểm tổng của các assessment có cao. Sở dĩ có điều khoản này là vì các trường muốn tránh tình trạng sinh viên chủ quan sau khi đạt được điểm cao trong các assessment trước, lơ là kỳ thi, ảnh hưởng đến danh tiếng của trường”. Vì vậy, sinh viên phải nỗ lực học và thi cuối kỳ thật tốt vì nó quyết định việc đậu rớt của môn học đó, quyết định việc phải quay về nước, ở lại hay rẽ sang một hướng đi khác nếu muốn ở lại Úc. “Khi bị đuổi học, trường thông báo lên cho sở nhập cảnh là sinh viên đó không còn theo học ở trường nữa thì visa sẽ ngay lập tức bị hết hiệu lực. Nếu muốn tiếp tục ở lại Úc, sinh viên sẽ phải đăng ký học tại các trường dạy nghề và đây chính là điều lý giải vì sao nhiều bạn đi du học bằng học bổng ĐH nhưng lại quay về với tấm bằng của… trường CĐ nghề”, Thúy Hằng chua chát nói.

Linh Vy

Song song với việc quản lý visa, việc học tập trong trường cũng khiến nhiều sinh viên quốc tế lo lắng đến… nghẹt thở bởi chỉ cần thi rớt 2 lần/môn là sẽ bị đuổi học.

 

Bình luận (0)